Khi nhận tháng lương đầu tiên của nghề Call Center, Nguyễn Thu Thảo thực sự bị sốc. Lương kế toán ở công ty cũ là 3 triệu đồng, chuyển sang Call Center, Thảo hưởng lương thử việc 1,3 triệu. Trừ đi 250.000 đồng tiền đặt cọc, tháng đầu tiên, cô chỉ nhận hơn 1 triệu đồng.
Giám đốc Call Center Viettel Phạm Thanh Vân không thể quên mức lương cô nhận năm 2004, vỏn vẹn 400.000 đồng mỗi tháng.
Đội ngũ Call Center của Viettel. Ảnh: Trường Sơn |
Còn Phạm Diệu Thúy (hiện là Phó giám đốc Công ty Vinatad - một công ty chuyên cung cấp và quản lý nhân sự Call Center), khi chuyển từ công ty kho vận sang làm nghề này, Thúy không biết phải tiêu thế nào với số lương nhận được. Lương mới chỉ bằng một phần năm ở công ty cũ, để đảm bảo các sinh hoạt bình thường, Thúy phải giấu chồng dùng tiền dành dụm trước đó để chi tiêu cho gia đình.
Hiện nay, bộ phận Call Center thường được các hãng di động thuê ngoài toàn bộ, hoặc thuê một phần. Nhân viên Call Center của chính hãng đã khổ, nhưng vẫn sung sướng hơn điện thoại viên thuê ngoài. Lan Hương, một điện thoại viên của công ty cung cấp dịch vụ Call Center tại Hà Nội tâm sự: "Nhìn bên ngoài, rất nhiều người tưởng bọn em là nhân viên của các mạng di động. Nhưng thực tế, bọn em chỉ là những người làm thuê ở bên ngoài và hưởng rất ít lợi ích từ những khoản lợi nhuận khổng lồ của các mạng này. Không ít trường hợp, cùng một công việc tương tự nhau, thậm chí cùng ngồi chung trong một căn phòng làm việc nhưng nếu làm ở mạng di động thì thu nhập sẽ cao hơn ít nhất 3-4 lần…".
Ngoài việc lương thấp, áp lực công việc cao, những nhân viên Call Center còn phải chịu thiệt thòi, không được coi trọng đúng mức ngay tại chính các mạng di động. Lãnh đạo một mạng cho biết: "Trong một thời gian dài, Call Center được coi như cái kho để dành cho những người kém năng lực, những người bị "phốt", bị kỷ luật… và chẳng ai muốn làm ở đó cả, kể cả lãnh đạo lẫn nhân viên".
Một lãnh đạo Call Center của Viettel thì tiết lộ: "Khi thi tuyển vào Call Center của Viettel, em học ngoại ngữ ra mà còn không nghe ra từ Call Center khi những người trông thi nói. Họ phát âm sai bét và thực ra, bản thân họ lúc đó cũng chẳng hiểu Call Center là cái gì". Lãnh đạo này còn tiết lộ khi vào cô mới biết Call Center là nơi "tận đáy của Viettel" và chẳng ai thích vào đây làm cả. Khi về quê, cô nói làm ở bộ phận kinh doanh của Viettel thì mọi người hiểu, chứ em nói ở Call Center thì chẳng ai biết là gì.
Phạm Diệu Thúy - Phó giám đốc Công ty Vinatad, thì tâm sự đầu năm nay, khi cô nói làm Call Center, một người quen tưởng lầm cô làm ở đài phát thanh.
Sau khi vượt qua thử thách ở những tháng đầu tiên (không tự bỏ việc vì áp lực), thu nhập của các nhân viên Call Center cải thiện chút ít. Tuy nhiên, làm việc vài năm thì thu nhập của các nhân viên Call Center cũng chỉ dao động 2-2,5 triệu đồng mỗi tháng.
Nguyễn Thị Cúc (nhân viên Call Center của Công ty cổ phần Kim Cương) được bạn rủ đi làm nghề này. Cô rất vui vì ngày nào cũng có thể giúp đỡ được hàng trăm người khác nhau. Ảnh: Trường Sơn. |
Nhưng họ cũng tự tìm ra lý do để yêu thích công việc của mình. Đoàn Kim Khánh (cựu nhân viên Call Center MobiFone) thấy mình học được nhiều, đặc biệt là cách giao tiếp và các kiến thức từ khách hàng. "Mỗi ngày mình lại học thêm nhiều điều mới mẻ từ công việc. Nhưng đúng là nếu so sánh với tất cả quyền lợi nhìn thấy được thì cũng rất khó giải thích vì sao mình gắn bó với nghề. Mình chỉ biết mình làm rồi thấy yêu cái nghề này, say nó. Thế thôi", cô nói.
