Tính đến 11h57, một số doanh nghiệp đẩy giá bán ra tới 29,20 triệu đồng. Bảo Tín Minh Châu tại Hà Nội lúc 11h50 đẩy giá bán ra lên 28,90 triệu đồng, tăng 200.000 so với 15 phút trước đó. Tới 12h44, Bảo Tín Minh Châu đẩy giá lên 28,5-29,25 triệu đồng một lượng (mua vào - bán ra) song cũng không còn hàng để bán.
"Thị trường điên loạn. Một số nhóm đầu cơ đang lũng đoạn, thổi giá quá đáng", Tổng giám đốc Tổng công ty Vàng Agribank Nguyễn Thanh Trúc không giữ nổi bình tĩnh khi trao đổi với VnExpress.net lúc 11h30.
Cách đó ít phút, Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn công bố giá vàng miếng trên ngưỡng 29 triệu đồng một lượng cho thị trường Hà Nội. Các thương hiệu khác cũng nhất loạt tăng theo. Ông Trúc cho biết đã tung ra một lượng lớn vàng AAA (thương hiệu vàng miếng của Tổng công ty Vàng Agribank) và cố gắng giữ giá ở mức thấp, chỉ 28,4 triệu đồng một lượng song không thể cứu vãn tình hình. Theo ông, ngay cả với mức giá mua vào 28 triệu đồng đã là quá cao, không thể tưởng tượng nổi. Theo tính toán của ông, giá vàng thế giới nếu nhập về Việt Nam lúc này cũng chưa đầy 26 triệu đồng một lượng, rẻ hơn trong nước gần 3 triệu đồng.
"Bà con mua lúc này thật là dở. Tôi mà có vàng, tôi sẽ đem đi bán", ông Trúc nói.
Với tư cách Phó chủ tịch Hiệp hội Kinh doanh vàng Việt Nam, ông cho rằng các doanh nghiệp đầu mối nên bình tĩnh và cùng nhau ổn định thị trường.
Người dân vẫn đổ đi mua vàng dù giá cao. Nhiều nơi phải ngừng giao dịch. Ảnh: Nhật Minh |
Một phó chủ tịch khác của hiệp hội, ông Đỗ Minh Phú, Chủ tịch Tập đoàn Vàng bạc đá quý DOJI cũng cho rằng các doanh nghiệp nên phối hợp với nhau. Song ông Phú cho rằng bây giờ có ngồi lại cũng không giải quyết được nhiều vì tất cả các đầu mối kinh doanh hầu như không thể tự cân đối được nữa.
Công ty SJC Hà Nội, một thành viên trong hệ thống DOJI từ 11h trưa nay đã ngừng bán ra vì không thể mua từ bất cứ nơi nào. Theo ông Phú, trước đây khi thị trường căng thẳng, các doanh nghiệp thường sự mua bán cân đối để hỗ trợ lẫn nhau, nhưng hiện nay không doanh nghiệp nào có vàng để bán cho đơn vị khác nữa.
"Kể cả mua được lúc này chúng tôi cũng không mua nữa. Cứ thế này thì phải mua giá cao, rồi lại bán cho dân giá cao hơn nữa. Cứ theo đà mua đuổi bán đuổi thế này thật nguy hiểm", ông Phú nói. Theo phân tích của ông Phú, thị trường đang bị đầu cơ, mất phương hướng và hết sức bất thường. Công ty sẽ mua vào khi thị trường hạ nhiệt và kỳ vọng thị trường sớm bình ổn trở lại.
Đại diện của Bảo Tín Minh Châu cho biết hiện rất nhiều doanh nghiệp không còn bán vàng do không lấy đâu ra nguồn cung đáp ứng nhu cầu. Trong khi đó, họ vẫn phải giải quyết nốt những đơn đặt hàng còn nợ của ngày hôm trước và hôm qua. "Nếu nhận thêm đơn đặt hàng mới, doanh nghiệp sẽ phải đi mua với giá ngày leo thang để trả cho khách hàng đã đặt với giá thấp hơn trước đó", đại diện của Bảo Tín Minh Châu giải thích.
