Giám đốc ngân hàng ngoại thương Việt Nam Nguyễn Phước Thanh cho biết, lượng vốn huy động tại ngân hàng không thay đổi vì trần lãi suất 12% không còn hấp dẫn người dân gửi tiền như trước đây.
Ông Thanh lý giải, bất động sản, chứng khoán không bán được, vàng đang giảm, bán ra sẽ lỗ so với lúc mua vào. Chính vì vậy, lượng vốn mạnh từ những đối tượng này đã không được huy động, mà chủ yếu từ nguồn tiền nhàn rỗi nhỏ. Nhiều người thậm chí còn không gửi khi đo đếm với mức lạm phát hiện tại.
![]() |
Nhiều ý kiến nhận định trần lãi suất mới khó có thể thay đổi lượng vốn huy động tại các ngân hàng. Ảnh: Hoàng Hà. |
Nhân viên chi nhánh của một ngân hàng ở quận 1 TP HCM xác nhận, dù đã tăng lãi suất thêm 1% nhưng không còn tình trạng khách hàng chen chân gửi tiền như trước đây. Chỉ khi để bảo toàn vốn hoặc chưa tìm ra kênh đầu tư hiệu quả, người dân mới gửi tạm ở ngân hàng.
Huy động vốn của các ngân hàng trong quý I tăng 4,14%, trong khi tín dụng tăng 11,3%. Theo VNBA, tăng trưởng tín dụng lớn hơn tăng trưởng nguồn vốn khiến nhiều ngân hàng thương mại gặp khó khăn, làm nóng lãi suất trên thị trường liên ngân hàng.
Gửi tiền tại ngân hàng Phương Đông, anh Chiến cho hay, do chỉ có 20 triệu đồng nhàn rỗi, nên quyết định gửi ngân hàng. Khi nào vàng xuống đến mức 16 triệu đồng một lượng, anh sẽ rút ra mua vàng. Gửi tiền lúc này, lãi suất với lạm phát gần như nhau. Nhưng nếu không gửi, thậm chí còn không được hưởng số tiền sinh lời ít ỏi đó trong khi tìm kênh đầu tư khác, anh cho biết
Việc dịch chuyển tiền gửi từ ngân hàng này qua ngân hàng khác chỉ tạo cơn sốt khi có sự chênh lệch lãi suất giữa các ngân hàng. Còn việc áp dụng mức trần chung chỉ có lợi cho các ngân hàng lớn.
Một người gửi tiền tại ngân hàng Việt Á phân tích rằng, trước hết phải xem mục đích gửi tiền là gì. Nếu gửi dài hạn, định kỳ thì nên chọn ngân hàng lớn để yên tâm, vì lãi suất đã ở mức đồng đều 12%/năm.
Nhưng nếu ở trong tình trạng có thể rút bất cứ lúc nào, nên chọn ngân hàng có lãi suất gửi tiết kiệm linh hoạt cao, để đảm bảo mức lãi suất khi rút bất chợt cao hơn mức áp dụng cho không kỳ hạn.
Với mức lãi suất cào bằng chung như hiện nay, các nhà băng đua nhau về chương trình ưu đãi, khuyến mãi nhằm thu hút khách hàng đến gửi tiền.
![f](https://vcdn1-kinhdoanh.vnecdn.net/2008/05/05/nam-a-1367005081.gif?w=500&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=krYxMCAMh6SwWFA85KjXhg&t=image)
Chương trình "Cào và trúng ngay" của ngân hàng Nam Á. Ảnh: nabank.
Ngân hàng Á Châu (ACB) có chương trình khuyến mãi "Chung niềm vui lớn" (từ 7/4 đến 6/6), dành cho tất cả khách hàng gửi tiết kiệm từ 10 triệu đồng, hoặc 700 USD hoặc 6 chỉ vàng SJC. Mức gửi từ 30 triệu đồng trở lên tại ACB vừa có vé cào và quay số may mắn.
Ngân hàng phát triển nhà (HDBank) có chương trình "Gửi tiền HDB, trúng vàng nguyên kg". Techcombank có chương trình tiết kiệm siêu may mắn với slogan đầy hấp dẫn "Gửi 10 triệu đồng trúng 1 tỷ đồng"
552 vé xem cuộc thi hoa hậu hoàn vũ 2008 nằm trong chương trình "Cào và trúng ngay" của ngân hàng Nam Á. Áp dụng với hạn mức gửi tiền đồng 100 triệu đồng một tháng, kỳ hạn 3 tháng là 50 triệu..., thời gian tham gia từ 15/4 - 5/7. Nam Á cũng cho biết thêm, việc kết hợp chương trình khuyến mãi vé xem cuộc thi Hoa hậu hoàn vũ cùng với mức lãi suất 12% tái thiết lập, vốn huy động tại ngân hàng có sự cải thiện.
Công điện 02 của ngân hàng Nhà nước vào cuối tháng 2 yêu cầu mức trần lãi suất ở các ngân hàng là 12%/năm. Đến ngày 2/4, các thành viên VNBA thống nhất áp dụng mức trần 11%/năm. Ngày 7/4, Thủ tướng đã chỉ đạo "trước mắt không duy trì việc quy định lãi suất huy động trần". Tuy nhiên, đến ngày 28/4, Hiệp hội ngân hàng Việt Nam (VNBA) gửi công văn đến các ngân hàng hội viên về việc đồng thuận tăng lãi suất trần huy động tiền đồng từ 11%/năm lên 12%/năm. Từ ngày 29/4, các ngân hàng đã đồng loạt nâng mức lãi suất huy động kỳ hạn 6 tháng trở lên là 12%/năm, dưới 6 tháng là 11,5%. Lãi suất huy động USD vẫn giữ nguyên ở mức 6%/năm |
Bạch Hường