Trước khi chuyển sang làm công tác quản lý các công ty đối tác cung cấp nhân sự cho Call Center, Khánh từng là một nhân viên Call Center xuất sắc. Ngày cao điểm, Khánh trả lời thành công tới 400 cuộc điện thoại khiếu nại của khách hàng và không ít lần được bầu là "Hoa hậu" (người trả lời nhiều nhất và xuất sắc).
Còn với Nguyễn Thu Thảo, cô yêu nghề Call Center bởi nó đem lại sự tự tin khi giao tiếp với mọi người. "Trước đây, em đọc một cuốn chuyện cho đứa em mà cứ run bần bật, giờ thì khác hoàn toàn. Em có thể nói chuyện với mọi người rất tốt và biết cách đoán tâm lý và giải quyết các vấn đề của người khác", Thảo tâm sự.
Lúc đầu, Phùng Ngọc Bích, Trưởng phòng đào tạo của Call Center Viettel không thích nghề này. Tuy nhiên, khi đã làm rồi thì gắn bó và yêu nó lúc nào cũng không biết. Có lẽ trong gần một năm làm việc, cô nhận được nhiều cuộc gọi bức xúc, nhưng chưa bị khách hàng chửi lần nào. "Bên cạnh đó, em còn là người hay được khách hàng tặng hoa nhất Call Center. Có tuần em nhận 3 bó hoa từ khách hàng", Bích tự hào nói.
Khi được hỏi lý do yêu nghề, Phạm Diệu Thúy (Công ty Vinatad) trả lời: "Nếu bạn yêu cô gái nào đó, cô ấy trong mắt bạn sẽ là người tốt, rất hay, rất xinh bất chấp các nhược điểm mà cô ấy có. Mà ai chả có nhược điểm. Với mình, Call Center cũng vậy”. Càng làm, cô càng tìm thấy ở đó kiến thức mới mỗi ngày, khả năng phát triển bản thân và tự hào khi được giúp đỡ rất nhiều người hằng ngày. "Điều đó chỉ những người trải nghiệm một thời gian với nghề Call Center mới hiểu được", Thuý tâm sự.
Không ít người yêu thích nghề Call Center đơn giản là bởi họ gặp nhiều trục trặc ở các công việc trước đó và làm không thành công. Khi chuyển sang Call Center, dù áp lực lớn, thu nhập không cao… nhưng họ lại cảm thấy phù hợp, làm được việc, năng lực cá nhân được phát triển, cảm thấy mình có ích hàng ngày cho rất nhiều người và được trọng dụng. Cũng từ đó, họ yêu nghề Call Center lúc nào không biết dù khi mới bước vào nghề họ không hẳn đã thích.
Khi Call Center được “lên đời” Năm 2008, khi Cục quản lý Chất lượng (Bộ Thông tin và Truyền thông) công bố kết quả đo kiểm chất lượng di động của các mạng di động, kết quả đo kiểm của 2 mạng di động dẫn đầu về chất lượng là MobiFone và Viettel là gần tương đương nhau dù MobiFone có nhỉnh hơn chút ít. Nếu đánh giá một cách khách quan theo đúng các chỉ tiêu kỹ thuật được đo kiểm, chất lượng của MobiFone và Viettel là như nhau, sự chênh lệch về chỉ số đo kiểm không có quá nhiều ý nghĩa. Thế nhưng, trong các chỉ tiêu đo kiểm năm 2008, chỉ tiêu mà MobiFone vẫn tỏ ra hơn hẳn so với Viettel cũng như các mạng di động khác là chỉ tiêu kết nối thành công tới Call Center trong 60 giây. Xét về mặt bản chất của việc đo kiểm, chỉ tiêu kết nối thành công cũng không phản ánh toàn bộ chất lượng của Call Center nhưng nó là chỉ tiêu được công chúng thừa nhận như một "nhân tố phi kỹ thuật" về chất lượng của một mạng di động. |
Khánh Linh