Dành cả ngày 16/10 để thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội, ngân sách năm 2012 và kế hoạch 2013, các báo cáo của Chính phủ được Ủy ban Thường vụ Quốc hội mổ xẻ khá kỹ lưỡng. Cụ thể, trong số 15 chỉ tiêu được Quốc hội thông qua cho năm 2012, Chính phủ cho biết đạt được 10. 5 chỉ tiêu không đạt bao gồm tăng trưởng kinh tế (ước đạt khoảng 5 - 5,2%, so với mục tiêu 6 - 6,5%), tổng đầu tư toàn xã hội, tạo việc làm, giảm nghèo và tỷ lệ che phủ rừng.
![]() |
Mức độ ổn định của nền kinh tế được đánh giá là chưa bền vững. Ảnh: AFP |
Theo đánh giá của Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, trong bối cảnh kinh tế thế giới và khu vực gặp rất nhiều khó khăn, việc đạt và vượt kế hoạch 10/15 chỉ tiêu là nỗ lực lớn của cơ quan điều hành cũng như nền kinh tế. Tuy nhiên, 5 chỉ tiêu không đạt đều là những chỉ tiêu quan trọng, phản ánh tính bền vững của nền kinh tế trong trung và dài hạn.
Trong bối cảnh đó, cơ quan thẩm tra cho rằng tâm lý xã hội và niềm tin của thị trường vẫn đang diễn biến, nếu giải quyết chậm thì khó khăn sẽ kéo dài và phức tạp hơn trong năm tới. Một số ý kiến cho rằng báo cáo của Chính phủ đánh giá chưa sát với tình hình, số liệu còn có độ vênh so với thực tế, chưa phản ánh hết mức độ khó khăn của đời sống xã hội và nền kinh tế, đặc biệt là của doanh nghiệp nhỏ và vừa. Nguyên nhân của những tồn tại, hạn chế phân tích chủ yếu do khách quan, chưa nêu bật được những nguyên nhân chủ quan từ điều hành vĩ mô.
Cơ quan chuyên trách của Quốc hội cũng nhận định nền kinh tế đang đối mặt với tình trạng lạm phát, nhập siêu giảm nhưng có những dấu hiệu lo ngại về sự trì trệ, cho thấy thực trạng đáng lo ngại về năng lực hấp thu đầu vào và tổng cầu của nền kinh tế. Thanh khoản ngân hàng thừa nhưng doanh nghiệp vẫn khó khăn trong tiếp cận vốn, quá trình tái cơ cấu chưa mang lại kết quả rõ nét. "Ổn định vĩ mô, kiểm soát lạm phát tốt nhưng chưa định hình yếu tố bền vững. Nguy cơ lạm phát cao vẫn tiềm ẩn", Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế - Nguyễn Văn Giàu nhận định.
Bước sang năm 2013, kế hoạch của Chính phủ đặt mục tiêu tăng trưởng GDP ở mức 5,5%, CPI tăng 7 - 8%, nhập siêu khoảng 8% tổng kim ngạch xuất khẩu. Bội chi ngân sách dưới 4,8% GDP, đồng thời tạo 1,6 triệu việc làm, giảm ty lệ nghèo cả nước thêm 2%.
Về mục tiêu tăng trưởng, Ủy ban Kinh tế về cơ bản thống nhất với con số 5,5% mà Chính phủ đề ra. Tuy nhiên, một số ý kiến đề nghị tăng trưởng kinh tế chỉ phấn đấu ở khoảng 4 - 5% thậm chí 4 - 4,5% để tập trung vào mục tiêu kiềm chế lạm phát. Tuy vậy, cũng có ý kiến cho rằng nên đưa mục tiêu lên tới 6%.
Về tốc độ tăng CPI, trong khi kế hoạch của Chính phủ đề xuất mức 7 - 8% thì Ủy ban Kinh tế lại đề xuất chỉ nên đặt ngưỡng không quá 8%. "Nếu đặt 7 - 8% sẽ dễ khiến hiểu lầm thành trần và sàn. Như vậy sẽ rất khó cho công tác điều hành", Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế - Nguyễn Văn Giàu giải thích.
Một điểm quan ngại khác cũng được cơ quan thẩm tra đề cập là việc chỉ tiêu nhập siêu dự kiến khoảng 8% tổng kim ngạch xuất khẩu trong năm 2013. Theo tính toán, mức thâm hụt này tương đương 9,9 tỷ đôla Mỹ, gấp gần 10 lần so với con số khoảng một tỷ USD của năm 2012. Một số ý kiến tại Ủy ban Kinh tế lo ngại việc nhập siêu tăng mạnh trở lại sẽ tác động mạnh đến tỷ giá và thị trường ngoại hối.
Cũng trong buổi sáng 16/10, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng nghe và thảo luận về báo cáo thực hiện ngân sách 2012 và kế hoạch 2013. Theo Bộ Tài chính, tình hình cân đối ngân sách từ đầu năm đến nay hết sức khó khăn. Tổng thu ngân sách 9 tháng mới đạt trên 498.000 tỷ đồng, tương đương 67,3% dự toán (là mức thấp nhất trong vòng nhiều năm) trong khi tổng chi lên tới hơn 643.000 tỷ đồng. Số thu nội địa và thu cân đối xuất nhập khẩu hiện giảm 25.500 tỷ đồng so với cùng kỳ. Theo tính toán, việc thu - chi ngân sách năm nay có thể đạt so với dự toán. Tuy nhiên số thu phấn đấu trong 3 tháng cuối năm sẽ phải cao hơn nhiều so với mức trung bình của 9 tháng đầu năm.
Đánh giá về báo cáo này, Ủy ban Tài chính - ngân sách của Quốc hội cho rằng việc có thể hoàn thành dự toán thu trong bối cảnh kinh tế khó khăn, thực hiện nhiều chính sách ưu đãi là một cố gắng lớn của Chính phủ. Tuy nhiên, những bất cập mà báo cáo nêu ra một lần nữa cho thấy tính thiếu bền vững của cơ cấu thu ngân sách hiện nay. Đây là một trong những vấn đề lớn cần giải quyết trong kế hoạch thu chi của năm 2013.
Cũng theo báo cáo của Bộ Tài chính, dự kiến đến cuối năm 2013, bội cho ngân sách dự kiến ở mức 4,8% GDP, tương đương năm 2012. Dư nợ Chính phủ dự kiến khoảng 43,4% GDP, nợ nước ngoài 45,2% GDP trong khi nợ công tương đương 55,9% GDP. Theo Ủy ban Tài chính - ngân sách, các con số này đều nằm trong ngưỡng an toàn. Tuy nhiên, Chính phủ cần có báo cáo cụ thể hơn về cơ cấu và việc sử dụng vốn để cơ quan giám sát và dư luận có cái nhìn toàn diện hơn về việc quản lý vốn vay của Việt Nam.
Nhật Minh