Tiến sĩ Trần Hoàng Ngân hiện là Hiệu phó Đại học Kinh tế TP HCM, thành viên Hội đồng Tư vấn tài chính tiện tệ Quốc gia. Ảnh: Hoàng Hà |
- Theo ông tại sao chúng ta lại đặt vấn đề tái cơ cấu ngân hàng vào lúc này mà không phải từ trước đó hoặc muộn hơn?
- Nói tới chuyện đó lúc này chưa muộn, nhưng cấp bách lắm rồi, đã đến lúc cần thiết tái cấu trúc toàn bộ hệ thống ngân hàng thương mại Việt Nam. Chưa bao giờ quá trình tái cấu trúc ngân hàng lại được đồng thuận như lúc này. Hội nghị Ban chấp hành Trung ương khóa XI vừa rồi đã kết luận phải ưu tiên hàng đầu cho việc đó.
Một trong những gánh nặng lớn nhất cho nền kinh tế lúc này nằm ở lãi suất cho vay. Điều đó thể hiện hiệu quả trong hoạt động ngân hàng đang rất kém, nên họ mới dồn hết chi phí lên doanh nghiệp. Tái cấu trúc là việc phải làm, nhằm hướng tới hiệu quả hoạt động ngân hàng và an toàn hệ thống.
- Tại sao ông lại nói tái cấu trúc ngân hàng là vấn đề cấp bách?
- Thời gian qua thanh khoản của các ngân hàng thương mại có vấn đề. Vì thế mà họ liên tục cạnh tranh với nhau trong việc huy động vốn, giành vốn trên thị trường, đến mức phải hạ thấp mình xuống để mà thương lượng với người gửi tiền, có thể dẫn tới những bất trắc trong rủi ro hoạt động. Nợ xấu ngân hàng cũng đang tăng nhanh. Nếu chúng ta làm chậm, khoản nợ xấu này sẽ ăn hết vào vốn tự có của ngân hàng, đe dọa an toàn hệ thống.
Cuộc khủng hoảng tài chính kinh tế thế giới kéo dài từ 2007 và đến nay vẫn còn để lại hậu quả nặng nề ở nhiều nước châu Âu, Mỹ có nguyên nhân chính là sự yếu kém của hệ thống ngân hàng thương mại. Chúng ta nên lấy đó làm bài học kinh nghiệm và đẩy nhanh hơn nữa tái cấu trúc hệ thống ngân hàng thương mại chứ không thể chần chừ bất cứ phút giây nào. vì nó đe dọa tới an toàn hệ thống.
- Vậy chúng ta nên bắt đầu tái cơ cấu từ đâu?
- Theo tôi, tái cấu trúc là hướng tới việc sắp xếp, nâng cao khả năng quản trị điều hành của ngân hàng thương mại để đảm bảo an toàn hệ thống. Tổng tài sản của ngân hàng thương mại Việt Nam hiện nay rất lớn, gấp đôi GDP của Việt Nam, một tỷ lệ rất cao. Dư nợ của toàn hệ thống ngân hàng chiếm trên 125% GDP. Ai cũng nhìn thấy kết quả đó, nhưng thực chất bên trong chất lượng của chúng ra sao? Chúng ta hoàn toàn không biết và dẫn tới chỗ nghi ngờ. Nợ xấu do các ngân hàng báo cáo là trên 3% nhưng các tổ chức nước ngoài đánh giá ít nhất là 10%.
Chúng ta cần nhìn thẳng sự thật, cần những phân tích, đánh giá độc lập về chất lượng tài sản có của hệ thống ngân hàng Việt Nam. Trên cơ sở đó chúng ta có những bài thuốc cụ thể để sắp xếp lại hệ thống ngân hàng thương mại. Anh nào cần thiết cho tồn tại thì tồn tại, anh nào cần đưa vào bệnh viện để chăm sóc, điều trị. Và có thể là có vài sự hợp nhất sáp nhập diễn ra sau đó.
- Phương án sáp nhập giải thể đã được nhắc tới từ lâu, nhưng không ngân hàng nào muốn làm việc này, ngân hàng nhỏ muốn tự chủ không thích sáp nhập vào ngân hàng khác, còn ngân hàng lớn lại không thích nhận một ngân hàng đang ốm đau, bệnh tật. Vậy phải giải quyết vấn đề này thế nào?
