Nguồn tin từ Thanh tra Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết cơ quan này phối hợp với Trung tâm ứng cứu khẩn cấp máy tính Việt Nam (VNCERT) và Cục phòng chống tội phạm công nghệ cao (C50) tiến hành thanh tra đối với Công ty cổ phần EMOBI có địa chỉ ở Hoàng Cầu, Đống Đa, Hà Nội.
Thiết bị phát tán tin nhắn rác bị Thanh tra Bộ Thông tin và Truyền thông phát hiện. |
EMOBI sử dụng 5 máy điện thoại Nokia 3110C kết nối với máy tính và sử dụng phần mềm SMS Carter để phát tán tin nhắn rác tới các thuê bao di động nhằm quảng cáo, dẫn dụ người sử dụng nhắn tới các đầu số 8x14 của mình. Với thiết bị này, trong một giờ EMOBI đã phát tán 800 tin nhắn tới người sử dụng. Tin nhắn do Công ty EMOBI cung cấp có cả nội dung liên quan tới bói toán, cờ bạc, lô đề.
Ngoài ra một số đối tác của Công ty EMOBI như SunMedia, Hello Media... cũng bị phát hiện đã sử dụng hình thức trên để phát tán tin nhắn rác.
Thiết bị này có khả năng phát tán với tốc độ 20.000 tin nhắn một giờ. |
Cơ quan này cũng phát hiện Công ty cổ phần VNNET có địa chỉ tại phố Tây Sơn, Hà Nội sử dụng các thiết bị GSM/GPRS/CDMA Modem được lắp SIM và kết nối với máy tính qua cổng COM hoặc cổng USB để phát tán tin nhắn rác quảng cáo cho đầu số 8x32 của mình. Việc phát tán được VNNET thực hiện trung bình 3 lần một tuần, mỗi lần phát tán tới khoảng 20.000 thuê bao di động. Các mã lệnh phát tán tin nhắn rác có nội dung soi cầu, lô đề...
Đoàn thanh tra đang tiếp tục làm rõ các sai phạm khác của VNNET cũng như việc phát tán tin nhắn rác của các đối tác đang hợp tác với VNNET để dung cấp dịch vụ. Công ty VNNET sẽ bị đề nghị thu hồi mã số quản lý, không gia hạn hoặc không xem xét cấp mới mã số quản lý.
Theo Thanh tra Bộ Thông tin và Truyền thông việc phát tán tin nhắn với số lượng lớn này đã vi phạm Nghị định của Chính phủ về chống thư rác.
Theo một chuyên gia viễn thông, để tránh bị mất tiền oan, người sử dụng tuyệt đối không nhắn tin đến bất kỳ đầu số có 3 hoặc 4 chữ số nào dạng xxxx (6xxx, 7xxxx, 8xxxx, v.v... ) nếu bản thân không có nhu cầu. Bởi bất kỳ một tin nhắn nào gửi tới các đầu số này sẽ bị trừ tiền ngay trong tài khoản di động lên tới 15.000 đồng một tin nhắn.
Thanh tra Bộ Thông tin và Truyền thông cũng cho biết trong thời gian diễn ra bầu cử Quốc hội, các hoạt động thanh tra về chống thư rác, tin nhắn rác, tin nhắn lừa đảo sẽ được các cơ quan chức năng đẩy mạnh. Đây cũng là một công tác trọng tâm nhằm tăng cường đảm bảo an toàn an ninh thông tin.
Điều 34 Nghị định số 90 quy định: Vi phạm các quy định về quản lý, sử dụng thư điện tử, tin nhắn 1. Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 100.000 đồng đến 200.000 đồng đối với hành vi: a) Không nêu rõ mục đích, phạm vi sử dụng khi tiến hành thu thập địa chỉ điện tử; b) Người sử dụng dịch vụ thư điện tử, tin nhắn, tin nhắn qua mạng Internet không phối hợp với cơ quan nhà nước có thẩm quyền trong việc chống thư rác. 2. Phạt tiền từ 200.000 đồng đến 500.000 đồng đối với hành vi thu thập địa chỉ điện tử cho mục đích quảng cáo không được sự đồng ý của người sở hữu địa chỉ đó. 3. Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với hành vi: a) Sử dụng địa chỉ thư điện tử đã thu thập không đúng mục đích, phạm vi đã được người sở hữu địa chỉ đó cho phép; b) Làm sai lệch thông tin tiêu đề của thư điện tử, tin nhắn. 4. Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với hành vi tạo điều kiện, cho phép người khác sử dụng phương tiện điện tử thuộc quyền của mình để gửi, chuyển tiếp thư rác. 5. Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng đối với hành vi: a) Trao đổi, mua bán hoặc phát tán các phần mềm thu thập địa chỉ điện tử hoặc quyền sử dụng các phần mềm thu thập địa chỉ điện tử; b) Sử dụng các phần mềm thu thập địa chỉ điện tử để thu thập địa chỉ điện tử khi không được phép của người sở hữu địa chỉ đó; c) Trao đổi, mua bán danh sách địa chỉ điện tử hoặc quyền sử dụng danh sách địa chỉ điện tử nhằm mục đích gửi thư rác. |
Hồng Anh