Theo giới phân tích, các vụ M&A từ năm ngoái tới nay không chỉ đáng chú ý ở con số mà còn lập kỷ lục ở quy mô giá trị hợp đồng.
Mở đầu năm nay là cuộc sáp nhập trị giá 39,5 tỷ USD giữa đại gia thép của Pháp Arcelor và đối thủ Mittal Steel hồi tháng 1. Đến tháng 2, thế giới lại được phen choáng khi tập đoàn Endesa của Tây Ban Nha nhận được lời đề nghị mua hấp dẫn của tập đoàn năng lượng Đức E.ON với giá 66 tỷ USD.
Song, con số trên vẫn chưa phải là lớn bởi đến tháng 3, đại gia viễn thông của Mỹ AT&T đã đồng ý mua lại đối thủ BellSouth với giá lên tới 83,4 tỷ USD.
![]() |
Hãng Reuters đã sáp nhập với Thomson - Một trong những ví dụ điển hình về M&A. Ảnh: AFP. |
Các chuyên gia cho rằng, một trong những nguyên nhân giúp giá trị các vụ sáp nhập ngày một gia tăng là xu hướng cổ phần hóa, tư nhân hóa đang trở nên phổ biến hơn ở nhiều nước, đặc biệt là tại các nền kinh tế đang phát triển, tạo nguồn hàng dồi dào hơn cho các nhà đầu tư đang có tiền nhãn rỗi.
Trao đổi với VnExpress, ông Võ Trí Thành, Trưởng ban Nghiên cứu Hội nhập kinh tế quốc tế, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương cho biết, xu hướng sáp nhập, mua lại doanh nghiệp đã xuất hiện từ lâu trên thế giới nhưng đặc biệt trở nên mạnh mẽ trong khoảng 10 năm trở lại đây - sau cuộc khủng hoảng tài chính châu Á năm 1997.
Trong khoảng thời gian đó, các vụ mua bán, sáp nhập doanh nghiệp diễn ra mạnh mẽ ở hầu hết các lĩnh vực, từ bán lẻ, ngân hàng, cho tới truyền thông...
Theo ông Thành có nhiều nhân tố thúc đẩy các doanh nghiệp sẵn sàng thực hiện các vụ M&A. Thứ nhất, các công ty muốn sáp nhập với doanh nghiệp khác để làm bàn đạp chinh phục thị trường mới. Chẳng hạn cách đây hai năm, hãng sản xuất trang phục thể thao Adidas của Đức đã quyết định mua lại đối thủ Reebok của Mỹ với giá 3,1 tỷ euro (3,8 tỷ USD) nhằm mở rộng sang thị trường Mỹ và cạnh tranh với Nike.
Ngoài ra theo ông Thành, các doanh nghiệp cũng thông qua việc sáp nhập để tăng quy mô và giảm chi phí kinh doanh nhằm nâng cao khả năng cạnh tranh trên thị trường. Vụ sáp nhập gần đây nhất giữa hai hãng truyền thông nổi tiếng thế giới Thomson và Reuters là ví dụ điển hình. Hai đại gia này hy vọng sẽ hình thành một hãng cung cấp tin tức tài chính lớn nhất thế giới nhằm cạnh tranh với đối thủ truyền kiếp Bloomberg. Giới phân tích cho rằng, với tên gọi mới Thomson-Reuters, hai bên sẽ hỗ trợ lẫn nhau để tăng danh tiếng chung và giảm chi phí hoạt động của cả tập đoàn khoảng 500 triệu USD trong vòng 3 năm tới.
Theo ông Trần Duy Hưng, Giám đốc Công ty First Asia Limited, có những trường hợp, doanh nghiệp đang làm ăn rất phát đạt và có tên tuổi vẫn sẵn sàng chịu để doanh nghiệp khác mua lại. Ông Hưng cho rằng, điều này là hoàn toàn bình thường bởi trên thế giới người ta quan niệm "cái gì cũng có thể bán miễn là giá mua hấp dẫn".
Mới đây, Công ty chứng khoán Dow Jones, chủ sở hữu tờ Wall Street Journal, cho biết họ đã chấp thuận lời đề nghị để Công ty News của tỷ phú Rupert Murdoch mua lại quyền sở hữu với giá 5 tỷ USD. Tuy vụ mua bán này vẫn chưa hoàn tất, song với cái giá hấp dẫn 60 USD/cổ phiếu mà News đưa ra, nhiều ý kiến cho rằng Dow Jones khó mà cưỡng lại được.
M&A sẽ tiếp tục bùng nổ
Theo số liệu thống kê của hãng thông tin Dealogic, khoảng 45% các doanh nghiệp trên thế giới đang có ý định tiến hành các thương vụ mua bán sáp nhập xuyên quốc gia trong năm nay để tiếp tục tăng trưởng và mở rộng hoạt động kinh doanh.
Đặc biệt tại khu vực châu Á, sáp nhập, mua lại doanh nghiệp cũng đang dần trở thành một trào lưu thời thượng, nhất là ở Nhật Bản. 70% lãnh đạo các doanh nghiệp hàng đầu nước này cho biết họ sẵn sàng sáp nhập với doanh nghiệp khác.
Báo cáo của Hãng kiểm toán PricewaterhouseCoopers (PwC) tổng kết VN có 32 vụ mua bán, sáp nhập doanh nghiệp trong năm 2006 với tổng giá trị 245 triệu USD, vượt xa năm 2005 là 18 vụ với 61 triệu USD. Đã có một số vụ mua bán, sáp nhập doanh nghiệp thành công ở VN: Chẳng hạn như Công ty cổ phần Doanh nghiệp trẻ Đồng Nai mua lại Cheerfield Rama, Công ty Daiichi (Nhật Bản) mua lại toàn bộ Bảo Minh CMG, Vinaland mua lại 52% cổ phần của Omni Saigon và 70% Hilton Hà Nội hay gần đây nhất là Công ty Anco mua lại nhà máy sữa Nestle'... Ông Trần Duy Hưng, Giám đốc Công ty First Asia Ltd, nhận định, nhu cầu bán, mua của doanh nghiệp VN sẽ ngày một tăng trong thời gian tới, nhất là khi VN đã trở thành thành viên của Tổ chức Thương mại thế giới. |
K.G.