Phó thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc. Ảnh: QH. |
Phó thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc là thành viên cuối cùng của Chính phủ và sẽ chốt lại hoạt động chất vấn của kỳ họp Quốc hội lần này. Những vấn đề nóng cử tri chờ đợi ông giải trình trong lần đầu tiên đăng đàn kể từ khi được Quốc hội bổ nhiệm, gồm chỉ đạo triển khai các nhiệm vụ của Chính phủ về tình hình kinh tế, nâng cao hiệu quả sử dụng vốn, tài sản nhà nước tại tập đoàn, tổng công ty nhà nước; công tác phòng chống tham nhũng, lãng phí, những tồn tại, sai phạm của các tập đoàn kinh tế, tình trạng khiếu nại, tố cáo phức tạp đang có chiều hướng gia tăng.
Trước khi nhận câu hỏi chất vấn từ đại biểu, Phó thủ tướng công bố Báo cáo cập nhật của Chính phủ về một số vấn đề điều hành tế - xã hội năm 2012. Theo báo cáo này, tăng trưởng tế quý II ước đạt 4,5%, cao hơn mức 4% của quý I. Tính chung trong 6 tháng đầu năm, tăng GDP dự kiến ở mức 4,31%, sản xuất nông nghiệp tăng 3,6%, công nghiệp tăng 4,4%, trong khi lạm phát chỉ khoảng 3% (thấp nhất trong 3 năm). Ước 6 tháng, xuất khẩu tăng 20,8% so với cùng kỳ, nhập siêu tương đương khoản 2,9% tổng kim ngạch xuất khẩu.
Chỉ số phát triển doanh nghiệp cũng bắt đầu bớt tiêu cực hơn. 5 tháng đầu năm, có khoảng 21.800 doanh nghiệp giải thể, ngừng hoạt động, tăng 9,5%, so với cùng kỳ. Tuy nhiên, riêng tháng 5, số doanh nghiệp “chết” đã bắt đầu giảm khoảng 10% so với tháng 4. Hàng tồn kho đã có xu hướng giảm dần, từ 34,9% của tháng 3 xuống lần lượt 32,1% và 29,4% trong tháng 4 và 5.
"Căn cứ vào các tiêu chí này có thể nhận thấy nền kinh tế của chúng ta đã vượt qua thời điểm khó khăn nhất và bắt đầu có xu hướng phát triển tốt", Phó thủ tướng khẳng định.
Phó thủ tướng cho biết, Chính phủ sẽ phấn đấu điều hành để đạt mức tăng GDP khoảng 6% trong năm nay, trong khi lạm phát ở mức 7-8%. Trước đó, vào đầu kỳ họp, đại diện Chính phủ cũng nêu rõ chưa có ý tưởng xin điều chỉnh mục tiêu tổng quát được Quốc hội giao cho năm 2012 (GDP tăng 6-6,5%, lạm phát một con số).
Các gói hỗ trợ doanh nghiệp 29.000 tỷ đồng hay nguồn giải ngân tín dụng lên tới 21.000 tỷ đồng mỗi tháng từ nay cho tới cuối 2012 theo Phó thủ tướng cũng nằm trong kế hoạch vì thế sẽ không dẫn tới lạm phát. "Mục tiêu của Chính phủ là không vì tăng trưởng mà bỏ qua lạm phát", ông Phúc khẳng định.
