Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Nguyễn Văn Giàu tại buổi họp báo quốc tế chiều 2/5, một ngày trước phiên khai mạc Hội nghị thường niên ADB lần thứ 44 tại Hà Nội. |
Lạm phát khu vực, đặc biệt tại Việt Nam cũng là vấn đề được các nhà báo trong và ngoài nước quan tâm nhiều nhất trong buổi họp báo.
Theo Thống đốc Nguyễn Văn Giàu, kinh tế thế giới chưa hoàn toàn thoát khỏi cuộc khủng hoảng thế kỷ, lại phải đối mặt với nhiều bất ổn mới, đặc biệt là sự gia tăng giá cả tại các nước trong quá trình phục hồi.
“Lạm phát cao không chỉ diễn ra tại các nước mới nổi được cho là đang tăng trưởng nóng, mà còn diễn ra ở các nền kinh tế phát triển. Vấn đề này sẽ được bàn bạc nhiều tại các phiên họp của hội nghị thường niên ADB lần này”, ông Giàu trả lời báo chí trên cương vị Chủ tịch Hội đồng Thống đốc tại Hội nghị thường niên Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) lần thứ 44, diễn ra tại Hà Nội từ ngày 3 đến 6/5.
Đầu tháng trước, ADB dự báo lạm phát Việt Nam năm nay sẽ không dừng ở mức một con số và có thể tăng với tốc độ 13,5% so với năm 2010. Cơ quan này cũng cảnh báo giá lương thực thực phẩm tăng cao trong nội bộ các nước châu Á (tính đến cuối tháng 2/2011 đã tăng 30% so với cùng kỳ) đang gây nhiều sức ép với lạm phát và tăng trưởng kinh tế trong khu vực. Đà tăng giá lương thực 30% nếu duy trì đến cuối năm có thể khiến tăng trưởng kinh tế khu vực chậm lại 0,6 điểm phần trăm. Và cùng với giả định giá dầu thế giới cả năm có thể tăng 30%, kinh tế trong khu vực sẽ tăng trưởng chậm lại tới 1,5 điểm phần trăm so với kịch bản thị trường năng lượng và lương thực ổn định. Với kịch bản bi quan này, sẽ có thêm 64,4 triệu người trong khu vực châu Á lâm vào cảnh đói nghèo, với mức sống dưới 1,25 USD mỗi ngày.
“Cuối hội nghị, Hội đồng Thống đốc ADB có thể đề xuất khuyến nghị hoặc giải pháp với các nước thành viên nhằm kiểm soát lạm phát đang gia tăng”, Thống đốc Nguyễn Văn Giàu khẳng định.
Cho rằng lạm phát đã được dự báo từ trước, ông Giàu cho biết Chính phủ Việt Nam đã chủ động đề ra những giải pháp mạnh mẽ nhằm ổn định vĩ mô, đặc biệt với việc ban hành Nghị quyết 11. Ngay từ đầu năm, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cùng các bộ ngành đã nghiên cứu xây dựng kịch bản ứng phó chấp nhận đồng tiền Việt Nam giảm giá để kiểm soát nhập siêu, đồng thời ban hành hàng loạt chính sách nhằm tác động giảm cầu và giảm tổng cầu, trong đó có chủ trương thắt chặt chính sách tiền tệ, tài khóa.
“Chúng tôi tin tưởng Nghị quyết 11 của Chính phủ Việt Nam là chính sách đúng đắn để kiểm soát lạm phát, song nó đòi hỏi thời gian để phát huy hiệu quả”, ông Ayumi Konishi trả lời VnExpress tại họp báo chiều 2/5.
Theo ông, tháng 3 và tháng 4 năm ngoái, lạm phát của Việt Nam ở mức thấp, nên lạm phát tháng 3-4 năm nay so với cùng kỳ năm ngoái ở mức rất cao cho dù Chính phủ đã có những biện pháp kiểm soát mạnh mẽ. Tuy nhiên, ông dự báo từ tháng 5, khi các chính sách phát huy tác dụng, lạm phát của Việt Nam sẽ giảm dần.
Song Linh