Chỉ với 1.000 đồng, giờ đây hiếm người dân nào ra chợ mua được mớ rau về nấu canh. Đa phần các gánh hàng rong đều tự nâng giá từ 2.000 tới vài nghìn đồng đối với từng loại sản phẩm. Tại chợ cóc Nguyễn Khắc Cần, một phụ nữ cho biết, nếu cầm 1.000 đồng ra chợ, chị chỉ có thể mua ít hành lá, mặt hàng từng chỉ đáng giá vài trăm mấy năm trước.
Vài năm trước giá nước giải khát ở các khu phố cổ Hà Nội chỉ nằm trong khoảng 3.000-5.000 đồng thì giờ đây, một cốc sữa đậu nành trên vỉa hè phố Hàng Bồ lên tới 10.000 đồng mà vẫn đông người thưởng thức.
Ở góc độ người bán hàng nhỏ hoặc gánh rong, việc người dân quen dùng "tiền to" trong khi tiền lẻ gần như biến mất trên lưu thông thị trường khiến họ chịu ảnh hưởng ít nhiều. Không có tiền thừa trả lại khách, những tiểu thương này sẽ chỉ còn cách chấp nhận bán chịu, hoặc không bán được hàng.
Chị Hường, chủ tiệm cơm văn phòng thuộc quận Cầu Giấy thành thật: “Tiền lẻ bây giờ rất hiếm, nhiều khi khách mua đồ ăn mà mình không có tiền trả lại. Mỗi lần như thế, người thiệt vẫn là mình vì phải bán chịu.”
Chung quan điểm này, một phụ nữ trung niên bán rong trên phố Tràng Tiền buồn bã: “Bây giờ khách mua dùng tiền rất to, tôi bán chỉ 5.000 một lạng mã thầy, nhiều khi họ đưa 500.000 đồng tôi cũng không đủ tiền trả lại, vậy là họ không mua nữa. Vài trường hợp như thế tôi cũng thấy xót ruột vì mất khách, mình lại không bán được hàng.”
Mặt bằng giá tăng cao đã khiến một bộ phận người dân trở nên thờ ơ với tiền lẻ, bao gồm những đồng mệnh giá nhỏ dưới 5.000 đồng. Thậm chí, một vài người còn tỏ ra khó chịu khi phải “ôm” những tờ bạc lẻ trong ví.
Chị Hà, quận Hoàn Kiếm chia sẻ: “Nói chung tôi thấy tiền lẻ bây giờ chẳng có ý nghĩa mấy trong đời sống hàng ngày, nhiều khi cũng không muốn cầm, nhất là 5.000 đồng. Lần nào có mấy tờ này trong ví tôi cũng phải nghĩ cách tiêu thật nhanh”.
Phần lớn người dân luôn mang tâm lý những tờ bạc dưới 5.000 đồng có mệnh giá quá nhỏ, việc chúng xuất hiện trong ví tiền hay không cũng ít ảnh hưởng đến các cuộc mua bán. Đối với một số người tiêu dùng, tiền lẻ nằm trong túi cũng gây cảm giác “khó chịu”.
Anh Chương, quận Hoàn Kiếm nói: “Khi đi mua hàng mà tôi thấy tiền thừa còn lại 500 đồng hay 1.000 đồng là cũng cho người bán luôn, lấy tiền nhỏ như vậy về cũng chẳng mua được gì. Bây giờ gửi xe 5.000 đồng một chiếc thì 500 với 1.000 đồng có ý nghĩa gì đâu”.
Một nhân viên trông xe trên phố Nguyễn Xí, quận Hoàn Kiếm, cho biết: “Trước đây giá vé chỉ có 2.000-3.000 đồng cho mỗi chiếc xe máy, nhưng chúng tôi thường rất vất vả trong việc tìm tiền lẻ trả lại khách hàng. Bây giờ giá nâng hẳn lên 5.000-10.000 đồng, khách đưa tiền mệnh giá lớn chúng tôi vẫn trả lại được.”