Riêng về Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (Vinalines), Chính phủ cho rằng đây là một doanh nghiệp nhà nước có quy mô lớn, đã có giai đoạn phát triển tốt, có đóng góp. Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân, trước hết là yếu kém, hạn chế của lãnh đạo, trong mấy năm gần đây, Tổng công ty liên tục gặp nhiều khó khăn. Cùng với xử lý sai phạm, Chính phủ cho biết sẽ chỉ đạo tái cơ cấu Vinalines, tập trung vào 3 lĩnh vực chính là vận tải biển, cảng biển và dịch vụ hàng hải. Cơ quan quản lý sẽ đẩy mạnh cổ phần hóa, củng cố về tổ chức, nhân sự, quản trị - điều hành, thoái vốn ngoài ngành, rà soát các dự án, có giải pháp gỡ khó, giúp doanh nghiệp phát triển. |
Báo cáo của Chính phủ cũng dành riêng một mục nói về quản lý doanh nghiệp nhà nước, đặc biệt là các tập đoàn, tổng công ty. Một mặt khẳng định vai trò và thành tích của khối doanh nghiệp này, Chính phủ nhìn nhận thời gian qua vẫn còn nhiều đơn vị hoạt động kém hiệu quả, chưa tương xứng với nguồn lực được phân bổ, chậm đổi mới quản trị, chưa theo kịp yêu cầu phát triển của kinh tế thị trường.
"Một số tập đoàn, tổng công ty chưa làm tốt vai trò là đầu tàu, kinh doanh thua lỗ, hiệu quả quản lý, sử dụng vốn, tài sản Nhà nước, đất đai còn thấp. Một số lãnh đạo tiêu cực, lãng phí, vi phạm pháp luật. Sau khi có các kết luận thanh tra, kiểm tra, giám sát, Thủ tướng chỉ đạo xử lý nghiêm, kể cả điều tra để truy tố theo quy định của pháp luật", Phó thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nói.
Để khắc phục những tồn tại nêu trên, Chính phủ cho biết sẽ tiếp tục đẩy mạnh sắp xếp, đổi mới khu vực doanh nghiệp Nhà nước, kiên quyết thoái vốn ngoài ngành, cơ cấu lại một số tập đoàn, tổng công ty, ban hành Nghị định riêng về nhiệm vụ, tổ chức và cơ chế hoạt động của từng tập đoàn, tổng công ty đặc biệt quan trọng. Cơ quan quản lý cũng sẽ ban hành cơ chế kiểm tra, giám sát, đánh giá hiệu quả kinh doanh và thực hiện nhiệm vụ Nhà nước giao đối với doanh nghiệp.
Vấn đề tập đoàn, tổng công ty và tái cơ cấu tổng thể nền kinh tế đã được nhiều đại biểu đặt ra ngay sau khi Phó thủ tướng kết thúc phần báo cáo. Như để làm dịu không khí chất vấn, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng dí dỏm khen giọng nói "như có nhạc" của xứ Quảng (quê Phó thủ tướng), nhưng cũng nhắc khéo Phó thủ tướng "nói chậm và rõ" để đại biểu, cử tri cả nước có thể dõi theo. Cách pha trò của Chủ tịch Quốc hội khiến nhiều đại biểu cười tủm tỉm.
Băn khoăn vì Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã đồng ý với việc các tập đoàn, tổng công ty công bố thông tin đại biểu Trần Du Lịch chất vấn "tại sao đến nay vẫn không làm? Mà chỉ đến khi thanh tra mới biết (các tập đoàn, tổng công ty) hư cái gì".
Phó thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định, Chính phủ đã yêu cầu tất cả các tập đoàn, tổng công ty cần công khai hoạt động trong thời gian tới. "Việc công khai minh bạch thông tin để quốc hội, cử tri giám sát tốt hơn, góp phần chống tham nhũng tiêu cực", ông Phúc nói.
Đại biểu Lịch cũng bày tỏ lo ngại về tác động do nợ xấu của các tập đoàn, tổng công ty nhà nước, đặc biệt các đơn vị làm ăn thua lỗ. Phó thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết, ông đã trao đổi với Thống đốc Ngân hàng nhà nước Nguyễn Văn Bình. Theo đó, các tập đoàn, tổng công ty nhà nước làm ăn thua lỗ không đóng góp tỷ lệ cao, không phải là nguyên nhân chính trong bức tranh nợ xấu của các ngân hàng.
