Một nhà đầu tư cho biết đã xảy ra sự cố cách đây 2 tuần, trong tài khoản của chị còn 1 tỷ đồng, chị mua cổ phiếu STB 500 triệu, còn lại 500 triệu đồng. Sau đó chị nhận được thông tin là lệnh không khớp. Vài ngày sau, chị không mua bán gì nữa, sao kê thì phát hiện mất khoảng tiền 500 triệu đó. Hỏi ra thì nhân viên môi giới cho biết đã "mượn tạm". Do vậy, hiện chị thường xuyên kiểm tra số tiền trong tài khoản để kịp thời phát hiện và cương quyết đem ra xử lý nếu còn tiếp diễn, chị bức xúc.
Đến ngày 1/10/08, tất cả tài khoản của nhà đầu tư chứng khoán sẽ do ngân hàng quản lý. Ảnh: Bảo Quân. |
Thông thường nhà đầu tư quan tâm số lượng cổ phiếu đã mua bán, không chú ý nhiều đến số tiền đã tham gia giao dịch, vì họ đặt niềm tin vào tính minh bạch của công ty chứng khoán nơi mở tài khoản. Khi xảy ra chuyện, họ mới bất bình.
Dù biết việc "mượn tiền không xin phép" khá phổ biến ở một số công ty chứng khoán hiện nay nhưng một nhà đầu tư tên Đông, sàn SSI, cho biết rất khó để phát hiện. Vì nhân viên quản lý tài khoản của khách thường "mượn" rồi trả lại trong thời gian ngắn để lướt sóng nhằm tránh bị phát hiện, cơ chế quản lý lại chưa gắt gao. Do vậy, yêu cầu tách vấn đề tiền bạc của nhà đầu tư ra khỏi công ty chứng khoán nhận được sự đồng thuận của giới đầu tư.
Với việc quản lý tài khoản của ngân hàng, những trường hợp này sẽ giảm thiểu đáng kể, anh Đông nhận xét. Nghiệp vụ của ngân hàng vững và minh bạch hơn, nhà băng quản lý tiền sẽ tạo độ tin cậy về nguồn vốn của nhà đầu tư trong tài khoản. Đồng thời, trả các công ty chứng về đúng bản chất tư vấn, môi giới của họ.
Tuy nhiên, Tổng giám đốc một công ty chứng khoán ở quận 1 bày tỏ những nghi ngại khi thực hiện quyết định này.
Thứ nhất, tiền là của nhà đầu tư, họ có quyền yêu cầu mở tài khoản ở ngân hàng nào. 9 người 10 ý sẽ gây khó khăn cho công ty chứng khoán chọn lựa ngân hàng mở tài khoản trong bối cảnh các công ty đang cố tìm mọi cách giữ chân khách hàng.
Thứ hai, hệ thống thông tin kết nối giữa ngân hàng và công ty chứng khoán liệu có "ăn ý" với nhau? Việc chừa thời hạn áp dụng chính thức từ tháng 10 cho thấy cả nhà băng và công ty chứng khoán chưa có chuẩn bị đầy đủ về hạ tầng cơ sở.
Vị đại diện này cũng bày tỏ quan điểm nên xử phạt những công ty vi phạm khi sử dụng những khoản tiền nhàn rỗi của nhà đầu tư mà chưa được họ cho phép, chứ không nên "một con sâu làm rầu nồi canh". Ngoài ra, chuyển tài khoản cho ngân hàng quản lý cũng không ai dám chắc là các nhà băng không xâm phạm tiền của nhà đầu tư, vị đại diện này đặt câu hỏi.
Công ty cổ phần chứng khoán Âu Lạc từ lâu đã mở tài khoản cá nhân cho nhà đầu tư tại các ngân hàng: Eximbank, Phương Đông, Indovina. Mỗi khi khách hàng đặt lệnh mua bán, công ty sẽ kết hợp chặt chẽ với ngân hàng đối tác thông qua hệ thống IT để kiểm tra số dư tài khoản nhà đầu tư, nhằm tạo tính minh bạch trong vấn đề tài chính, đại diện công ty cho biết.
Hiện đã có 9 công ty chứng khoán tuân thủ quy định này, gồm: Gia Quyền, Bản Việt, Sài Gòn - Hà Nội, Kim Eng, ACB, Âu Lạc, Việt, Đông Dương, Sen Vàng.
Bạch Hường