![]() |
Chính phủ đã xác định phát triển Khu kinh tế Dung Quất trở thành Trung tâm lọc-hóa dầu quốc gia trong tương lai gần. Ảnh: Trí Tín. |
Đến nay, Quảng Ngãi đã cấp phép cho 289 dự án vào các khu công nghiệp, khu kinh tế Dung Quất với tổng vốn đăng ký đầu tư là 177.500 tỷ đồng, trong đó có 22 dự án vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) với vốn đầu tư 3,9 tỷ USD. Từ một tỉnh thuần nông, đến nay cơ cấu kinh tế Quảng Ngãi hiện nay tỷ lệ công nghiệp chiếm đến 61%.
Ông Cao Khoa, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi nhấn mạnh, phát triển công nghiệp là một trong ba nhiệm vụ đột phá của tỉnh giai đoạn 2010-2015. Do vậy công tác xúc tiến, kêu gọi đầu tư vào Khu kinh tế Dung Quất, các khu công nghiệp, cụm công nghiệp làng nghề có vai trò rất quan trọng.
"Cùng với cơ chế chính sách ưu đãi của Chính phủ, tỉnh lập quỹ đất sạch tạo sức hấp dẫn doanh nghiệp trong và ngoài nước đầu tư. Tỉnh đang đặt mục tiêu phát triển từ nay đến năm 2020 trở thành tỉnh công nghiệp, hiện đại", ông Khoa cho biết.
Hiện nay, Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam đang lập dự án mở rộng nhà máy lọc dầu Dung Quất từ 6,5 triệu tấn lên 10 triệu tấn/năm kéo theo sự hình thành tổ hợp lọc, hóa dầu; đồng thời nghiên cứu địa điểm đầu tư Tổ hợp công nghiệp khí trên cơ sở khai thác các lô khí ngoài khơi Quảng Nam- Quảng Ngãi. Tập đoàn JFE(Nhật Bản) đang nghiên cứu tham gia dự án thép Guang Lian với công suất 7 triệu tấn/năm, vốn đầu tư 4,5 tỷ USD.
![]() |
Các chuyên gia, kỹ sư đấu nối ống bơm dầu thô từ vịnh Việt Thanh ngoài khơi vào nhà máy lọc dầu Dung Quất chế biến sản phẩm xăng, dầu. Ảnh: Trí Tín. |
Tập đoàn Sembcorp (Singapore) đang lập dự án nhà máy nhiệt điện BOT với công suất 1.200 MW với tổng vốn 2 tỷ USD. Công ty VISIP đang triển khai dự án khu công nghiệp Việt Nam- Singapore thu hút các dự án công nghiệp nhẹ tại KCN Tịnh Phong.
Ông Lê Văn Dũng, Phó trưởng ban quản lý Khu kinh tế Dung Quất cho biết thêm, khu kinh tế Dung Quất đang tập trung thu hút mạnh các tổ hợp công nghiệp nặng qui mô lớn gắn với cảng nước sâu Dung Quất II và xây dựng Dung Quất thành Trung tâm lọc, hóa dầu và Trung tâm công nghiệp quốc gia vào năm 2020. Phấn đấu đến năm 2015,
khu kinh tế Dung Quất thu hút khoảng 15 tỷ USD và đến năm 2020 đạt khoảng 25 tỷ USD. Sau năm 2020, Khu kinh tế Dung Quất trở thành thành phố công nghiệp.Theo ông Dũng, khu kinh tế Dung Quất được Chính phủ xếp vào diện một trong sáu khu kinh tế trọng điểm được ưu tiên đầu tư nguồn vốn ngân sách nhà nước để phát triển hạ tầng, tiện ích chung. Chính phủ cũng sẽ áp dụng cơ chế đặc thù về ưu tiên vốn đầu tư có mục tiêu từ nguồn thu nhà máy lọc dầu Dung Quất để đầu tư cơ sở hạ tầng đồng bộ, lan tỏa sự hấp dẫn các nhà đầu tư lĩnh vực công nghiệp nặng, công nghệ cao, dịch vụ, đô thị...đến với Quảng Ngãi thời gian tới.
Ông Võ Văn Thưởng, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ngãi cam kết, bắt đầu từ năm 2013, tỉnh Quảng Ngãi tập trung nâng cao năng lực cạnh tranh, cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, tạo cơ chế thông thoáng sẵn lòng mời gọi nhà đầu tư. Quan điểm của tỉnh là phục vụ doanh nghiệp cũng chính là tạo động lực phát triển kinh tế- xã hội của địa phương. "Quảng Ngãi cam kết chấn chỉnh lề lối làm việc của cán bộ, sẵn sàng loại bỏ cán bộ nào gây phiền hà cho doanh nghiệp ra khỏi bộ máy nhà nước. Làm sao tạo điều kiện tốt nhất cho nhà đầu tư đến với tỉnh Quảng Ngãi làm ăn, tạo cơ hội việc làm ngày càng nhiều cho người lao động", ông Thưởng chia sẻ.
Trí Tín