Tàu Hai Dong 27 vẫn neo ngoài khơi Thanh Hóa. Ảnh: Lê Hoàng |
Sau chuyến đi Thanh Hóa xác nhận chủ sở hữu với tàu Hai Dong 27, Phó giám đốc Công ty TNHH Hải Đông - Phạm Viết Thuật đang tất bật làm việc với ngân hàng, các nhà bảo hiểm và đơn vị thuê tàu tìm phương án giải cứu con tàu trong thời gian sớm nhất. “Khó khăn lớn nhất của chúng tôi là nguồn vốn, số tiền mà ngư dân yêu cầu bồi thường là quá lớn so với khả năng hiện tại của công ty nên vụ việc không thể giải quyết một sớm một chiều”, ông Thuật nói với VnExpress.net chiều 30/1, 5 ngày sau khi Hai Dong 27 được ngư dân kéo về vùng biển Thanh Hóa.
Con tàu hoang nghìn tấn đang gặp nạn hiện nay chính là “vận đen” khiến ông Thuật và những cộng sự khác mất cả cơ nghiệp, thậm chí tán gia bại sản chỉ trong vòng ít năm. Hơn chục năm trước, ông chưa kinh doanh ngành vận tải biển, chủ yếu đứng trung gian làm môi giới hoặc đại lý cho các hãng vận tải ở Hải Phòng và một số tỉnh miền bắc. Trong giới kinh doanh vận tải biển, nhắc đến tên ông rất nhiều người biết.
Những năm 2000, ngành kinh doanh vận tải viễn dương đang trong giai đoạn “phất” nên sau khi gom góp được một số vốn “khá khá”, ông Thuật quyết định hùn vốn thành lập công ty sau đó thuê đóng tàu rồi sang nhượng hoặc nhận chở hàng thuê kiếm lời. Mấy năm đầu, công việc làm ăn khá thuận lợi, có lúc trong tay ông có mấy con tàu viễn dương, tài sản cả trăm tỷ đồng.
Bước ngoặt đến với ông vào năm 2008, khi Công ty Hải Đông thuê đóng con tàu Hai Dong 27. Con tàu công suất 1.500 mã lực, trọng tải trên 3.000 tấn, trị giá gần 38 tỷ đồng được kỳ vọng giúp ông mở rộng thị trường kinh doanh. Tuy nhiên, kể từ sau khi được hạ thủy (tháng 12/2008), cũng chính lúc nền kinh tế bắt đầu có nhiều biến động theo hướng suy thoái. Ngành vận tải biển cũng không nằm ngoài cuộc đảo chiều ấy.
“Đầu năm 2009, chúng tôi dùng con tàu thế chấp ngân hàng vay hơn 27 tỷ đồng để xoay hướng làm ăn và duy trì hoạt động của công ty. Tuy nhiên, chính từ năm đó, chúng tôi ngày càng lún sâu vào thua lỗ. Mỗi năm Hai Dong 27 ngốn vài tỷ đồng”, ông Thuật nói và cho biết, từ khi đóng con tàu Hai Dong 27 đến nay, ông đã thâm hụt cả vài chục tỷ đồng vì thời điểm đó, ông phải vay ngân hàng với lãi suất “khủng”, lên đến 22% năm.
Vài năm nay, vì đói vốn nên con tàu hoạt động cầm chừng. Công ty Hải Đông nhiều lần rao bán con tàu nghìn tấn để trả nợ nhà băng nhưng bất thành. “Có mấy hãng vận tải biển của Đài Loan và Singapore đồng ý trả giá 2,2 triệu USD (tương đương khoảng 45 tỷ VNĐ) để được sở hữu Hai Dong 27 nhưng sau đó, vì không tìm được nguồn vốn nên họ không quay trở lại”.
Để cứu vãn tình thế, cuối tháng 8/2012, Hải Đông đã cho một công ty vận tải trong TP HCM thuê lại (tàu trần) trong thời hạn 6 tháng, với mức giá 300 triệu đồng mỗi tháng. “Tuy nhiên, phía họ cũng nhiều lần chậm trả tiền thuê tàu khiến chúng tôi thêm khó khăn chồng chất. Nhiều lúc không có tiền trả lãi ngân hàng và đóng phí bảo hiểm định kỳ phải chạy vạy khắp nơi”, ông chủ tàu Hai Dong 27 giãi bày.
