Ông Phạm Xuân Hồng, Phó chủ tịch Hiệp hội dệt may Việt Nam (Vitas) chỉ ra 3 cái khó của ngành năm 2012. Thứ nhất, đơn hàng nhỏ, giá cả cạnh tranh quyết liệt. Thứ hai, tất cả các chi phí đều tăng từ giá điện, vận chuyển, nguyên phụ liệu, đến chi phí đóng bảo hiểm xã hội cũng tăng. Thứ ba, đời sống người lao động khó khăn, doanh nghiệp phải cố gắng không giảm lương để giữ chân họ.
Trước đây, một đơn hàng có 30.000 sản phẩm nhưng nay do bán chậm nên đối tác nước ngoài hạ xuống còn 10.000 sản phẩm. Năng suất lao động do đó giảm xuống, trong khi chi phí, khấu hao hàng tháng vẫn vậy. "Khó khăn ở cả đầu ra lẫn đầu vào khiến lợi nhuận của ngành giảm 50% so với năm ngoái, dù kim ngạch xuất khẩu nhích 10%", ông Hồng nói.
Khủng hoảng nợ châu Âu, Mỹ giáng đòn mạnh vào ngành dệt may - lĩnh vực mà phần lớn doanh thu đến từ xuất khẩu. Lãnh đạo Công ty may Sài Gòn 3 cho biết, doanh thu khởi sắc hơn năm ngoái nhưng lợi nhuận thụt lùi, khi cả 3 thị trường chính là Mỹ, châu Âu, Nhật đều giảm nhập khẩu. Ngoài ra, giá nguyên phụ liệu thế giới tăng liên tục tăng thời gian qua càng đẩy chi phí của doanh nghiệp lên cao.
Lợi nhuận ngành dệt may năm nay giảm 50% so với năm 2011. Ảnh: Anh Quân |
Tình hình kinh doanh ở Công ty may An Phước cũng không khả quan. Theo Tổng giám đốc Nguyễn Thị Điền, hàng tồn kho còn nhiều, áp lực tìm thêm khách hàng, thị trường, cân đối chi phí, trả lương nhân công... nên mức lãi không cao.
Khách hàng chủ lực của An Phước là Nhật, tuy nhiên, Nhật còn trong vòng xoáy khủng hoảng. Những năm trước, mỗi đơn hàng của Nhật được đặt trước cả năm hoặc 6 tháng thì giờ họ chỉ đặt ngắn hạn 3 tháng.
Nữ lãnh đạo chia sẻ, Nhật hiện có xu hướng chuộng hàng Trung Quốc giá rẻ. Bà e ngại, đến 2015 khi mức thuế đối với hàng ngoại nhập được xóa bỏ thì hàng Việt sẽ càng lao đao hơn nữa.
Tại Công ty may Bình Hòa, ông Phùng Đình Ngọ, Giám đốc may Bình Hòa cho hay kinh doanh thua lỗ nặng nên đã ngừng kinh doanh và ông đã chuyển sang cho thuê mặt bằng, chấm dứt hợp đồng lao động với toàn bộ nhân viên.
Ông Nguyễn Văn Dũng, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Legamex cũng cho biết tình hình kinh doanh quá bi bét. Mảng xuất khẩu không có lời, giá bán không tăng trong khi chi phí leo thang.
“Đơn hàng năm năm nay, năm sau không thiếu nhưng càng làm càng lỗ. Chính tôi cũng đang trăn trở có nên làm tiếp hay giải thể công ty. Bởi lẽ, phí đóng bảo hiểm xã hội năm nào cũng tăng, lương tối thiếu tăng cộng thêm giá điện điều chỉnh... Bao nhiêu chi phí như vậy, doanh nghiệp khó mà gánh nổi”, ông Dũng than.
Tuy nhiên, vẫn có công ty lội ngược dòng, tăng trưởng so với năm ngoái. Công ty cổ phần Gamex Sài Gòn hiện có doanh thu trên 1.000 tỷ, trong khi 2011 chỉ 825 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế vượt 5 tỷ. Hiện công ty đã có đơn hàng đến tháng 6, 7/2013. Gamex chủ yếu là xuất khẩu sang thị trường Mỹ, châu Âu, Nhật.
Dù kinh doanh khó khăn, nhưng nhiều doanh nghiệp dệt may hiện đã có kế hoạch thưởng Tết cho người lao động.
Tại May Sài Gòn 3, Tổng giám đốc Phạm Xuân Hồng dự kiến sẽ thưởng Tết cho nhân viên trên 2 tháng lương.
Chưa quyết con số cụ thể, song, lãnh đạo An Phước khẳng định "sẽ có thưởng, dù không cao như mọi năm", để ghi nhận đóng góp của người lao động sau một năm nỗ lực cùng công ty vượt khó. "Đây cũng là cách giữ chân công nhân, tránh tình trạng lao động không quay lại làm việc sau Tết”, bà Điền chia sẻ.
Còn tại Gamex Sài Gòn, Tổng giám đốc Nguyễn Ân cho hay, năm nay thưởng tết cho nhân viên cao hơn 2011 khoảng 20%, bình quân trên 10 triệu đồng/người.
Tại Legamex, thưởng Tết năm nay khoảng từ 6 đến 7 triệu đồng một người. Năm sau, nếu tình hình kinh tế không khởi sắc có thể sẽ không có thưởng, lãnh đạo dự kiến.
Hồng Châu