Hôm 12/6, báo cáo dài 8 trang về Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (Vinalines) với chữ ký của Bộ trưởng Giao thông Vận tải Đinh La Thăng đã được gửi đến các đại biểu theo yêu cầu của Quốc hội. Báo cáo này ghi rõ Vinalines vẫn có lãi cho tới năm 2010 (lợi nhuận sau thuế giai đoạn 2007 - 2010 lần lượt đạt 716, 897, 317 và 142 tỷ đồng). Chỉ riêng 2011, tổng công ty này mới lỗ 434 tỷ đồng, theo đánh giá của Bộ Giao thông.
Kết quả này không trùng khớp với công bố của các cơ quan khác trong Chính phủ.
Khó tìm kết quả kinh doanh thật của Vinalines. Ảnh: Hoàng Hà |
Trong phiên thảo luận Quốc hội về tình hình kinh tế xã hội hôm 7/6, Tổng thanh tra Chính phủ Huỳnh Phong Tranh cho biết Vinalines vẫn kinh doanh có lãi cho tới hết 2010, và chỉ bắt đầu lỗ từ 2011. Số lỗ năm 2011 của Vinalines mà Tổng thanh tra Huỳnh Phong Tranh đưa ra là 114 tỷ đồng, thấp hơn 28 tỷ so với báo cáo của Bộ Giao thông. Mức chênh lệch còn lớn hơn nếu nhìn về kết quả kinh doanh của Vinalines năm 2007-2008, Tổng thanh tra Huỳnh Phong Tranh cho biết lãi lần lượt là 934 và 1.272 tỷ đồng, thì Bộ Giao thông báo cáo chỉ lãi 716 và 897 tỷ đồng.
Đặc biệt, số liệu Tổng thanh tra Chính phủ công bố trước Quốc hội cũng không khớp với kết luận của chính cơ quan này phát đi cuối tháng 4 cũng như những thông tin Văn phòng Chính phủ công bố cuối tháng 5. (xem chi tiết bảng dưới đây).
Về phần mình, trước khi bị phát hiện sai phạm, Vinalines hằng năm vẫn báo cáo lãi trong suốt giai đoạn 2003 - 2011. Năm lãi nhất là 2008 là 1.600 tỷ đồng. Ngay trong năm 2011, doanh nghiệp cũng báo lãi 62 tỷ.
Lợi nhuận của Vinalines qua các báo cáo
Đơn vị: tỷ đồng
Năm |
VNL |
VPCP |
TTCP 1 |
TPCP 2 |
Bộ GTVT |
2007 |
861 |
- |
lãi |
934 |
716 |
2008 |
1.600 |
- |
lãi |
1.272 |
897 |
2009 |
857 |
- 400* |
-412 |
381 |
317 |
2010 |
1.241 |
-1.200* |
-1.274 |
114 |
142 |
2011 |
62 |
-2.600* |
- |
lỗ |
-434 |
Ghi chú: (-) Số liệu chưa được cung cấp; (*) Số liệu được làm tròn
- VNL: Số liệu báo cáo của doanh nghiệp trong giai đoạn 2007 - 2011
- VPCP: Số liệu được Văn phòng Chính phủ cung cấp trong phiên họp báo thường kỳ, ngày 27/5/2012.
- TTCP 1: Số liệu tại Kết luận số 864, ngày 12/4/2012 của Thanh tra Chính phủ về chấp hành pháp luật trong công tác quản lý và sử dụng vốn, tài sản tại Vinalines.
- TTCP 2: Số liệu (lợi nhuận sau thuế) được Tổng thanh tra Chính phủ Huỳnh Phong Tranh công bố tại phiên chất vấn ngày 7/6/2012 của Quốc hội.
- Bộ GTVT: Số liệu (lợi nhuận sau thuế) theo Báo cáo 146 của Chính phủ, ngày 12/6/2012 (do Bộ Giao thông - vận tải chuẩn bị) trình Quốc hội.