- Tâm lý ai cũng muốn mình độc lập tự chủ. Nhưng chúng ta cần thấy, khi chính phủ phát hiện ra ngân hàng bệnh thì không nên để họ tự do nữa. Vì họ đã bệnh hoạn rồi, cho nên chúng ta phải ép lại, đưa vào vòng điều trị để tránh lây lan. Đó là nguyên tắc.
Tôi xin nhắc lại bây giờ không còn là tự nguyện nữa, nếu anh bệnh tôi không quản lý anh, không bóp anh lại, không kiểm soát anh thì anh trở thành dịch bệnh của nền kinh tế. Cho nên phải đi vào điều trị, giám sát đặc biệt một hai ngân hàng.
- Quá trình đó nên diễn ra như thế nào để tránh gây sốc cho nền kinh tế, cho hệ thống ngân hàng?
- Lãi suất trên thị trường liên ngân hàng tuần rồi quá cao. Chính đó là dấu hiệu lâm sàng để chúng ta phát hiện ngân hàng nào bệnh, vì anh không thể nào cho doanh nghiệp vay 17-18% mà phải huy động trên thị trường liên ngân hàng qua đêm, qua tháng hay qua ngày với lãi suất trên 30%.
Nhìn thấy dấu hiệu bệnh này, chúng ta sẽ đưa bác sĩ vào, thanh tra vào để giám sát đặc biệt các ngân hàng này. Để đảm bảo an toàn hệ thống, chúng ta có thể hỗ trợ cho các ngân hàng đó, tức là bơm thuốc, nhưng phải cô lập nó lại để điều trị, không cho tăng thêm dư nợ, từng bước thanh lý dần tài sản của ngân hàng này và tránh lây lan ra hệ thống.
- Vậy quyền lợi của người gửi tiền cũng như các cổ đông sẽ được giải quyết như thế nào?
- Người gửi tiền của chúng ta có bảo hiểm tiền gửi. Kinh nghiệm các lần chúng ta sắp xếp trước đây thì Ngân hàng Nhà nước thường đứng ra đảm bảo chi trả cho người gửi tiền. Nhưng qua đây cũng lưu ý người gửi tiền phải thận trọng trong việc lựa chọn ngân hàng tốt, hiệu quả để gửi tiền, tránh chạy theo các hình thức khuyến mãi lãi suất cao. Lãi suất cao luôn luôn đi kèm với rủi ro rất cao, đó là bài học vỡ nợ tín dụng chợ đen đang diễn ra gần đây.
- Trong bối cảnh lãi suất của các ngân hàng như nhau, nay lại có thêm việc tái cơ cấu khiến người gửi tiền có tâm lý tìm đến các ngân hàng lớn, gây thiệt thòi cho ngân hàng nhỏ. Ông nghĩ sao về điều này?
- Không phải nhỏ là xấu. Và như GDP của Việt Nam mình có 100 tỷ USD cũng đâu phải xấu. Chính phủ cũng như Ngân hàng Nhà nước đã thông báo rõ ràng quá trình tái cấu trúc ở đây là hướng về hiệu quả trong hoạt động chứ không phải hướng về ngân hàng đó lớn hay nhỏ. Trên thế giới hiện nay ngân hàng Indonesia, Phillippines hay cả Mỹ cũng có nhiều ngân hàng nhỏ. Nhiệm vụ của chúng ta là phải tổ chức làm sao để ngân hàng nhỏ làm việc nhỏ, nhỏ không làm việc lớn.
- Với nền kinh tế Việt Nam hiện nay thì bao nhiêu ngân hàng là đủ?
- Số lượng như hiện nay là đủ. Chứ không nhiều lắm đâu, mà vấn đề là sắp xếp tái cấu trúc sao cho hiệu quả.
- Nhưng Ngân hàng Nhà nước nói thời gian tới Việt Nam sẽ có ít ngân hàng hơn. Thông điệp này ông hiểu theo hướng nào?
- Ít hơn không có nghĩa là giảm đi một phần ba hay hai phần ba so với trước. Có thể chỉ là giảm một hoặc hai ngân hàng yếu kém hoàn toàn chúng ta mới phải cắt bớt thôi.
Song Linh thực hiện