Mặc dù chưa thể vực dậy sau cuộc khủng hoảng kéo dài năm 2008-2009, năm 2010 đã mở ra cuộc đua mới của doanh nghiệp bất động sản. Trong bối cảnh nhà đất trầm lắng, chứng khoán tuột dốc, lãi suất tăng, huy động vốn đối mặt nhiều thách thức, các doanh nghiệp địa ốc vẫn thi nhau lên sàn.
Theo các chuyên gia địa ốc, đây là cơn lốc chứng khoán hóa bất động sản, và có khuynh hướng gia tăng trong năm 2011. Điều này dẫn đến hệ quả là danh những người giàu trên sàn chứng khoán có thêm nhiều doanh nhân trong lĩnh vực địa ốc.
Theo thống kê của VnExpress.net, trong Top 100 người giàu trên sàn chứng khoán năm 2010, có 36 VIP thuộc 14 công ty bất động sản, với tổng tài sản hơn 56.000 tỷ đồng. Ở cả hai sàn chứng khoán TP HCM và Hà Nội có trên 180 doanh nghiệp niêm yết mới vào năm 2010. Trong số đó, công ty nhóm ngành bất động sản chiếm khoảng một phần tư số doanh nghiệp mới chào sàn, tức hơn 30 doanh nghiệp (toàn thị trường có khoảng 60 công ty bất động sản đang niêm yết).
Một số cổ phiếu ngành này khi mới chào sàn còn trở thành tâm điểm, thu hút sự chú ý của nhà đầu tư và nhanh chóng có mặt trong top 50 cổ phiếu có giá trị vốn hóa lớn nhất thị trường. Tuy nhiên, điều đáng chú ý là trong hơn 30 doanh nghiệp địa ốc lên sàn chứng khoán năm 2010, có 20% đơn vị bất động sản có ngành kinh doanh lõi là một lĩnh vực khác.
Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần địa ốc Sài Gòn thương tín (Sacomreal) được trao chứng nhận niêm yết sàn chứng khoán Hà Nội năm 2010. Ảnh: H.T. |
Niêm yết tại sàn Hà Nội vào quý III, Chủ tịch HĐQT Công ty địa ốc Sài Gòn Thương Tín (Sacomreal) Đặng Hồng Anh là "nhà giàu" bất động sản thuộc diện này. Ông cho rằng, hiện nay niêm yết lên sàn chứng khoán đang nằm trong kế hoạch dài hơi của rất nhiều doanh nghiệp, đặc biệt là nhóm địa ốc. Đây không chỉ là động thái mở rộng kênh huy động vốn mà còn là cơ hội để doanh nghiệp khẳng định thương hiệu, minh bạch tài chính và pháp lý để kêu gọi sự ủng hộ toàn diện của cổ đông. Động lực vượt khó của doanh nghiệp bất động sản cũng trở nên mạnh mẽ hơn nhờ lên sàn.
Chủ tịch Sacomreal cho rằng, sở dĩ nhóm VIP bất động sản năm 2010 tăng đột biến so với các năm trước vì cuộc khủng hoảng đã trải qua những chặng cam go và ít nhiều doanh nghiệp có niềm tin 2010 là giai đoạn bản lề đánh dấu sự chuyển biến tích cực.
Theo ông Đặng Hồng Anh, những VIP mới lên sàn không phải là những nhân vật lạ. Họ đều là lãnh đạo của các doanh nghiệp bất động sản có nhiều năm hoạt động trên thị trường và chỉ lộ diện khi khối tài sản bằng cổ phiếu được công khai. "Thực tế Việt Nam vẫn còn nhiều VIP chưa xuất hiện vì doanh nghiệp của họ chưa lên sàn", vị lãnh đạo Sacomreal nhận định.