Lý giải về sự sai khác số liệu các bên công bố, một nguồn tin từ Văn phòng Chính phủ cho biết một phần lý do có thể là quy tắc và chuẩn mực kế toán hiện nay cho phép doanh nghiệp được hạch toán lỗ lãi theo nhiều cách khác nhau. Nếu áp dụng đầy đủ các quy tắc kế toán trong điều kiện thông thường, việc Vinalines lỗ lớn là có thật. Tuy nhiên, trong những giai đoạn kinh tế khó khăn, cơ quan quản lý cho phép doanh nghiệp tiến hành một số biện pháp hạch toán như giãn khấu hao, bù lỗ do chênh lệch tỷ giá...
"Những quy chế này hoàn toàn nằm trong khuôn khổ pháp luật, nhằm hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua khó khăn, chứ không phải chuyện "nhảy múa" số liệu", ông cho biết.
Theo nguồn tin này, chính vì lý do những phương pháp hạch toán khác nhau mà số liệu giữa các báo cáo có thể không khớp. Tuy nhiên nguồn tin này khẳng định số liệu được Bộ Giao thông chuẩn bị theo ủy quyền của Thủ tướng để trình Quốc hội là chính xác và chính thức.
Tính đến cuối năm 2010, tỷ lệ nợ so với vốn điều lệ của Vinalines là 4,27 lần. Hiệu quả kinh doanh giảm dân do chi phí về lãi vay, chi phí quản lý và khối lượng lớn vốn đầu tư hiệu quả thấp. Sau khi lỗ năm 2011, Vinalines tiếp tục lỗ trong 4 tháng đầu năm 2012. Tình hình tài chính của Tổng công ty được Bộ Giao thông đánh giá là rất khó khăn. |
Về nguyên nhân dẫn đến thua lỗ cũng như yếu kém khác tại Vinalines, bên cạnh những yếu tố khách quan (cước vận tải giảm 60-90%, nhiên liệu tăng giá 40 -50%...), báo cáo của Bộ Giao thông cũng chỉ ra không ít nguyên nhân chủ quan tại doanh nghiệp như dự báo thị trường không tốt, vay nhiều vốn đầu tư (ngay cả trong giai đoạn suy thoái) nhưng không hiệu quả, dẫn đến chi phí cao, nợ nhiều.
Ngoài ra, theo cơ quan chủ quản cũng cho rằng việc tổ chức sản xuất tại Vinalines chưa hợp lý, một số doanh nghiệp vận tải biển thành lập quá nhiều đầu mối, đầu tư sang lĩnh vực khác, bộ máy gián tiếp cồng kềnh... Đáng chú ý là nội bộ doanh nghiệp mất đoàn kết kéo dài, nhiều sai phạm, tiêu cực trong quản lý sản xuất - kinh doanh. Lãnh đạo Vinalines không thực hiện đúng chỉ đạo của Thủ tướng và có dấu hiệu vi phạm pháp luật trong việc đầu tư dự án Nhà máy sửa chữa tàu biển Vinalines phía Nam.
Về phần mình, Bộ Giao thông cũng nhận trách nhiệm trong việc giám sát, hậu kiểm (cùng với giám sát trong nội bộ tổng công ty) trong thời gian qua chưa được chú trọng, chưa hỗ trợ cho hoạt động điều hành, quản trị tại doanh nghiệp.
Đối với định hướng trong thời gian tới, Chính phủ và Bộ Giao thông đang yêu cầu Vinalines xây dựng và thực hiện đề án tái cơ cấu toàn diện, bên cạnh việc kiểm, điểm, làm rõ trách nhiệm những sai phạm trong thời gian qua. Các nhóm ngành kinh doanh dự kiến được tập trung bao gồm vận tải biển, cảng biển và dịch vụ. Riêng đối với cảng biển, Chính phủ chủ trương sẽ cho nâng tỷ trọng góp vốn của đối tác nước ngoài trong 3 dự án tại khu vực Cái Mép - Thị Vải (TP HCM), nơi Vinalines đang góp 51% vốn.
Nhật Minh