Sức hút của Bắc Ninh với các tập đoàn danh tiếng thế giới như Canon, Sumitomo(Nhật Bản), Samsung, Orion (Hàn Quốc), Foxconn (Đài Loan), ABB (Thụy Điển) hay gần đây nhất là Nokia (Phần Lan) chứng tỏ thành công nhất định trong chiến lược kêu gọi đầu tư của chính quyền địa phương. Một nhà đầu tư Hàn Quốc tiết lộ chọn Bắc Ninh vì "thái độ của chính quyền tỉnh".
Tuy nhiên, trong nghiên cứu mới của Viện nghiên cứu phát triển IDS (Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam - VCCI) về động lực thúc đẩy cải cách kinh tế tại 4 tỉnh (Bắc Ninh, Hưng Yên, Đồng Tháp và Cà Mau), thì những nổ lực cải cách này không chia đều cho các doanh nghiệp. Ông Đậu Anh Tuấn, Phó trưởng ban pháp chế VCCI, chuyên gia tiến hành nghiên cứu cho biết, sự mất cân bằng này thấy rõ ở Bắc Ninh. Khi phỏng vấn trực tiếp, các doanh nghiệp nhỏ ở địa phương cảm nhận "chính quyền sở tại đều có quan hệ mật thiết với các doanh nghiệp lớn đặc biệt là đơn vị FDI".
Doanh nghiệp FDI được nhiều tỉnh thiên vị. Ảnh: ST |
Ông Tuấn cho hay, thực tế khi doanh nghiệp lớn cần hỗ trợ, có thể đặt vấn đề trực tiếp với lãnh đạo đứng đầu chính quyền tỉnh. Nhiều lãnh đạo cho rằng, đây là cách tốt nhất để tìm hiểu các vấn đề của doanh nghiệp. Trong khi đó, khu vực doanh nghiệp nhỏ ít có cơ hội như vậy bởi chủ yếu họ làm việc với các hiệp hội địa phương hoặc cán bộ cấp thấp.
Điều tra chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2010 của Bắc Ninh cũng cho thấy 43,6% trong số 101 doanh nghiệp được phỏng vấn cảm thấy "chính quyền tỉnh ưu tiên thu hút đầu tư của doanh nghiệp FDI hơn là phát triển khu vực tư nhân, trong đó đặc biệt là ưu ái trong phân bố đất đai". Ông Tuấn phân tích, để thu hút nhà đầu tư, chính quyền sở tại giao mặt bằng có sẵn với giá ưu đãi. Sự thiên vị này gây thiệt hại cho các doanh nghiệp nhỏ nhất là tình trạng giữ đất nhưng không thực hiện đầu tư theo cam kết gia tăng.
Sự thiên vị không chỉ diễn ra tại Bắc Ninh. Cuộc khảo sát cho thấy Hưng Yên cũng đang trong tình trạng tương tự khi 70% doanh nghiệp được hỏi cho rằng "các nhà đầu tư nước ngoài được thiên vị trong giao đất. 40% cho rằng chính quyền tỉnh ưu tiên thu hút FDI hơn khu vực tư nhân. Sự chèn lấn trong ưu thế còn diễn ra ở cả doanh nghiệp lớn từ địa phương khác tới. Điều này khiến các chuyên gia lo ngại suy giảm lòng tin giữa các doanh nghiệp, chính quyền địa phương và giữa các doanh nghiệp với nhau.
Hưng Yên và Bắc Ninh có điều kiện phát triển tương tự nhau nhưng khu vực kinh tế tư nhân Bắc Ninh đóng góp lớn vào cải cách nhờ phản ánh ý kiến, đối thoại thường xuyên với chính quyền địa phương. Còn Hưng Yên chỉ đạt được ưu đãi cá biệt nhờ chủ trương trải thảm đỏ chứ không mang lại lợi ích chung trong điều hành. Cụ thể, PCI của Bắc Ninh hằng năm tăng điểm tăng mạnh và đang đứng ở vị trí thứ 6, còn Hưng Yên rớt hạng từ vị trí thứ 16 năm 2006 xuống 33 vào năm 2011.
Tuy nhiên, theo bà Phạm Thị Thu Hằng, Tổng thư ký VCCI, điểm yếu trong phát huy tác động lan tỏa của FDI là liên kết khu vực doanh nghiệp trong nước ở cả hai địa phương này đều không thể hiện rõ.
Bắc Ninh quy hoạch 15 khu công nghiệp với diện tích hơn 7.500 ha đất trong đó có 10 khu đã đi vào hoạt động để hút FDI và tư nhân trong nước song chưa thuyết phục được doanh nghiệp thực hiện. Bà Hằng cho rằng, ngoài lý do chất lượng của doanh nghiệp trong nước còn do sự thiếu lồng ghép giữa phát triển công nghiệp phụ trợ và thu hút FDI của địa phương không những không hỗ trợ liên kết khu vực tư nhân mà còn cản trở sự cộng hưởng kinh tế tư nhân trong phát triển kinh tế địa phương.
Nghiên cứu cũng cho thấy, doanh nghiệp nhỏ, doanh nghiệp địa phương không có vai trò nhiều trong cải cách kinh tế. Nếu không có chính sách tốt để phát triển thì mục tiêu tác động lan tỏa doanh nghiệp FDI tới doanh nghiệp tư nhân và sự phát triển bền vững của kinh tế địa phương còn khó khăn.
(Theo Đầu tư)