Giám đốc một văn phòng nhà đất cho hay, những tháng gần đây nhân viên tại đây phần nhiều ngồi chơi, bởi giới đầu tư, đối tượng khách chính của các văn phòng, đều án binh bất động. Nhiều người gom căn hộ thời gian trước, nay nhờ văn phòng bán ra, song không có ai hỏi mua. Ông này ước lượng số vụ giao dịch thành công giảm quá nửa, thậm chí có tháng chỉ thực hiện được một giao dịch.
Chị Nguyễn Thị Nguyệt Minh - nhân viên sàn giao dịch bất động sản Century tại Trung tâm Mỹ Đình cho biết, thời gian vừa qua trên sàn Century vẫn có giao dịch thành công, nhưng chủ yếu là bán cho người có nhu cầu sử dụng, hơn là giao dịch của nhà đầu tư.
Theo CBRE, 60% giao dịch căn hộ tại Hà Nội thời gian trước là của giới đầu tư. Ảnh: Hoàng Hà |
Ông Vương Tuấn Long, Quản lý cấp cao của Công ty CB Richard Ellis (CBRE) tại Việt Nam cho hay, tại thị trường căn hộ Hà Nội, giới đầu cơ chiếm đến 60% các giao dịch nhà đất. Tại TP HCM, tỷ lệ trong thời điểm thị trường sôi động lên tới 90%.
Chính vì lý do này, theo ông Long, khi tín dụng bị siết chặt và đầu tư dễ có rủi ro như hiện nay, nhà đầu tư dừng các vụ mua bán lại, thì thị trường nguội đi rất nhanh. Ông Long cho hay, hiện một số nhà đầu tư đã quay lại với thị trường, song chưa nhiều. Theo đại diện CBRE, nhiều khách hàng có tâm lý "bầy đàn". Khi thị trường nguội, họ cũng nhìn nhau, và không sẵn sàng mua bán.
Mặt khác, theo ông Phạm Trung Hà - Tổng giám đốc Công ty CP bất động sản Hòa Phát, trong thời điểm kinh tế thế giới và trong nước bất ổn, người dân sẽ có tâm lý thăm dò, chờ đợi sự phản hồi của thị trường và không quan tâm nhiều đến các hoạt động đầu tư. Đặc biệt, với các hoạt động đầu tư bất động sản cần lượng vốn lớn, họ càng trở lên dè dặt.
Giám đốc dự án của một doanh nghiệp bất động sản cho hay, các chủ đầu tư rất khó khăn trong việc huy động vốn bởi họ không thể vay được từ ngân hàng cộng thêm việc lo phải trả lãi với mức cao, giá nguyên vật liệu leo thang. Một số đơn vị phải tạm dừng dự án.
Một số chủ đầu tư cũng than thở, theo quy định, chỉ được bán nhà sau khi đã làm xong phần móng. Nhưng làm xong cũng mất vài năm, mà các doanh nghiệp địa ốc của Việt Nam đa phần có quy mô nhỏ. Vì thế, khi không có sự hỗ trợ từ các ngân hàng, họ thực sự khó khăn trong việc quay vòng vốn.
Theo ông Vương Tuấn Long, riêng trong năm 2007, Hà Nội có khoảng 50.000 gia đình mới, cộng với nhu cầu về nhà ở của các gia đình đã có tích lũy tại thành phố từ trước, nên cầu thực tế tại Hà Nội là rất lớn.
Ông Long cũng cho rằng, thị trường bất động sản thời điểm này có thể là cơ hội để các nhà đầu tư hay các hộ gia đình mua được nhà với giá rẻ hơn. Nếu đợi đến khi thị trường tăng nhiệt trở lại, có thể sẽ khó mua được một căn hộ như ý với giá như hiện nay.
Ngôn Hoa - Ngọc Châu