Thông điệp rõ ràng Ngân hàng Nhà nước phát đi khi ban hành các văn bản hướng dẫn hoạt động mua bán vàng đó là kéo sát giá trong nước về với thế giới. Từ chối đề cập tới chuyện bao nhiêu là sát giá, song các đại diện của cơ quan này rất tự tin tuyên bố có đủ lực và đủ công cụ can thiệp thị trường.
Thị trường một ngày trước phiên đấu thầu đầu tiên dường như đã phát tín hiệu tuân theo mong muốn của Ngân hàng Nhà nước. Các doanh nghiệp theo nhau đẩy giá bán xuống thấp dù thế giới hầu như không thay đổi. Vào đầu giờ sáng ngày 28/3, khoảng chênh giữa giá trong nước và thế giới chỉ còn 2,8 triệu đồng một lượng, giảm đáng kể so với mức hơn 4 triệu đồng trước đó.
Nhưng như con bệnh nan y uống thuốc không đủ liều, chênh lệch giá trong - ngoài nước lại nới rộng ngay sau khi có kết quả đấu thầu. 26.000 lượng chào bán thì chỉ 2.000 lượng được mua, khoảng vênh giữa hai thị trường dãn ra tới 3,2 triệu đồng.
Đến phiên đấu thầu thứ hai, giá bán vàng SJC trong nước cao hơn thế giới cùng thời điểm hơn 4,3 triệu đồng mỗi lượng và từ đó tới nay, chưa một lần xuống dưới mốc 3 triệu đồng.
Với đà giảm mạnh của thị trường thế giới trong phiên 12/4 và 15/4, lẽ ra trong nước phải giảm đến hơn 4 triệu đồng mỗi lượng, nhưng các doanh nghiệp chỉ dè dặt điều chỉnh trên dưới 2 triệu đồng, khiến khoảng chênh bị đẩy lên mức kỷ lục trên 6 triệu đồng.
Lung lay mục tiêu kéo sát giá vàng trong nước với thế giới. Ảnh: Hoài Sơn |
Sau 6 phiên liên tiếp, Ngân hàng Nhà nước đã bán ra tổng cộng 158.200 lượng vàng, tương đương gần 6 tấn, trung bình mỗi phiên gần 26.400 lượng, con số không nhỏ so với quy mô giao dịch toàn thị trường mỗi ngày. Các mức giá đưa ra, kể cả tham chiếu đặt cọc cũng như giá sàn chào bán chỉ thấp hơn vài trăm nghìn đồng một lượng với mặt bằng mua bán của doanh nghiệp, không đủ giúp thị trường hiểu rằng chênh lệch trong và ngoài nước cần phải co hẹp lại.
Phát biểu không chính thức trên báo chí, đại diện Ngân hàng Nhà nước ít đề cập tới mục tiêu kéo sát giá, thay vào đó là nhiệm vụ thực thi chính sách, bình ổn thị trường và bảo toàn dự trữ ngoại hối.
Trong thông cáo phát đi hôm 12/4, Ngân hàng Nhà nước tự nhìn nhận 5 phiên đấu thầu đầu tiên (tính tới 10/4) đã diễn ra thông suốt, công khai, minh bạch và phù hợp với các quy định hiện hành. Cơ quan này cũng cho rằng trong bối cảnh thị trường thế giới biến động phức tạp, khó lường, các phiên đấu thầu đã giúp tăng cung, và giảm áp lực mua trên thị trường.
Mục tiêu sát giá được nhắc tới một cách ít ỏi trong bản thông báo vốn dĩ rất vắn tắt này. "Về cơ bản, thị trường vàng trong nước khá ổn định, mức chênh giữa giá mua và giá bán theo niêm yết của các tổ chức tín dụng và doanh nghiệp đã giảm đáng kể, nhiều thời điểm đã giảm xuống dưới 100.000 đồng một lượng. Đồng thời, chênh lệch giữa giá vàng quốc tế và trong nước có xu hướng thu hẹp dần", thông cáo viết.
