Câu chuyện thuế, phí được nhắc đến từ lâu và càng trở nên bức xúc khi giá xăng dầu ngày một leo thang.
Giá bán lẻ xăng dầu được tính dựa trên giá cơ sở, đảm bảo hài hòa lợi ích 3 bên Nhà nước - doanh nghiệp và người tiêu dùng. Trong đó, giá cơ sở được cấu thành bởi 3 yếu tố. Thứ nhất là giá nhập khẩu quy đổi kèm tiền vận chuyển từ nước ngoài. Thứ hai là các khoản thuế, phí phải nộp theo quy định của Pháp luật. Thứ ba là các khoản do Bộ Tài chính quy định, gồm định mức chi phí kinh doanh, lợi nhuận định mức, trích quỹ bình ổn. Khoản mục thứ hai góp phần quan trọng nhất đẩy giá cơ sở lên cao.
Theo công thức được Bộ Tài chính công bố, giá dầu phải cõng trên lưng 2 loại thuế là nhập khẩu 12%, giá trị gia tăng (VAT) 10% và phí (1.000 đồng mỗi lít). Với giá xăng còn có thêm thuế tiêu thụ đặc biệt 10%.
Giá xăng hiện phải gánh gần 30% thuế phí. Ảnh minh họa: Anh Quân |
Như vậy, chưa tính đến các khoản phải trích khác như chi phí - lợi nhuận định mức của doanh nghiệp, trích quỹ bình ổn giá... (hiện khoảng 1.200 đồng), mỗi lít xăng dầu hiện phải gánh trên lưng không dưới 6.500 đồng thuế, phí - một con số đáng kể so với giá bán mới nhất được điều chỉnh là 18.550 - 24.150 đồng.
Nhiều ý kiến cho rằng, để giảm bớt áp lực tăng giá bán lẻ, Nhà nước nên chia sẻ bằng cách bớt gánh nặng thuế phí cho xăng dầu. Hy vọng giảm lớn nhất được đặt vào thuế nhập khẩu, ở mức 12% kể từ đầu tháng 5 năm nay, sau khoảng 15 tháng giữ ở mức 0% để bình ổn thị trường. Tuy nhiên, cũng bởi một khoảng thời gian dài không thuế, và vừa được thu trở lại như vậy nên khả năng giảm đối với sắc thuế này là không nhiều.
Trong những ngày cuối tháng 8 vừa qua, khi giá thế giới diễn biến căng thẳng trở lại, đã có ít nhất 2 doanh nghiệp (trong đó có cả "ông lớn" Petrolimex) làm đơn kiến nghị Bộ Tài cho giảm thuế để tránh việc phải tăng liên tiếp giá bán lẻ. Cơ quan chức năng cũng có không ít cuộc tranh luận về vấn đề này. Tuy nhiên kết quả cuối cùng là thuế nhập khẩu vẫn chưa được giảm.
“Việc hạ thuế trước mắt rất khó thực hiện do ảnh hưởng tới cân đối ngân sách. Hơn nữa như thuế nhập khẩu 12% hiện tại đã thấp hơn nhiều so với barem cho phép là 20%. Ngoài ra, giảm thuế trong nhiều trường hợp cũng là vi phạm các cam kết quốc tế của Việt Nam”, Cục trưởng Cục Quản lý giá - Nguyễn Tiến Thỏa cho biết trong buổi họp báo chiều 28/8.
Trả lời câu hỏi của phóng viên trong buổi họp báo đó về ảnh hưởng cụ thể tới ngân sách như thế nào, ông Thỏa cho biết “chưa tính được” bởi thực tế Việt Nam đã miễn thuế nhập khẩu xăng dầu trong gần như cả năm 2011 và những tháng đầu 2012. Do đó không có cơ sở để tính số thuế thu được. Tuy nhiên, những cam kết với các nhà đầu tư nhà máy lọc dầu buộc Việt Nam duy trì thuế nhập khẩu không thấp hơn 7% (hoặc phải bù lỗ cho các cơ sở này).
Trước những rào cản này, khả năng giảm gánh nặng cho giá xăng một lần nữa được trông đợi vào thuế tiêu thụ đặc biệt. Giống như VAT, thuế tiêu thụ đặc biệt là một loại thuế gián thu, được quy định chính thức tại Việt Nam từ năm 1990 và đánh vào các mặt hàng Nhà nước hạn chế, không khuyến khích tiêu dùng hoặc cần phải điều tiết.
