Theo số liệu thống kê của VNDIRECT, từ đầu năm tới nay, 2 sàn chứng khoán Hà Nội và TP HCM có khoảng 24 mã giao dịch thỏa thuận từ 5 triệu cổ phiếu trở lên, đạt giá trị hơn 24.706 tỷ đồng. Trong đó, chủ yếu các mã thuộc nhóm ngân hàng, có cổ phiếu còn sang tay với khối lượng trên 100 triệu đơn vị.
Kết thúc phiên giao dịch 1/11, cổ phiếu EIB của Ngân hàng cổ phần Xuất nhập khẩu Việt Nam tiếp tục thỏa thuận thành công hơn 19,4 triệu đơn vị. Chỉ vài ngày trước đó, EIB cũng liên tiếp chuyển nhượng với 35 triệu đơn vị (phiên ngày 31/10) và 8,6 triệu cổ phiếu (phiên ngày 29/10).
Như vậy, chưa đầy một tuần, cổ phiếu EIB đã liên tiếp đạt thỏa thuận khủng với khối lượng nhiều triệu đơn vị, trị giá gần 1.000 tỷ đồng. Từ đầu năm tới nay, EIB đã thỏa thuận gần 332 triệu cổ phiếu, trị giá hơn 5.612 tỷ đồng.
Chỉ riêng trong tháng 10, lượng cổ phiếu EIB trong giao dịch thỏa thuận chiếm tới 7,46% vốn điều lệ của nhà băng. Dù vậy, hầu như không có thông tin công bố về các cổ đông liên quan đến việc chuyển nhượng khủng này.
Ngày đầu tháng 11, cổ phiếu EIB liên lại thêm một phiên giao dịch thỏa thuận 19,4 triệu đơn vị. |
Ngân hàng cổ phần Á Châu cũng gây ấn tượng mạnh khi chỉ một phiên giao dịch thỏa thuận trong tháng 9 đã lên đến hơn 34 triệu đơn vị, đạt giá trị 554,6 tỷ đồng, tương đương hơn 5% vốn điều lệ.
Cổ phiếu của STB của Ngân hàng cổ phần Sài Gòn Thương Tín (Sacombank) thường xuyên có giao dịch thỏa thuận "khủng". Phiên giao dịch đầu năm nay (ngày 9/1), mã này sang tay tới hơn 148 triệu cổ phiếu, tương ứng giá trị trên 2.338 tỷ đồng. Riêng hai tháng 9 và 10, STB thỏa thuận hơn 160 triệu cổ phiếu, trị giá 2.958 tỷ đồng.
Theo Thông tư số 52/2012/TT-BTC những trường hợp giao dịch phải công bố thông tin bao gồm: tất cả giao dịch của cổ đông lớn nắm từ 5% cổ phần trở lên, tất cả giao dịch của cổ đông nội bộ và người có liên quan tới cổ đông nội bộ, tất cả giao dịch làm thay đổi 1% cổ phần tại công ty. |
Cổ phiếu MBB của Ngân hàng cổ phần Quân đội có 6 phiên giao dịch thỏa thuận với khối lượng từ 5 triệu đơn vị trở lên trong 9 tháng vừa qua. Tổng cộng 6 phiên này, khối lượng giao dịch đạt 51,4 triệu đơn vị, tương đương 735 tỷ đồng.
Theo các nhà đầu tư, những giao dịch thỏa thuận khủng thường rất khó nắm bắt và có phần thể hiện sự thiếu minh bạch của hệ thống. Nhiều nhà đầu tư cũng đặt nghi vấn về việc thoái vốn sở hữu chéo hiện nay tại một số ngân hàng nhưng bên mua cũng như bên bán ngại công bố thông tin.
Lý giải về những giao dịch thỏa thuận trên, giám đốc tài chính một công ty chứng khoán cho rằng, vì không công bố thông tin, nên có một số trường hợp có thể xảy ra, hoặc là giao dịch không thuộc diện công bố thông tin (cổ đông lớn, cổ đông nội bộ), hoặc giao dịch không chuyển sang một chủ mới. Trường hợp khác có thể là giao dịch có chuyển sang một chủ mới nhưng không công bố thông tin và chấp nhận phạt.
Theo vị này, trường hợp hai (không đổi chủ sở hữu) có khả năng xảy ra cao hơn. "Như thế, vấn đề này rất có thể liên quan đến việc giữ margin hoặc chuyển khoản để đáo hạn giữa các ngân hàng", ông này nói. Tuy nhiên, vị giám đốc này cũng cho rằng, "tất cả chỉ là võ đoán", và vấn đề này nên chờ Trung tâm Lưu ký chứng khoán (VSD) hoặc Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (SCC) lên tiếng.
Ngày 20/9, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đã có quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với ông Trầm Khải Hòa và Công ty chứng khoán Phương Nam. Theo đó, ông Trầm Khải Hòa đã mua 540.000 cổ phiếu của Sacombank (STB) từ ngày 15/6 đến ngày 22/6 mà không báo cáo theo quy định. Tương tự, Công ty chứng khoán Phương Nam - nơi ông Trầm Khải Hòa đang là Chủ tịch Hội đồng quản trị - đã bán 2 triệu cổ phiếu STB trong ngày 6/9 và 10/9 nhưng không công bố thông tin trước khi giao dịch.
Với việc vi phạm chế độ báo cáo và công bố thông tin khi tiến hành các giao dịch trên, ông Trầm Khải Hòa bị xử phạt 40 triệu đồng. Công ty chứng khoán Phương Nam là tổ chức có liên quan với Thành viên Hội đồng quản trị Sacombank cũng bị phạt 40 triệu đồng.
Hàn Phi - Tường Vi