Tại buổi Tọa đàm góp ý về Dự thảo Luật thuế Thu nhập doanh nghiệp do Phòng Thương mại Công thương Việt Nam (VCCI) tổ chức ngày 9/4, hầu hết Hiệp hội các doanh nghiệp bảo lưu quan điểm cho rằng mức thuế suất giảm về 23% như dự kiến của Chính phủ chưa thỏa đáng. Viện phát triển doanh nghiệp VCCI kiến nghị giảm thuế suất phổ thông xuống 20% hoặc ít nhất cũng giảm thêm 1% so với dự thảo.
Nhiều doanh nghiệp cho rằng thuế suất 23% chưa đủ hỗ trợ sản xuất. Ảnh minh họa: Anh Quân |
Theo bà Đinh Thị Mỹ Loan - Chủ tịch Hiệp hội các nhà bán lẻ Việt Nam, mức thuế suất 23% chưa thực sự khuyến khích đầu tư và giúp doanh nghiệp vượt khó. Bà Loan còn gọi lộ trình giảm thuế như hiện nay là "phú quý giật lùi" khi lần sau giảm ít hơn lần trước (từ 32% xuống 28%, sau đó xuống 25% và lần này chỉ giảm 2% xuống 23%).
"Ở các nền kinh tế phát triển cao có 2 xu hướng. Hoặc thuế suất cực kỳ cao như Australia và Mỹ hoặc cực kỳ thấp như Đài Loan, Singapore (thuế suất 17%). Còn ở các nước đang phát triển, hầu hết mức thuế thường rất thấp để nuôi dưỡng nguồn lực của các doanh nghiệp chứ không phải tận thu", bà Loan nhấn mạnh.
Thậm chí, đại diện Hiệp hội Thủy sản còn đề nghị đưa mức thuế suất phổ thông về 20% và với các doanh nghiệp vừa và nhỏ chỉ áp dụng mức thuế suất ưu tiên từ 15-17%.
Thay mặt cho Hiệp hội sản xuất kinh doanh Dược Việt Nam, Tổng thư ký Trần Đức Chính cho rằng quan điểm thu thuế cao sẽ bổ sung lớn cho ngân sách Nhà nước là không đúng. "Nhiều doanh nghiệp tư nhân nói thẳng với tôi sẽ tìm cách trốn thuế và tìm đủ cách để lách nếu thuế suất còn cao", ông Chính chia sẻ. Theo ông, các văn bản quy phạm pháp luật hiện được xây dựng chủ yếu làm sao cho quản lý Nhà nước nhàn nhất thay vì đảm bảo quyền lợi lớn nhất của doanh nghiệp.
Tại buổi tọa đàm, Phó chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Nguyễn Đức Kiên cho rằng các doanh nghiệp nên tính toán kỹ bởi trên thực tế, mức thuế suất 20% và các chính sách ưu đãi doanh nghiệp phải nộp chỉ khoảng 17-18%. "Chúng ta quên một điều là thuế thực nộp của doanh nghiệp hiện thấp hơn cái cả mức chúng ta đang đề nghị", ông Kiên nói.
Ông Đinh Trịnh Hải - Phó chủ nhiệm Ủy ban Tài chính Ngân sách của Quốc hội - cho biết một trong những nguyên tắc khi sửa Luật theo ông Hải là phải đảm bảo cân đối ngân sách Nhà nước. Ông một lần nữa nhắc lại quan điểm của Bộ Tài chính, cứ giảm thuế suất 1%, ngân sách sẽ giảm khoảng 6.000 tỷ đồng. "Nếu giảm 3% thì mất 20.000 tỷ đồng thì khó có thể cân đối", đại biểu Quốc hội này lo ngại.
Ngay lập tức, từ phía các Hiệp hội có những ý kiến phản biện quan điểm này của ông Hải. Ông Vũ Vinh Phú - Chủ tịch Hội siêu thị - thẳng thắn bổ sung một nguyên tắc khi sửa Luật. "Cần nhắc đến một nguyên tắc khuyến khích doanh nghiệp nói thật. Hiện trốn thuế là phổ biến và nên dũng dưỡng, khoan sức dân hướng tới thu thuế đúng, đủ", ông Phú nói.
Chia sẻ với ông Phú, đại diện Hội các nhà quản trị doanh nghiệp Việt Nam ông Vũ Huy Thủ cho rằng đặt thuế suất càng cao thì ngân sách càng thất thu. "Khi thuế suất cao thì các doanh nghiệp phải tìm cách lách, trốn thuế. Như vậy Nhà nước vừa thất thu, doanh nghiệp lại không được gì", ông Thủ phân tích.
Dự thảo Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp sửa đổi theo dự kiến của Bộ Tài chính sẽ giảm thuế suất phổ thông xuống 23% và bổ sung mức thuế suất 20% cho doanh nghiệp vừa và nhỏ. Về khái niệm "doanh nghiệp vừa và nhỏ", theo Dự thảo, đây là những doanh nghiệp có dưới 200 lao động làm việc toàn bộ thời gian và doanh thu năm không quá 20 tỷ đồng chưa nhận được sự đồng tình.
Tuy nhiên, bà Phạm Thu Hằng Tổng thư ký VCCI cho biết theo thống kê của cơ quan này trong 10 năm qua, quy mô doanh thu trung bình của các doanh nghiệp đang có nhiều biến động và xu hướng tăng. Như vậy, nếu tính mức doanh thu của đơn vị vừa và nhỏ không quá 20 tỷ đồng là chưa hợp lý và cần nới lên 100 tỷ đồng để nhiều doanh nghiệp được hưởng lợi hơn.
Lắng nghe những ý kiến của doanh nghiệp, ông Nguyễn Đức Kiên đề nghị VCCI và các Hiệp hội nên cung cấp những luận cứ khoa học có cơ sở thay vì chỉ đề nghị chung chung.
Ngày 17/4, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ tiếp tục thảo luận về những quan điểm còn khác nhau xung quanh dự thảo Luật thuế thu nhập doanh nghiệp sửa đổi cũng như các chính sách miễn giảm thuế cho doanh nghiệp.
Phó chủ nhiệm Ủy ban Tài chính Ngân sách cũng nói thêm, trong lần sửa đổi tiếp theo của Dự án Luật này sẽ nêu rõ việc quy định lộ trình giảm thuế cụ thể. Theo đó, đến năm 2016, sẽ đưa toàn bộ về một thuế suất 20% với mọi doanh nghiệp.
Thanh Thanh Lan