Trong tương lai, những đồng tiền này có thể sẽ hoàn toàn biến mất. Ảnh: Tuệ Minh |
Nguồn tiền có mệnh giá thấp trong các siêu thị phần lớn cũng đang trở nên khan hiếm. Hầu hết khách đi mua hàng có hóa đơn lẻ tiền đều phải nhận kẹo hoặc sản phẩm có giá trị tương đương.
Anh Tuấn, quận Hai Bà Trưng bức xúc: “Mỗi lần đi siêu thị mà phải nhận kẹo thay tiền lẻ tôi rất bực bội. Tôi không thích ăn kẹo nên có những lúc từ chối nhận, họ cũng nói không có tiền lẻ trả lại, như vậy nghiễm nhiên tôi bị mất tiền.” Nhận thấy sự bất bình của khách, nhiều siêu thị có tiếng trên địa bàn thành phố Hà Nội đang cố gắng tích trữ thêm tiền lẻ để tránh cách trả lại bằng kẹo.
Không riêng gì thị trường tiêu dùng, tại ngân hàng, giờ đây hầu hết các máy ATM đều trả tiền có mệnh giá thấp nhất là 50.000 đồng. Phần lớn người dân tìm đến các cây rút tiền đều cho biết họ gần như không bao giờ bắt gặp những tờ bạc mệnh giá thấp, dưới 20.000 hay 10.000 đồng trong ATM.
Chị Phạm Thị Huyền Trang, giao dịch viên tại quầy của Ngân hàng TMCP Tiên Phong cho biết: “Hiện tại khách hàng đến giao dịch ở quầy của chúng tôi chủ yếu gửi tiền tiết kiệm hoặc chuyển khoản, mệnh giá lớn từ 50.000 đồng trở lên, nhiều nhất vẫn là 500.000 đồng, còn các mệnh giá nhỏ hầu như không xuất hiện”.
Mặc dù vậy, ngân hàng vẫn dự trữ một lượng tiền mệnh giá thấp để trả lại khách khi thực hiện giao dịch, tuy nhiên số khách phục vụ cho những mục đích này lại hạn chế hoặc gần như không có, nhân viên này nói thêm.
Trao đổi với VnExpress.net, chuyên gia kinh tế Vũ Đình Ánh cho rằng: “Việc biến mất của tiền lẻ trong lưu thông không chỉ phụ thuộc vào giá trị của đồng tiền mà còn liên quan tới thói quen tiêu dùng và sử dụng tiền tại Việt Nam”.
Theo ông, nguyên nhân đầu tiên khiến tiền lẻ “mất tích” dần là từ phía Ngân hàng Nhà nước, do cơ quan này đã giảm nhiều số lượng phát hành tiền có mệnh giá thấp khiến người dân chỉ còn bắt gặp những đồng tiền lẻ vào các dịp đặc biệt như lễ, Tết, đi chùa…
Hơn nữa, nhu cầu dùng tiền lẻ hiện nay trong đời sống cũng bị hạn chế rất nhiều do mặt bằng giá cả ngày một cao. Để sử dụng những hàng hóa, dịch vụ bình thường, người dân phải chi trả ít nhất vài ngàn trở lên. Vì vậy, những đồng mệnh giá dưới 5.000 đồng ngày càng hiếm, ông nói thêm.
Trong tương lai, TS Vũ Đình Ánh nhận định, với biến động về giá trị hàng hóa cùng mức thu nhập của dân cư như hiện nay, việc các đồng tiền mệnh giá thấp sẽ dần biến mất trên thị trường là hiện tượng bình thường.
Ông cũng phân tích, ở các nước trên thế giới, hầu hết người dân sử dụng thanh toán thẻ cho các giao dịch lớn, do đó vai trò của tiền lẻ vẫn rất quan trọng trong những dịch vụ bình thường. Còn tại Việt Nam, mọi người vẫn chỉ quen dùng tiền mặt, với mặt bằng giá như hiện nay, việc sử dụng tiền lẻ sẽ gây khó khăn cho cả người bán và người mua, TS Ánh chia sẻ.
Tường Vi - Thanh Tùng