Phối cảnh dự án bất động sản do công ty Quốc Cường Gia Lai (lên sàn năm 2010) làm chủ đầu tư. Ảnh: C.C. |
Niêm yết vào quý I/2010, Chủ tịch HĐQT Công ty Nhà Việt Nam Trần Văn Thành chia sẻ với VnExpress.net: "Sở dĩ năm 2010 có nhiều doanh nghiệp địa ốc lên sàn vì thiếu vốn. Do khủng hoảng kéo dài chưa biết điểm dừng, việc huy động vốn thông qua kênh chứng khoán trở nên đầy tiềm năng. Thế nhưng thực tế không dễ dàng".
Theo ông Thành, việc huy động vốn hiện nay vẫn gặp nhiều khó khăn vì khi chứng khoán bị suy giảm, bản thân thị trường này cũng thiếu vốn. Tuy nhiên, hiệu quả của việc niêm yết trên sàn chứng khoán là công ty địa ốc minh bạch tài chính, khách hàng có lòng tin với doanh nghiệp hơn. Điều này sẽ thúc đẩy các dự án được chuẩn bị, chọn thời điểm thực hiện tốt hơn trước đây.
Giám đốc bộ phận nghiên cứu thị trường bất động sản Công ty tư vấn kinh doanh hội nhập toàn cầu (GIBC) Huỳnh Phước Nghĩa phân tích: "Thị trường chứng khoán 2010 đang trở về giá trị thật, phản ánh đúng thực lực của doanh nghiệp. Dù các công ty địa ốc niêm yết khó huy động vốn nhưng cấu trúc vốn của họ đang được cơ cấu lại một cách tích cực".
Theo đó, doanh nghiệp có ngành lõi không phải là bất động sản sẽ tập trung vào giá trị lõi nhiều hơn thay vì loay hoay với ngành phụ là các dự án giẫm chân tại chỗ và chôn vốn. Doanh nghiệp địa ốc lên sàn trong giai đoạn 2010 thiệt thòi vì giá cổ phiếu rẻ nhưng là xu hướng tốt vì hiệu quả của đồng vốn sẽ được cân đong đo đếm kỹ càng hơn. "Cuối cùng giá tiền mà nhà đầu tư trả cho mỗi cổ phiếu là gì? Câu trả lời đó phải là thực lực của doanh nghiệp bất động sản, dựa trên tính khả thi của các dự án. Đó cũng là động lực để doanh nghiệp vượt khó", ông nói.
Một số cổ phiếu bất động sản ngay khi mới lên sàn đã thu hút sự chú ý của nhà đầu tư. Ảnh: B.H. |
Trong khi đó, Trưởng khoa quản trị kinh doanh Đại học Ngân hàng TP HCM, Tiến sĩ Lê Thẩm Dương phản biện: "Do các doanh nghiệp bất động sản rơi vào thế kẹt, không thể làm khác hơn nên họ mới ồ ạt lên sàn".
Ông Dương cho rằng, việc huy động vốn bị Thông tư 13, 19, 69 và 71 chặn lại khiến dự án bất động sản không có tiền triển khai tiếp, hoặc xây xong nhưng chưa bán được. Nguồn vốn lưu động vì thế tạm thời bị đóng băng.
Trong bối cảnh nhu cầu vốn kinh doanh quá lớn, kênh cung ứng chủ yếu là ngân hàng chỉ đáp ứng được một phần, doanh nghiệp buộc phải xoay sở theo hướng khác. Nhiều đơn vị giải bài toán này bằng cách niêm yết mới hoặc phát hành thêm, thậm chí phát hành ra nước ngoài, bất kể việc này có thành công hay không vẫn phải thử. Kết quả, hàng loạt doanh nghiệp, trong đó có công ty bất động sản thi nhau tìm vốn từ kênh chứng khoán, mặc dù thị trường năm nay kém sôi động, sóng yếu và ngắn.
Ông Dương cho biết, trong bối cảnh như vậy, chỉ những doanh nghiệp thực sự mạnh, có tiềm năng mới phát hành cổ phiếu, trái phiếu thành công. "Vì tình hình kinh tế năm 2011 vẫn còn khó khăn nên tình trạng doanh nghiệp coi kênh huy động vốn từ chứng khoán như phao cứu sinh sẽ còn tiếp diễn", ông nhận định.
Vũ Lê - Bạch Hường