Những doanh nghiệp nào còn vàng để bán cho biết lượng đặt mua trong sáng nay còn lớn hơn nhiều so với những ngày vừa rồi. Tuy nhận đặt hàng nhưng những doanh nghiệp này vẫn còn hoãn giao hàng với những ai mua với số lượng lớn, với giá được tính ở thời điểm đặt mua.
Mặc dù sốt mua hầu như chỉ xảy ra ở Hà Nội nhưng giá vàng tại TP HCM cũng leo thang nhanh chóng dù không khí giao dịch ảm đạm. Do các doanh nghiệp ở miền Bắc phải đặt mua hàng từ khắp các tỉnh thành, trong đó có TP HCM.
Với tình trạng người dân "hoảng loạn" lao đến các tiệm vàng để đi mua, trong khi quyết không chịu bán ra vì lo sợ đồng tiền mất giá, các doanh nghiệp nhận định thị trường đang lâm vào tình trạng không thể kiểm soát được. "Tôi cũng chưa thể hình dung ra hậu quả sẽ như thế nào", ông Phú nói.
Bản thân ông Phú cũng thường xuyên trao đổi với cán bộ của Ngân hàng Nhà nước để thông báo về tình hình thị trường. Theo ông, giải pháp hữu hiệu lúc này có lẽ là tìm kiếm nguồn cung cho thị trường. Nguồn vàng nhập lậu, kể cả có đi chăng nữa cũng không đáp ứng đủ nhu cầu.
Để chặn khả năng nhà đầu tư chuyển từ vàng ảo sang vàng miếng, rút vàng khỏi tài khoản mang ra ngoài bán, các sàn vàng đua nhau nâng phí rút vàng, có nơi cao tới 5,3 triệu đồng một lượng, tăng gần 2 triệu so với buổi sáng.
Tại TP HCM, giải thích lý do SJC đẩy vọt giá vàng lên cao, ông Nguyễn Công Tường, Phó Trưởng Phòng Kinh doanh vàng, Công ty vàng bạc đá quý Sài Gòn - SJC cho rằng bị thị trường chi phối.
"Nguồn hàng thì khan hiếm nhưng người dân vẫn cứ tăng mua, tạo ra áp lực tăng giá. Hơn nữa, một số người vay vàng ngân hàng, đến kỳ trả nợ, dù giá vàng cao cũng phải mua vào để trả nợ. Thêm vào đó, một số nhà đầu tư đang kỳ vọng giá tiếp tục tăng cao nên đua nhau đánh lên, mua vàng với lượng lớn", Phó trưởng phòng kinh doanh vàng SJC nói.
Tuy nhiên, phân tích số liệu giao dịch trong ngày hôm qua Công ty vàng bạc đá quý Sài Gòn đưa ra, thì tỷ lệ lượng mua vào và bán ra gần tương đương nhau, ở mức 3.800/4.500 lượng. Trong khi đó, tình hình giao dịch tại các hiệu vàng bán lẻ ở TP HCM từ ngày hôm qua và sáng nay vẫn dẫm chân tại chỗ. Số lượng giao dịch tại hiệu vàng Minh Tâm trên đường Lê Lợi, quận 1, chỉ loanh quanh 7 - 10 lượng, hiệu vàng Minh Tâm ở chợ Phú Lâm, quận 6, chỉ mua bán được trên dưới 5 lượng...
Trao đổi với VnExpress.net, ông Lý Xuân Hải, Tổng giám đốc Ngân hàng ACB cũng bác bỏ thông tin người dân đổ đi mua vàng để trả nợ nhà băng. "Tại Ngân hàng ACB không có hiện tượng người dân mua vàng để trả nợ nhà băng trong thời điểm này. Đưa ra nguyên nhân áp lực tăng mua để trả nợ ngân hàng chỉ là ngụy biện cho sự tăng giá "vô lý" của vàng hiện nay", ông Hải nhấn mạnh.
Ông Tổng giám đốc ACB cũng cho rằng đã đến lúc Ngân hàng Nhà nước nhanh chóng vào cuộc để tìm ra những giải pháp ngăn chặn hiện tượng giá vàng tăng quá nóng, như hiện nay.
Song Linh - Thanh Bình - Lệ Chi