Cần gấp hơn 2.000 USD để chuẩn bị đi công tác nước ngoài, anh Nghĩa nhà ở Cầu Giấy (Hà Nội) không biết xoay sở thế nào vì mấy ngày nay, thị trường đôla "chợ đen" đã đóng cửa. Trong khi đó, để đổi được tiền từ ngân hàng, anh phải in sao quyết định công tác, visa, kê bảng chi tiết các khoản sẽ chi khi ở nước ngoài... Chật vật mãi, anh mới nhờ được cô bạn làm trong một ngân hàng đổi được.
Trong khi đó, chị Thu nhà ở Đội Cấn (Ba Đình, Hà Nội) có con đang du học tại một nước châu Âu chia sẻ, thời gian đầu, để mua được đôla, chị cũng mang visa, các giấy tờ nhập học của con đến ngân hàng chứng minh mục đích sử dụng. Tuy nhiên, vì thủ tục quá phức tạp, hơn nữa ngân hàng yêu cầu ngoài trình được giấy tờ, lý do đổi ngoại tệ, còn phải chứng minh nhu cầu sử dụng tiền là có thật, nên chị đành bỏ cuộc.
Hiện tại, việc mua ngoại tệ của những người có nhu cầu thật sự đang gặp khó khăn. Ảnh minh họa: Hoàng Hà |
Chị kể, lâu nay, người có nhu cầu vẫn tìm đến thị trường đôla tự do. Ở đây, giao dịch theo kiểu "tiền trao cháo múc" vừa đơn giản, nhanh gọn mà muốn mua bao nhiêu cũng được, chứ không hạn chế số tiền như ở ngân hàng. Còn nếu bán, thì trên thị trường tự do, ngoại tệ đều được giá cao hơn so với bán cho nhà băng.
Là khách hàng thường xuyên của một tiệm thu đổi ngoại tệ ở phố Hà Trung, chị Thu bày tỏ, việc ngưng giao dịch tại các điểm thu đổi ngoại tệ trên thị trường tự do khiến không ít người gặp khó khăn. Hai ngày nay, cô con gái gọi điện về giục bố mẹ gửi tiền sang, nhưng chị đi nhiều nơi mà không đổi được đành thuyết phục người quen bán cho hơn 3.000 USD.
Chị Thu chia sẻ, đổi được rồi tiền rồi mà vẫn nơm nớp sợ, vì nghe nói có quy định người dân được sở hữu ngoại tệ, nhưng khi bán phải bán cho ngân hàng chứ không được giao dịch với nhau. "Chẳng biết có phạm pháp hay không, nhưng vì cần gấp quá rồi nên đành nhắm mắt làm liều", chị nói.
Không chỉ gặp khó khăn trong việc mua ngoại tệ, nhiều người muốn bán đôla cho ngân hàng cũng gặp nhiều phiền hà. Chị Trà ở Phố Huế (Hai Bà Trưng, Hà Nội) muốn đổi hơn 20.000 USD sang VND để mua vật liệu sửa nhà. Nhưng nghe phong thanh có người nói phải chứng minh nguồn gốc ngoại tệ có được, nên cũng không dám mang đến ngân hàng.
Tuy nhiên, Ngân hàng Nhà nước cho biết, theo Pháp lệnh Ngoại hối, người dân có ngoại tệ mặt được quyền cất giữ hoặc gửi ngân hàng hoặc bán cho các đại lý, ngân hàng được phép hoạt động ngoại hối. Khi bán, không phải xuất trình nguồn gốc.
Tại nhiều ngân hàng, thủ tục bán ngoại tệ cho khách hàng cá nhân còn rườm rà. Đây được cho là nguyên nhân khiến người dân tìm đến thị trường đôla tự do. Ảnh minh họa: Hoàng Hà |
Trong khi đó, 11h trưa nay, tại trụ sở một ngân hàng lớn cuối phố Trần Hưng Đạo, quầy thu đổi ngoại tệ không có khách. Nhân viên phụ trách quầy cũng từ chối thẳng thừng khi có khách đến hỏi mua đôla gửi cho người nhà chữa bệnh tại nước ngoài. Lý do được anh này nêu ra là ngân hàng đang thiếu USD và cũng không bán cho cá nhân. Ngay cả khi vị khách năn nỉ và cam kết chứng minh được mục đích sử dụng số tiền thì cũng không được chấp nhận và được khuyên sang hỏi thử một ngân hàng khác.
Nhân viên một nhà băng khác trên phố Ngô Quyền cho hay, ngân hàng chỉ mua ngoại tệ của khách hàng, còn bán ra, thì phải xem xét một số yếu tố, trong đó có mục đích sử dụng và khách có đủ điều kiện mua ngoại tệ hay không. Giá thu mua USD của ngân hàng này, lúc gần 11h nay là 20.870 đồng mỗi USD.
Lãnh đạo nhiều ngân hàng xác nhận đáp ứng nhu cầu ngoại tệ tiền mặt mang đi nước ngoài của các cá nhân giờ không phải là ưu tiên của các ngân hàng, bởi còn nhiều nhu cầu thiết yếu khác phục vụ cho sản xuất kinh doanh trong nước. Hơn nữa, xử lý tiền mặt cũng làm tốn kém chi phí, ngân hàng cũng phải nhập tiền mặt về bán hoặc mua với giá cao ở nơi khác.
Mức tối đa một người đi nước ngoài được phép mang theo mình là 7.000 USD tiền mặt, nhưng các quy định hiện hành cũng để ngân hàng chủ động quyết định định mức bán cho mỗi cá nhân, tùy vào khả năng đáp ứng của ngân hàng mình.
"Lời khuyên tốt nhất với người lúc này là chi tiêu qua thẻ. Đấy là cửa thoát an toàn", một chuyên gia ngân hàng nói.
Nhiều ngân hàng đang phát triển mạnh nghiệp vụ thẻ tín dụng, tạo thuận lợi cho khách hàng khi thanh toán, chi tiêu ở nước ngoài. Khi về nước, khách phải thanh toán một khoản gọi là phí sử dụng (hoặc phí chuyển đổi) ngoại tệ. Tuy nhiên, sau thông tin nhiều người Việt sang Campuchia rút ngoại tệ, các ngân hàng đồng loạt tăng phí. Có nơi phí lên tới 7-10% trên số ngoại tệ đã chi tiêu.
"Mức phí này còn cao hơn cả chênh lệch giữa giá đôla trong và ngoài ngân hàng. Vì thế, nếu được, tôi thà mua tiền mặt mang đi tiêu còn hơn", chị Thanh Loan, người đang chuẩn bị đi nước ngoài nói với VnExpress.net.
Tuy nhiên, một số ngân hàng cũng bắt đầu hạ phí này xuống thấp hơn, do tỷ giá bắt đầu giảm và khoảng chênh lệch giữa tỷ giá thực và tỷ giá niêm yết cũng được thu hẹp.
Một chuyên gia ngân hàng chia sẻ, khó khăn của người dân có nhu cầu thật sự về ngoại tệ là có thật. Theo vị này, khi siết chặt thị trường tự do, Nhà nước cũng nên nới lỏng quy định mua ngoại tệ tại ngân hàng dành cho khách hàng cá nhân hoặc có biện pháp điều chỉnh tỷ giá để những người có nhu cầu chính đáng về ngoại tệ được đáp ứng mà không phải tìm đến thị trường "chợ đen" như trước.
Tuệ Minh - Song Linh