Trước nhiều chất vấn của đại biểu về trách nhiệm Chính phủ khi quản lý tập đoàn, tổng công ty nhà nước, Phó thủ tướng cho rằng, Chính phủ có trách nhiệm về mọi mặt kinh tế xã hội, trong đó bao gồm cả quản lý, giám sát các tập đoàn, tổng công ty Nhà nước.
"Mỗi thất thoát hay bất cứ hiện tượng xã hội nào không tốt, Chính phủ đều chịu trách nhiệm. Từ một con tàu đang đi ngoài khơi bị chìm cho tới chiếc máy bay bị nổ, cũng có trách nhiệm của Chính phủ và các bộ ngành liên quan", Phó thủ tướng nói. Ông cho biết, Chính phủ đang xây dựng hẳn chương trình quản lý, giám sát để đảm bảo các đơn vị này hoạt động hiệu quả hơn, chống thất thoát vốn nhà nước.
Liên quan tới đề án tái cơ cấu kinh tế, một số đại biểu tiếp tục đặt vấn đề với Phó thủ tướng khi Chính phủ chưa tính chi phí triển khai và chưa có đánh giá, lường trước những vấn đề xã hội phát sinh. Chia sẻ vấn đề này, ông khẳng định bản chất của tái cơ cấu là phân bổ lại nguồn lực để mang lại hiệu quả cao hơn cho nền kinh tế và tất nhiên sẽ có những phát sinh như thất nghiệp, mất việc, vấn đề xã hội. Ông cho biết, Chính phủ xác định phải có nguồn lực để xử lý các vấn đề phát sinh, có thể từ ngân sách của chính doanh nghiệp, quỹ hỗ trợ và sắp xếp doanh nghiệp, quỹ hỗ trợ của nhà nước và có thể từ nguồn ODA.
"Chúng tôi tin các vấn đề phát sinh sẽ được giải quyết hợp lý. Hằng năm Chính phủ sẽ báo cáo với Quốc hội về quá trình triển khai đề án tái cơ cấu, cũng như báo cáo về ngân sách để Quốc hội phê duyệt", ông nói thêm. Ông cũng nhắc lại kết luận của Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân sau buổi thảo luận cuối tuần trước là "đề án được Chính phủ chuẩn bị công phu" và hứa sẽ tiếp tục hoàn thiện dựa trên kết luận của Quốc hội.
Một nội dung khác được nhiều đại biểu quan tâm là đề án cải cách thủ tục hành chính và công tác cán bộ. Đại biểu Nguyễn Bá Thuyền cho rằng, cải cách thủ tục hành chính tuy "một cửa nhưng nhiều ngách", bộ máy cán bộ vẫn còn cồng kềnh, "hành" dân, chưa tạo được nhiều niềm tin đối với người dân và doanh nghiệp Còn đại biểu Nguyễn Thái Học thì cho rằng công tác cán bộ là "nguyên nhân của mọi nguyên nhân" dẫn tới các bất cập. Kỷ cương kỷ luật trong đội ngũ cán bộ chưa nghiêm, trình độ chưa đáp ứng yêu cầu của công cuộc đổi mới.
Trước băn khoăn của đại biểu về kết quả của đề án cải cách thủ tục hành chính, Phó thủ tướng khẳng định, đề án đã đạt được nhiều kết quả như lần đầu tiên thống kê được các thủ tục, đơn giản hóa hàng nghìn thủ tục khác. Chính vì những tiến bộ này, môi trường kinh doanh của Việt Nam đã tốt hơn, tăng 3 bậc trong bảng xếp hạng của Ngân hàng Thế giới...
Tuy nhiên, Phó thủ tướng cũng thừa nhận những hạn chế. Theo đó, nạn nhũng nhiễu, tiêu cực gây khó khăn cho người dân và doanh nghiệp còn nhiều. Giải pháp được ông Phúc nhắc đến là sẽ đẩy nhanh việc rà soát thủ tục hành chính trong 2012, đơn giản hóa hơn nữa và đánh giá tác động trước khi ban hành văn bản pháp luật mới, tăng cường công khai minh bạch.
