Báo cáo trên của TNS được đưa ra ngày 25/1 tại TP HCM trong Hội thảo chuyên đề về ngành bán lẻ sau khi khảo sát hàng nghìn hộ dân tại Việt Nam mỗi ngày.
Theo đó, chỉ số niềm tin người tiêu dùng Việt Nam sẽ giảm xuống còn 56, trong khi con số này năm ngoái là 68 và 2011 là 79 (thang điểm cao nhất là 100). TNS đưa ra lý do kinh tế Việt Nam suy giảm và người tiêu dùng cảm thấy bất ổn trong hầu hết các chỉ tiêu 12 tháng tới.
25% người được khảo sát cho rằng giá trị đồng tiền Việt Nam sẽ giảm mạnh, 40% giảm chút ít. Về công việc, 39% cho biết họ nghĩ sẽ giảm một chút, 29% nghĩ rằng sẽ giữ nguyên. 40% cho rằng kinh tế Việt Nam sẽ đi xuống ở mức nhẹ...
40% trong số những người được hỏi cho biết sẽ giảm nhu cầu giải trí và ăn uống bên ngoài. Số còn lại đều khẳng định sẽ chi mức tương đương năm ngoái về tiêu dùng sản phẩm trong nhà, nhu cầu cá nhân, giao thông, chăm sóc sức khỏe... với các mức dao động 40-60%.
Nếu như tháng 8/2012, chỉ có 20% người được hỏi nghĩ rằng họ có khả năng bị thất nghiệp thì tháng một năm nay con số này tăng lên 32%, tâm lý sợ thất nghiệp cũng khiến họ cẩn trọng và giảm thiểu tiêu dùng.
![]() |
Niềm tin người tiêu dùng Việt Nam giảm sút. Ảnh minh họa: Anh Quân |
"Có thể thấy người tiêu dùng ngày càng lo ngại hơn, họ có khuynh hướng để dành tiền nhiều hơn. Có bao nhiêu người tới các khu thương mại đắt tiền mua sắm thật sự hay họ chỉ đi tham quan", ông Ralf Matthaes, Giám đốc điều hành TNS Việt Nam nói.
Ông Ralf Matthaes lưu ý các điểm đối với ngành bán lẻ năm nay là xu hướng quảng cáo, quảng bá sản phẩm chương trình tích hợp trên smartphone, sự tín nhiệm của người dùng cho các thương hiệu có sự minh bạch, khuyến mãi - coupon, thương hiệu sản phẩm, tốc độ phản ứng với nhu cầu của khách hàng.
"Không phải đơn vị mạnh nhất, thông minh nhất thì sống sót mà là những đơn vị hiểu được nhu cầu khách hàng và đưa ra phản ứng nhanh nhất', đại diện TNS Việt Nam khẳng định.
Ông Wachirawuth Rattiwarakom, phụ trách nhóm giải pháp Microsoft Châu Á - Thái Bình Dương cho biết, xu hướng toàn cầu hóa thị trường đã mở ra nhiều cơ hội về thị trường bán lẻ. Để cạnh tranh thành công với các công ty lớn hơn, công ty bán lẻ bậc trung phải giám sát và duy trì mức hàng tồn kho, quản lý để rút ngắn chu trình từ sản xuất đến bán lẻ, đại diện hãng công nghệ Microsoft và cũng là một đơn vị làm giải pháp công nghệ cho các đơn vị bán lẻ phát biểu.
Kiên Cường