Thông tin này được ông Thỏa cung cấp tại phiên họp báo thường kỳ của Chính phủ chiều 30/3. Theo đó, 0,4% là mức tác động được “tính ra” sau vòng quay đầu tiên đồng tiền (tức là chưa tính tới các các tác động tăng giá kèm theo). Như vậy, cùng với mức tăng 6,1% của CPI 3 tháng đầu năm, lạm phát kỳ vọng vào thời điểm này đã đạt khoảng 6,5% và đang tiến gần hơn tới ngưỡng 7% mà Quốc hội phê duyệt.
Cục trưởng Quản lý giá Nguyễn Tiến Thỏa. Ảnh: Nhật Minh |
Tuy nhiên, cũng theo Cục trưởng quản lý giá, việc tăng giá lần này là chuyện “không thể đừng” vì kể từ lần điều chỉnh trước (24/2), giá xăng dầu thế giới đã tăng 12-17%, gây ra rất nhiều khó khăn cho doanh nghiệp. “Trên thực tế thì mức điều chỉnh lần này mới tương đương 40-50% so với quy định tại Nghị định 84 về quản lý kinh doanh xăng dầu”, ông Nguyễn Tiến Thỏa giải thích.
Cũng theo đại diện của Bộ Tài chính thì với điều kiện của Việt Nam hiện nay (nhập khẩu tới 70% nhu cầu xăng dầu), việc tiếp tục bù lỗ trong thời gian dài, “mua cao bán thấp” là không thể. Tuy vậy, khi xem xét điều chỉnh, cơ quan quản lý vẫn cố gắng giữ nguyên tắc Nhà nước không thu thuế, doanh nghiệp tiết kiệm chi phí và chưa có lãi để hạn chế tối đa tốc độ tăng giá.
“Cũng có ý kiến cho rằng các khoản thu đối với kinh doanh xăng dầu ở Việt Nam là quá nhiều. Tôi cũng xin cung cấp luôn. Hiện tổng mức thu đối với kinh doanh xăng dầu ở ta là 22% giá bán. Trong khi đó, ở Lào là 38%, Thái Lan là 48%, Campuchia là 35%. Giá bán hiện cũng thấp hơn 2.300 - 5.000 đồng một lít”, Cục trưởng quản lý giá dẫn chứng.
Bên cạnh việc kiềm chế hết sức đà tăng giá nói trên, cũng tại phiên họp báo, đại diện Chính phủ cũng thông báo một số chính sách mới về đảm bảo an sinh xã hội, trong điều kiện giá cả tăng cao.
Theo Bộ trưởng - Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, tại phiên họp diễn ra trong suốt ngày 30/3, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã chỉ đạo các Bộ ngành, địa phương tiếp tục chủ trương hỗ trợ cho người nghèo, thực hiện tăng lương cơ bản theo đúng kế hoạch đề ra hồi đầu năm.
Bên cạnh khoản hỗ trợ tiền điện 30.000 đồng một tháng đối với hộ nghèo, Chính phủ sẽ hỗ trợ thêm cho các hộ này khoản tiền 250.000 đồng một năm (chia làm 2 đợt). Ngoài ra, Chính phủ cũng sẽ xem xét điều chỉnh mức vay đối với học sinh, sinh viên và trợ cấp đối với người có bậc lương từ 3,0 trở xuống. Theo tính toán, tổng ngân sách hỗ trợ cho các chương trình này là 3.100 tỷ đồng.
Liên quan đến việc cắt giảm các khoản đầu tư từ ngân sách theo tinh thần của Nghị quyết 11, Vụ trưởng Vụ Kinh tế quốc dân (Bộ Kế hoạch & Đầu tư) Bùi Hà cho biết: Qua rà soát tại 30 Bộ ngành, 63 tỉnh và 12 tập đoàn kinh tế, cơ quan chức năng đã quyết định cắt giảm 1.387 dự án trong năm 2010 với số vốn lên tới 3.400 tỷ đồng. Số vốn này sẽ không thu về ngân sách mà để các đơn vị tự điều chuyển cho các dự án cần vốn và phát huy hiệu quả ngay trong năm 2010.
Hiện vẫn còn 22 Bộ ngành chưa có báo cáo về việc rà soát, cắt bỏ dự án. Trong số này đa phần là các Bộ ngành lớn với các dự án dùng nhiều vốn, mức độ phức tạp cao như Bộ Giao thông vận tải, Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, Bộ Xây dựng…
Nhật Minh