Đối với công tác cán bộ, Phó thủ tướng thừa nhận những tồn tại, yếu kém như đại biểu nêu. "Có đơn giản hóa thủ tục đến bao nhiêu đi nữa nhưng cán bộ không tận tụy, tiêu cực, tham nhũng thì không giải quyết nổi", ông Phúc nói.
Phó thủ tướng khẳng định, một bộ phận không nhỏ cán bộ còn quan liêu, cửa quyền, tham nhũng làm mất lòng tin của người dân. Để hạn chế, Chính phủ sẽ rà soát văn bản về tuyển dụng, thi cử cán bộ; công khai quy định về cán bộ để loại bỏ người vi phạm kỷ luật; đổi mới cơ chế tiền lương...
Để chống tham nhũng, Phó thủ tướng cũng nêu một số giải pháp "đột phá" theo chất vấn của các đại biểu, trong đó ông nhấn mạnh việc hoàn thiện luật lệ, thể chế nói chung, nhất là thể chế quản lý kinh tế, xã hội để "không để có kẽ hở cho tham nhũng". Bên cạnh đó, Chính phủ cũng sẽ "tạo cơ chế tốt hơn nữa, không để lọt cán bộ không tốt trong bộ máy".
"Theo tôi cán bộ chúng ta cần phải tiếp tục nâng cao năng lực trí tuệ, thông qua nghiên cứu học tập không thể chủ quan. Nâng cao năng lực hành động đi sát với thực tiễn cuộc sống để quyết định những quyết sách cần thiết đối với nhân dân mà không sợ trách nhiệm, không sợ mất chức, mất ghế", ông Phúc nói.
Cũng trong buổi chất vấn sáng nay, Phó thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã giải đáp nhiều câu hỏi khác của các đại biểu. Đối với công tác đền bù, giải phóng mặt bằng với các dự án có thu hồi đất, ông Phúc cho biết, việc đảm bảo quyền lợi người dân là "rất quan trọng". Việc thỏa thuận phải sát với giá thị trường. Đối với tuyến quốc lộ huyết mạch 1A, đến nay một số gói thầu quan trọng đã được triển khai như Hà Nội - Ninh Bình - Cầu Giẽ, Ninh Bình - Thanh Hóa sẽ được hoàn thành vào 2016 với tiêu chuẩn, quy mô 4 làn xe...
Chốt lại hai ngày rưỡi chất vấn và trả lời chất vấn, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cho rằng, những vấn đề được lựa chọn đã "trúng", được cử tri cả nước quan tâm. Không khí chất vấn và trả lời thẳng thắn, có trách nhiệm. Ông đề nghị các bộ trưởng, trưởng ngành thực hiện các vấn đề đã hứa.
Cũng theo người đứng đầu Quốc hội, sau kỳ họp này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ tăng cường tổ chức các buổi chất vấn có truyền hình trực tiếp, trực tuyến.
4 thành viên Chính phủ đã đăng đàn sau hai ngày Quốc hội chất vấn vừa qua. Là người trả lời đầu tiên, Bộ trưởng Tài Nguyên Môi trường nhận các chất vấn nóng về khiếu kiện đất đai. Còn Bộ trưởng Kế hoạch Đầu tư tập trung giải trình về đề án tái cấu trúc nền kinh tế. Trong khi đó, Bộ trưởng Công Thương nhận trách nhiệm về nhiều vấn đề của ngành như độc quyền giá, thủy điện sông Tranh... Phiên chất vấn được nóng nhất và được trông đợi nhiều nhất hai ngày qua diễn ra chiều qua, khi Bộ trưởng Công an cùng Bộ trưởng Giao thông Vận tải cùng tập trung giải trình về vụ nguyên chủ tịch Tổng công ty Hàng hải (Vinalines) Dương Chí Dũng.
Nhóm phóng viên