Mấy tháng trước, số nợ ngân hàng quá hạn, công ty không thể thanh toán, nhà băng đã đâm đơn khởi kiện ra tòa. "Hiện bản án đã có hiệu lực pháp luật và ngân hàng là chủ của chiếc tàu Hai Dong 27”, ông Thuật nói. Ông đang đang chờ phía đơn vị thuê tàu chở chuyến hàng cuối cùng về Việt Nam để làm thủ tục bàn giao cho ngân hàng theo phán quyết của tòa án. Nhưng rồi những ngày cuối tháng 1, con tàu bị thủng đáy không cứu vãn được. Toàn bộ 13 thủy thủ đoàn trên tàu Hai Dong 27, bao gồm Thuyền trưởng Bùi Duy Trực (54 tuổi, quê Nghệ An), sau khi phát tín hiệu cầu cứu đã được tàu Phú Sơn 26 cứu hộ đưa về Hải Phòng an toàn. Còn tàu trôi dạt trên biển cho tới khi được kéo về Thanh Hóa hôm 25/1.
Theo ông Thuật, , gói bảo hiểm thân vỏ tàu Hai Dong 27 trị giá 35 tỷ đồng vẫn còn hiệu lực pháp lý. Đầu năm 2012, trước khi cho thuê, phía công ty đã ký hợp đồng gói bảo hiểm thân vỏ tàu với Công ty Bảo hiểm quân đội Hải phòng (MIC Hải Phòng), hạn mức tối đa cho gói bảo hiểm này là 35 tỷ đồng, hình thức trả phí theo quý. Đến thời điểm hiện tại, đơn vị đã đóng bảo hiểm cho tàu Hai Dong 27 được hơn 3 quý.
Hiện Công ty Hải Đông chỉ còn vài nhân viên, nhưng hầu như không hoạt động. Giám đốc công ty bị tai biến, nằm một chỗ. Mọi việc lo liệu cho con tàu được giao phó hết cho ông Thuật.
Một số ý kiến cho rằng chính Hải Đông cố tình đánh đắm con tàu để trục lợi tiền bồi thường bảo hiểm. Tuy nhiên, theo ông Thuật, công ty ông hiện nay không còn khả năng chi trả, nên tàu đã trở thành tài sản của ngân hàng. Trong trường hợp được bồi thường, công ty ông cũng không hưởng. Hơn nữa, một trong 3 nhà bảo hiểm của con tàu cho biết hợp đồng đã hết hạn.
Chiều 25/1, nhiều ngư dân đánh cá trên vùng biển Quảng Bình thì phát hiện tàu Hai Dong 27 trôi dạt trong tình trạng không người lái, nước ngập ngang thân. Con tàu sau đó đã được kéo về cửa biển Lạch Trường (Thanh Hóa). Ngày 27/1, thay mặt cho chủ tàu là Công ty Hải Đông (Hải Phòng), Phó giám đốc Phạm Viết Thuật đã tới Thanh Hóa nhận tàu và tìm hướng giải quyết. Tàu Hai Dong 27 dài 79 mét, công suất 1.500 mã lực, trọng tải trên 3 nghìn tấn… được hạ thủy vào cuối năm 2008. Trị giá lúc đóng mới của tàu gần 38 tỷ đồng. Sau khi khấu hao, hiện được định giá khoảng trên 20 tỷ đồng. Tàu đang được cho một doanh nghiệp tại TP HCM thuê chở 2.200 tấn khô dầu cọ từ Indonesia về Hải Phòng, trước khi bị thủng đáy. Thủy thủ đoàn đã rời tàu an toàn sau sự kiện này. Phía doanh nghiệp cho biết, rất muốn giải cứu con tàu nhưng đang kiệt quệ về tài chính nên rất khó khăn. Trong khi chờ cơ quan chủ quản giải cứu, con tàu nghìn tấn với khối lượng tài sản lên đến hàng chục tỷ đồng vẫn chơi vơi ngoài biển, cách bờ khoảng 5km. Những ngày vừa qua, lợi dụng lúc thủy triều xuống thấp, một số người dân quanh vùng đã cho tàu bè ra “hôi của” khiến con tàu trở nên rất hoang tàn. |
Lê Hoàng