Một chuyên gia phải thốt lên rằng, đến giờ này ông không hiểu mục đích thực của Ngân hàng Nhà nước khi tổ chức đấu thầu bán vàng miếng là gì. "Từng cho rằng việc đấu thầu vàng là kéo sát giá, giờ Ngân hàng Nhà nước lại nhấn mạnh không có trách nhiệm bình ổn giá vàng mà chỉ là tăng cung, ổn định thị trường. Nếu không ổn định giá thì nhà quản lý ổn định thị trường là ổn định như thế nào?", vị chuyên gia nói trên băn khoăn.
Theo ông, cuộc rượt đuổi về giá như hiện nay có thể khiến người mua vàng lãnh đủ, đặc biệt trong bối cảnh Ngân hàng Nhà nước chưa thể hiện rõ quyết tâm trong việc kéo sát giá vàng trong nước và thế giới.
Các nhà kinh doanh thì lý giải giá trong nước vẫn giữ mức cao như hiện nay là do "ảnh hưởng của giá sàn trong các phiên đấu thầu vừa qua". Theo một vị lãnh đạo doanh nghiệp vàng, vì mua ở giá cao, trong khi thế giới rớt quá nhanh nên chưa thể ngay lập tức đưa giá trong nước giảm tương ứng với thế giới. Mặt khác, theo tiết lộ của ông, trúng thầu và trúng với khối lượng lớn thời gian qua chủ yếu là các ngân hàng với nhu cầu mua để tất toán trạng thái, còn doanh nghiệp mua để kinh doanh không nhiều.
Trong các phiên đấu thầu đều không có giá trần như quy định ban đầu mà chỉ có giá sàn, không rẻ hơn là bao so với mặt bằng mua bán trên thị trường. Vì thế mà các thành viên tham gia đấu thầu đều cố gắng bỏ thầu với mức giá thấp nhất có thể, miễn là không thấp hơn giá sàn. Điều này dẫn đến việc khi có nhiều đơn vị cùng bỏ thầu với mức giá thấp như nhau thì Ngân hàng Nhà nước căn cứ vào khối lượng đặt thầu nào cao hơn sẽ thắng. Và kết quả thắng thầu đa phần thuộc về các ngân hàng.
"Hệ quả là số lượng vàng tung ra sau 6 phiên đấu thầu rất lớn nhưng chủ yếu giúp ngân hàng thương mại tất toán dư nợ vàng, nên trước mắt vẫn chưa đạt được chức năng điều tiết giá trên thị trường", ông chia sẻ.
Ngân hàng Nhà nước cũng xác nhận lượng vàng bán ra qua các phiên đấu thầu vừa qua một phần phục vụ cho mục tiêu tất toán trạng thái của các ngân hàng thương mại, qua đó giảm áp lực mua vàng của những đơn vị này trên thị trường. Mặt khác, khi các ngân hàng mua được vàng trả cho dân, thì cũng tạo một lượng cung gián tiếp đưa ra thị trường.
Hạn chót để các ngân hàng tất toán các hợp đồng huy động vàng là 30/6. Ngân hàng Nhà nước cũng đang kỳ vọng sớm đóng trạng thái cho vay bằng vàng tại các tổ chức tín dụng. Số lượng cần tất toán theo các công bố không chính thức vào khoảng vài tấn.
Nhưng theo báo cáo hoạt động ngân hàng trên địa bàn TP HCM, tính đến cuối tháng 3, tổng nguồn vốn bằng vàng của tổ chức tín dụng trên địa bàn hơn 1,630 triệu lượng. Trong đó tiền gửi bằng vàng của khách gần 665.000 lượng, tương đương hơn 25 tấn vàng. Đây là một con số khá lớn, trong khi thời gian để tất toán dư nợ huy động vàng chỉ còn hơn 2 tháng nữa.
"Chừng nào các ngân hàng chưa tất toán, thế giới có đi xuống bao nhiêu chăng nữa thì vàng trong nước vẫn khó lòng giảm tương ứng, dù Ngân hàng Nhà nước tung ra hàng tấn vàng sau các phiên đấu thầu", một doanh nghiệp vàng nói.
Theo kế hoạch sáng 16/4, Ngân hàng Nhà nước tổ chức phiên đấu thầu thứ 7, chào bán 26.000 lượng với giá tham chiếu đặt cọc 41,3 triệu đồng một lượng, vẫn cao hơn gần 7 triệu đồng một lượng so với giá thế giới quy đổi.
Lệ Chi - Thanh Bình