Xăng (không áp dụng với các loại dầu) bắt đầu xuất hiện trong danh sách những mặt hàng phải chịu thuế này từ năm 1998 và được giữ cho đến nay với thuế suất 10%, tương đương khoảng 1.630 đồng theo giá hiện hành, tức là khoảng 7% giá cơ sở. Giới quan sát và cả doanh nghiệp cũng cho rằng đây là một khoản thuế "đáng phải bỏ" vì không giống như các loại hàng hóa khác trong danh mục chịu thuế tiêu thụ đặc biệt, xăng là mặt hàng thiết yếu với đời sống người dân.
Tuy vậy, theo chuyên gia Ngô Trí Long - người có nhiều năm nghiên cứu cơ chế quản lý giá xăng dầu - khả năng sửa thuế tiêu thụ đặc biệt là rất thấp bởi sắc thuế này được quy định rõ trong luật. "Muốn sửa luật thì phải chờ Quốc hội, chứ Chính phủ không đủ thẩm quyền", ông Long nhận định
Thêm vào đó, mặc dù được coi là thiết yếu đối với dân cư nhưng xăng dầu thuộc danh mục không khuyến khích sử dụng và cần điều tiết. Do đó, hầu hết các nước trong khu vực cũng như trên thế giới đều thu thuế tiêu thu đặc biệt đối với mặt hàng này.
“Đó là chưa kể đến việc thuế bảo vệ môi trường, vốn rất cao ở nhiều nước trên thế giới mà Việt Nam cũng đang trong quá trình áp dụng, thay thế phí môi trường”, Tiến sĩ Ngô Trí Long nói thêm.
Thuế tiêu thụ đặc biệt đối với xăng dầu tại một số nước
Nước - lãnh thổ |
Mặt hàng |
Thuế suất |
Thái Lan |
Xăng dầu và sản phẩm từ dầu |
1% - 50% |
Philippines |
Xăng dầu |
0,11 USD/lít |
Ấn Độ |
Xăng dầu |
0,31 USD/lít* |
Hong Kong (TQ) |
Xăng có chì và không chì |
0,77 - 0,78 USD/lít |
Australia |
Xăng, diesel, gas |
0,4 - 0,5 USD/lít |
(*) Gồm thuế tiêu thụ đặc biệt và thuế nhập khẩu. Nguồn: Cơ quan thuế các nước.
Cũng theo ông Long thì trong lúc chờ đợi khả năng Quốc hội có thể xem xét lại thuế tiêu thụ đặc biệt với mặt hàng xăng, giải pháp thực tế hơn mà cơ quan quản lý có thể tính tới là việc xem xét giảm thuế nhập khẩu hoặc mức trích quỹ bình ổn giá đối với mặt bằng xăng, vốn nằm trong thẩm quyền quyết định của Chính phủ và Bộ Tài chính.
Việc giảm mức trích quỹ cũng không dễ bởi theo thông báo của Bộ Tài chính, Quỹ bình ổn giá hiện chỉ còn khoảng 500 tỷ đồng, trong đó nhiều doanh nghiệp bị “âm”. Nguồn tiền này dự kiến sẽ còn tiếp tục eo hẹp khi Bộ vừa cho phép nâng mức sử dụng quỹ lên 500 đồng mỗi lít xăng, trong khi giữ nguyên mức trích quỹ 300 đồng.
Với câu chuyện giảm thuế nhập khẩu, theo Cục trưởng Cục Quản lý giá - Nguyễn Tiến Thỏa, trong trường hợp giá thế giới tiếp tục tăng, phương án này sẽ được cơ quan quản lý tính tới, cùng với các giải pháp đồng bộ khác.
Song song với những giải pháp trước mắt nêu trên, theo Tiến sĩ Ngô Trí Long, về lâu dài, nhất thiết phải xóa bỏ tình trạng độc quyền (hay theo cách gọi của cơ quan quản lý là có doanh nghiệp thống lĩnh thị trường) trong kinh doanh xăng dầu hiện nay. “Như vậy thì mới có thể thực hiện giá thị trường, lên xuống theo thế giới. Còn chừng nào chưa có, tôi cho rằng Nhà nước còn phải giữ vai trò định giá, tính đúng tính đủ cho doanh nghiệp nhưng không để họ lợi dụng tăng giá vô lối”, ông Long đề xuất.
Nhật Minh