Bảng lương mới này áp dụng đối với các lao động làm việc tại mọi loại hình doanh nghiệp, hợp tác xã, trang trại, hộ kinh doanh cá thể, công ty có vốn đầu tư nước ngoài...
Theo đó, mức lương cao nhất áp dụng đối với vùng một là 2 triệu đồng, thay cho mức cũ 1,55 triệu đồng, áp dụng đối với doanh nghiệp FDI và 1,35 triệu đồng với doanh nghiệp trong nước. Vùng 2, lương mới áp dụng từ 1/10 sẽ là 1,78 triệu đồng, thay cho mức đang áp dụng 1,2-1,35 triệu đồng.
Các vùng 3 và 4 còn lại áp dụng các mức lần lượt là 1,55 triệu đồng và 1,4 triệu đồng, thay cho mức 1,05-1,17 triệu đồng; 830.000 đồng và 1,1 triệu đồng đang áp dụng.
Như vậy, so với lương tối thiểu vùng đang áp dụng, bảng lương mới có mức cao hơn từ 300.000 đồng đến 650.000 đồng một tháng.
Nghị định 70 về điều chỉnh lương tối thiểu được Thủ tướng ký ban hành sau 2 tháng lấy ý kiến doanh nghiệp và các bộ ngành liên quan. Đợt tăng lương này thực hiện sớm hơn kế hoạch 2 tháng và được Chính phủ giải thích là nhằm hỗ trợ cho người lao động trong bối cảnh giá cả hàng hóa tăng cao. Theo đó, mức lương tối thiểu vùng làm căn cứ để xây dựng các mức lương trong thang lương, bảng lương, phụ cấp lương, tính các mức lương ghi trong hợp đồng lao động và thực hiện các chế độ khác do doanh nghiệp xây dựng và ban hành theo thẩm quyền do pháp luật lao động quy định.
Đây là đợt tăng lương tối thiểu lần thứ hai kể từ đầu năm tới nay, đánh dấu lần đầu tiên xóa bỏ ranh giới về lương tối thiểu giữa doanh nghiệp trong nước và nước ngoài. Theo quy định cũ áp dụng từ 1/1 năm nay, lương tối thiểu trả cho người lao động tại vùng I đối với doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài là 1.550.000 đồng và doanh nghiệp trong nước là 1.350.000 đồng.
Căn cứ mức lương tối thiểu vùng nói trên, doanh nghiệp sẽ phải điều chỉnh lại các mức lương trong thang lương, bảng lương, tiền lương trong hợp đồng lao động cho phù hợp với các thỏa thuận và quy định của pháp luật lao động.
Mức lương tối thiểu vùng quy định tại nghị định để làm căn cứ tính các mức lương trong thang lương, bảng lương, các loại phụ cấp lương, tính các mức lương ghi trong hợp đồng lao động... Chính phủ khuyến khích các doanh nghiệp thực hiện mức lương tối thiểu cao hơn mức lương quy định tại nghị định nói trên.
>> Danh mục địa bàn áp dụng mức lương tối thiểu vùng |
Ngoài ra, nghị định cũng quy định mức tiền lương thấp nhất trả cho người lao động đã qua học nghề (kể cả do doanh nghiệp đào tạo) phải cao hơn ít nhất 7% so với mức lương tối thiểu vùng quy định tại nghị định.
Trước đó, mức lương tối thiểu quy định năm 2010 cao nhất của vùng I là 1.340.000 đồng đối với doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài và 980.000 đồng đối với doanh nghiệp trong nước.
So sánh các lần điều chỉnh lương tối thiểu gần nhất:
Vùng |
Mức lương tối thiểu vùng áp dụng từ ngày 1/10/2011 - 31/12/2012 | Mức lương tối thiểu vùng đối với doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài hiện nay (theo Nghị định 107/2010/NĐ-CP) | Mức lương tối thiểu vùng đối với doanh nghiệp trong nước hiện nay (theo Nghị định 108/2010/NĐ-CP) |
I | 2.000.000 đồng/tháng | 1.550.000 đồng/tháng | 1.350.000 đồng/tháng |
II | 1.780.000 đồng/tháng | 1.350.000 đồng/tháng | 1.200.000 đồng/tháng |
III | 1.550.000 đồng/tháng | 1.170.000 đồng/tháng | 1.050.000 đồng/tháng |
IV | 1.400.000 đồng/tháng | 1.100.000 đồng/tháng | 830.000 đồng/tháng |
Hồng Anh