Bộ trưởng Vũ Văn Ninh. Ảnh: H.H.
- Thưa ông, với lần tăng giá bán xăng này, chống lạm phát có còn được coi là mục tiêu số một của Chính phủ?
- Từ nay đến hết năm và cả giai đoạn 2009, chống lạm phát vẫn là mục tiêu ưu tiên hàng đầu của Chính phủ. Thời gian qua, VN đã chịu ảnh hưởng lớn từ tình hình thế giới, giá nguyên nhiên liệu đầu vào tăng cao, kinh tế biến động... Thế nhưng Chính phủ vẫn giữ lời hứa trước dân là không tăng giá bán các mặt hàng thiết yếu đến hết tháng 6.
Tuy nhiên, trong nửa đầu tháng 7, giá dầu thế giới tiếp tục tăng cao và có lúc gần chạm ngưỡng 150 USD một thùng. Doanh nghiệp nhập khẩu lỗ, ngân sách Nhà nước không đủ sức tiếp tục bù.
Nếu tiếp tục kìm giá bán lẻ, ngân sách Nhà nước sẽ gặp khó khăn do toàn bộ nguồn tăng thu từ dầu thô (khoảng 40.000 tỷ đồng) đã được dốc ra để bù lỗ, nguồn vốn để thực hiện an sinh xã hội sẽ không còn. Tình trạng buôn lậu xăng dầu sẽ tiếp diễn do giá xăng của VN thấp hơn so với một số nước trong khu vực, nhất là Campuchia khi độ chênh lên tới 7.000-8.000 đồng một lít... Trong bối cảnh như vậy, việc điều chỉnh giá bán lẻ xăng dầu trong nước là bất khả kháng.
Mức tăng hiện tại vẫn chưa đủ hòa vốn. Nếu so với giá nhập khẩu, doanh nghiệp vẫn lỗ khoảng 1.000 đồng đối với mặt hàng dầu. Lần điều chỉnh giá này theo chúng tôi là quá chậm so với thực tế của thị trường, lẽ ra giá sẽ được điều chỉnh sớm hơn và mức tăng cao hơn bởi doanh nghiệp bị lỗ khá lâu và kéo dài.
- Chỉ số CPI sẽ chịu tác động như thế nào từ lần tăng giá bán lẻ xăng dầu này?
- Theo tính toán của chúng tôi, chỉ số CPI sẽ bị tác động trực tiếp từ giá xăng khoảng 0,5-0,7%. Tuy nhiên những tác động gián tiếp có thể sẽ đẩy mức này lên cao hơn. Chính vì vậy, Chính phủ sẽ thực hiện một loạt các biện pháp quyết liệt hơn nhằm kiềm chế lạm phát như cắt giảm chi phí, kiểm soát giá đầu vào của các doanh nghiệp, tập đoàn lớn, kêu gọi người dân tiết kiệm nhiên liệu... Như vậy, nhiệm vụ trong những tháng cuối năm còn khá nặng nề.
Đi mua xăng tranh thủ trước khi giá tăng. Ảnh: Hoàng Hà.
- Xin Bộ trưởng cho biết lần điều chỉnh giá bán lẻ xăng dầu này sẽ tác động như thế nào đến hoạt động sản xuất của các ngành nghề, lĩnh vực khác?
- Xăng dầu là đầu vào của tất cả các ngành và lĩnh vực nên khi giá tăng thì tất nhiên hầu hết các cơ sở sản xuất, đời sống người dân đều chịu ảnh hưởng. Khi xây dựng phương án điều chỉnh, chúng tôi đã tính toán kỹ điều này để đưa một mức giá phù hợp nhất.
Ngoài ra, Chính phủ cũng có chỉ đạo yêu cầu các bộ ngành kiểm soát chặt chẽ đầu vào tại doanh nghiệp nhằm giảm tối đa chi phí không cần thiết, tránh cho các mặt hàng khác lợi dụng tình hình té nước theo mưa. Đối với các mặt hàng mà Nhà nước quản lý giá như điện, nước sạch, xe bus công cộng... vẫn duy trì chính sách ổn định giá bán từ nay đến hết tháng 12, riêng mặt hàng than có thể tính toán phương án phù hợp.
Tuy nhiên đến mức nào đó, doanh nghiệp không chịu đựng được vì bất khả kháng thì có thể tính toán chi phí, lỗ lãi để đăng ký phương án điều chỉnh giá.
- Có dự báo cho rằng, giá dầu thế giới có thể lên đến 300 USD một thùng. Liên bộ đã có kịch bản cho tình huống xấu giá dầu thế giới tiếp tục leo cao?
- Thời gian qua, chúng tôi luôn theo dõi sát diễn biến thị trường và đều có những phương án dự phòng đối phó với từng thời điểm với các mức giá khác nhau. Lần điều chỉnh này cũng vậy, chúng tôi phải lựa chọn một trong hàng chục phương án đưa ra trước đó sao cho đảm bảo các mục tiêu doanh nghiệp và người dân chia sẻ gánh nặng với nhà nước. Các phương án này được xây dựng dựa trên lượng dầu thô xuất khẩu, lượng dầu thành phẩm nhập vào và thu chi ngân sách Nhà nước.
Theo số liệu mà Bộ Tài chính công bố, nếu giữ giá bán cũ, 6 tháng đầu năm các doanh nghiệp đầu mối nhập khẩu xăng dầu lỗ 14.525 tỷ đồng, chưa kể số lỗ trong năm 2007 còn lại tới 7.400 tỷ đồng. Nếu từ nay đến hết năm mà không tăng giá thì 6 tháng cuối năm lỗ cả xăng lẫn dầu sẽ là 44.772 tỷ đồng và cả năm là 59.519 tỷ đồng (cơ sở tính toán dựa trên giá dầu thế giới giữ ở mức 139 USD một thùng). Theo dự báo của Bộ Tài chính, 6 tháng cuối năm, giá dầu thế giới sẽ dao động ở mức 145-150 USD một thùng, do vậy con số lỗ từ kinh doanh xăng dầu trong năm 2008 sẽ nằm trong khoảng 67.000-72.000 tỷ đồng, chưa kể ngân sách giảm thu 25.000 tỷ đồng do giữ thuế nhập khẩu xăng dầu ở mức 0%. Như vậy, theo đại diện Bộ Tài chính, nhà nước không có nguồn ngân sách để thực hiện an sinh xã hội. Bộ Tài chính cho rằng, nếu không tăng giá “tình trạng bao cấp tràn lan tiếp tục diễn ra, thậm chí cho cả các nước xung quanh vì giá xăng dầu Việt Nam thấp hơn mặt bằng các nước”. Giá xăng ở Campuchia 23.253 đồng một lít (cao hơn VN 7.000-8.000 đồng); Thái Lan 20.220 đồng một lít xăng (cao hơn 39%), dầu cao hơn 50% (21.062 đồng một lít); Lào 19.040 đồng một lít xăng (cao hơn VN 31%). |
Hồng Anh ghi