Theo ông Nguyễn Tấn Định, Phó ban quản lý Hepza, trong số khoảng 1.000 doanh nghiệp do Hepza quản lý, chỉ có 160 doanh nghiệp công bố tình hình lương thưởng. Duy nhất doanh nghiệp thưởng Tết xấp xỉ 100 triệu đồng, một đơn vị thưởng trên 77 triệu.
Tuy nhiên, số liệu này chưa phải đại diện vì chưa tới 20% công ty nộp báo cáo, trong đó thiếu vắng nhiều doanh nghiệp lĩnh vực công nghệ thông tin. Đây là ngành có mức thưởng "khủng" nhưng phần lớn không công bố lương thưởng lên Hepza.
Một doanh nghiệp ở Khu chế xuất - Khu công nghiệp thưởng Tết gần 100 triệu đồng. Ảnh: B.H. |
Trong 160 doanh nghiệp nộp báo cáo, ngành may mặc thưởng nhiều nhất, mức đỉnh là 77,8 triệu. Tuy nhiên, mức thưởng này chủ yếu thuộc cấp lãnh đạo, kế đến là điện tử (55,3 triệu), cơ khí (50,1 triệu), thực phẩm (50 triệu).
Người lao động làm việc tại khu chế xuất, khu công nghiệp ít nhất cũng được một tháng lương cơ bản vui Tết. Theo ông Định, do lương tối thiểu điều chỉnh tăng, nên số tiền thực lãnh của công nhân năm nay cao hơn năm ngoái, dao động trong khoảng 2.050.000 đến 2.800.000 đồng. Năm ngoái, có nơi chỉ thưởng cho lao động 900.000 đồng.
Năm nay, công ty sản xuất chịu nhiều thách thức, do khủng hoảng tài chính, xuất khẩu chậm lại, lạm phát, lãi suất cao, nhưng hầu hết doanh nghiệp trực thuộc Hepza quản lý đều có mức thưởng tăng hơn năm ngoái. "Doanh nghiệp đang thiếu lao động trầm trọng nên phải chăm lo lương, thưởng để người lao động sau Tết vẫn còn muốn quay lại làm việc", ông Định cho biết.
Hiện duy nhất một doanh nghiệp ngành may mặc cho biết chỉ thưởng nửa tháng thu nhập, bình quân khoảng 1,5-1,7 triệu đồng, do đang đối mặt với nhiều khó khăn, hoạt động cầm chừng.
Ngoài thưởng tiền, nhiều doanh nghiệp có thêm quà bánh, dao động 50.000-100.000 đồng, hỗ trợ tiền tàu xe, thậm chí tổ chức đưa rước công nhân về quê ăn Tết. Người lao động quay lại làm việc sau Tết còn được lì xì thêm.
Bạch Hường