Theo báo cáo của Chi cục quản lý thị trường TP HCM tối 21/2, cửa hàng xăng dầu Âu Cơ thuộc Công ty Âu Cơ ở 617A Âu Cơ, phường Hòa Thạnh, quận Tân Phú, khoảng 11h sáng cùng ngày đã ngưng bán do hết xăng.
Đo thực tế cho thấy bồn chỉ còn 114 lít xăng nên không thể bơm được. Chủ cửa hàng nói đến 21h tối sẽ nhập xăng bán bằng cách thuê xe bồn ngoài. Đơn vị cung cấp xăng cho trạm là Công ty Comeco. Lý do cây xăng này ngưng bán được quản lý thị trường xác nhận là do công ty cung cấp không giao nhiên liệu kịp.
Trạm xăng thuộc Công ty cổ phần vật tư tổng hợp TP HCM, địa chỉ 10/4 quốc lộ 22, xã Trung Chánh, huyện Hóc Môn, đơn vị bị quản lý thị trường xử phạt vì cắt giảm thời gian bán hàng, hôm nay đã bán lại bình thường. Ảnh: Ngọc Ánh. |
Tương tự đơn vị cung cấp là Comeco cũng không kịp cung ứng hàng cho cửa hàng xăng dầu thuộc Doanh nghiệp Gò Dưa, đại lý Thực Thiên ở 387 Kha Vạn Cân phường Linh Trung, quận Thủ Đức, nên không còn xăng để bán.
Tương tự Comeco, Công ty Hóa dầu quân đội MIPEC cũng không thể cung cấp xăng kịp cho các trạm. Cụ thể, trạm xăng dầu cổng trường quân sự quân khu 7 và trạm xăng dầu K6 thuộc quận đội trên đường Tô Ký quận 12 kiểm tra sáng qua đều còn xăng tồn. Đại diện 2 trạm này cho biết lượng xăng còn lại là xăng dự trữ quân sự nên không thể bán, còn xăng thương mại đã hết.
"Trạm K6 đã yêu cầu đầu mối cung cấp nhưng đến cuối buổi chiều cùng ngày vẫn chưa có hàng", ghi nhận của quản lý thị trường.
Cửa hàng xăng dầu số 1 thuộc Công ty cổ phần hóa dầu miền Nam, đến 11h trưa qua đã phải treo biển ngưng bán do lượng hàng bán ra tăng mạnh trong mấy ngày qua. Trong khi đó đơn vị cung cấp là Tổng công ty 28 lại giao dưới mức đặt hàng nên trạm không còn xăng phục vụ khách.
Một trường hợp khác là cây xăng của Doanh nghiệp Hoàng Nguyên 276 trên đường Điện Biên Phủ, phường 22, quận Bình Thạnh, vào thời điểm kiểm tra sáng qua trong bồn chỉ còn 600 lít A92, 159 lít A95, 160 lít E5. Vì lượng xăng còn lại quá ít nên cửa hàng không thể bơm bán được. Đến 11h trưa khi có nhiên liệu nhập về, cây xăng đã bán lại bình thường, đơn vị cung cấp là Công ty cổ phần xăng dầu dầu khí Sài Gòn.
Một cây xăng ở Lâm Đồng treo bảng hết xăng hết dầu. Ảnh: Quốc Dũng |
Trong khi đó ở Lâm Đồng hôm qua, nhiều cây xăng cũng đóng cửa hoặc bán cầm chừng, mặc dù tình hình có cải thiện hơn so với những ngày trước. Người dân cho rằng đây là hiện tượng găm hàng chờ giá, cơ quan chức năng tích cực kiểm tra nhưng lại lúng túng trong xử lý. Tình trạng này diễn ra suốt từ ngày 18/2 đến nay. Nhiều trạm xăng dầu treo bảng hết hàng hoặc tạm ngưng để sửa chữa.
Ghi nhận của Quản lý thị trường tỉnh Lâm Đồng, ngày 18/2 có đến gần một nửa trong tổng số trên 200 đại lý, cửa hàng bán lẻ xăng dầu trên địa bàn đóng cửa. Tại huyện Lâm Hà có 27 cây xăng thì từ ngày 18/2 đến 20/2 chỉ có một cây xăng của Công ty xăng dầu Lâm Đồng nằm ở trung tâm huyện hoạt động bình thường, số còn lại đóng cửa hoặc hoạt động không thường xuyên và chỉ bán nhỏ giọt. Tình trạng khan hàng khiến các điểm bán lẻ xăng dọc đường nâng giá lên đến 24.000 đồng một lít xăng.
Ông Chế Lê Phát, Giám đốc công ty xăng dầu Lâm Đồng, đơn vị giữ vai trò ổn định và cung ứng xăng dầu chủ lực tại Lâm Đồng cho biết, những ngày qua khối lượng xăng dầu bán ra của công ty lên tới 350 m3 một ngày, gấp đôi mức bán bình thường. Công ty đang cố duy trì hoạt động mạng lưới cung ứng xăng dầu của mình ra thị trường, khắp phục tình trạng một số điểm bán xăng tư nhân đóng cửa găm hàng.
Còn cây xăng này "tạm ngưng sửa chữa". Ảnh: Quốc Dũng |
Ngay sau khi xảy ra hiện tượng này, Sở Công Thương và phòng Công Thương các huyện, thành phố trong tỉnh đã tiến hành kiểm tra những cây xăng đóng cửa nhưng lại lúng túng trong khâu xử lý.
Ông Nguyễn Văn Thiết, Phó phòng Công Thương huyện Lâm Hà cho biết: nghị định 107 về xử phạt hành vi găm hàng ăn chênh lệch giá còn quá chung chung rất khó cho việc áp dụng xử lý. "Nhiều lý do mà các cây xăng đưa ra như gia đình có việc phải tạm nghỉ vài ngày thì làm sao xử lý được họ", ông Thiết nói.
Kiên Cường - Quốc Dũng