Phiên họp cập nhật tình hình kinh tế vĩ mô Việt Nam đã diễn ra chiều nay tại Quảng Trị, trước khi Hội nghị giữa kỳ nhóm tư vấn các nhà tài trợ 2012 sẽ khai mạc chính thức vào sáng mai.
Báo cáo trước các nhà tài trợ, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Cao Viết Sinh cho biết, kết quả đạt được trong 5 tháng đầu năm cho thấy Việt Nam đã đi đúng hướng trong việc kiềm chế lạm phát và ổn định kinh tế vĩ mô. Từ tháng 7/2011 đến nay, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bắt đầu giảm dần và hiện về dưới một con số nếu so sánh với cùng kỳ năm ngoái. Từ đầu đến nay, trần lãi suất huy động của Việt Nam đã giảm 3% so với năm 2011, dư nợ tín dụng bắt đầu tăng trở lại.
Chiều 4/6, tình hình kinh tế Việt Nam được cập nhật bên lề Hội nghị CG. Ảnh: Nguyên Khoa |
Kết quả được các nhà tài trợ và chuyên gia kinh tế đánh giá cao là thặng dư cán cân thương mại của Việt Nam đạt được những kết quả tốt nhất trong vòng 10 năm qua. Theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, quý 1/2012, cán cân thương mại thặng dư gần 2,2 tỷ USD, cán cân thanh toán tổng thể thặng dư 5 tỷ USD, cao nhất trong vòng 10 năm qua tính theo quý. Trong khi đó, nhập siêu 5 tháng đầu năm chỉ bằng 1,45 % tổng kim ngạch xuất khẩu, thấp hơn rất nhiều so với các năm trước.
Tuy nhiên, Thứ trưởng Cao Viết Sinh cho rằng, trong những quý còn lại, Việt Nam gặp phải áp lực rất lớn trong việc đạt được những mục tiêu kinh tế vĩ mô đề ra từ đầu năm 2012.
Những nỗ lực của chính phủ Việt Nam trong việc theo đuổi các chính sách ổn định kinh tế vĩ mô được các chuyên gia ghi nhận và đánh giá cao. Ông Sanjay Kalra, Đại diện thường trú IMF tại Việt Nam đánh giá cao những nỗ lực của chính phủ Việt Nam trong nỗ lực giảm lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, ổn định tỷ giá hối đoái và xây dựng lại dự trữ ngoại hối.
Các nhà tài trợ khuyến cáo nên duy trì sự thận trọng để đảm bảo kinh tế Việt Nam tăng trưởng bền vững trong dài hạn. Ảnh minh họa: Hoàng Hà |
Mặc dù vậy, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cũng như các tổ chức kinh tế, tài chính thế giới khác lo ngại rằng, nền kinh tế Việt Nam vẫn trong giai đoạn dễ tổn thương và nhấn mạnh sự cần thiết của việc không nên áp dụng các chính sách nới lỏng quá sớm. Đại diện IMF cho rằng, kinh tế Việt Nam đã phát triển chậm lại trong thời gian qua, mức tăng trưởng tín dụng đã chuyển sang mức âm, độ vay ròng giảm mạnh. Mất niềm tin của thị trường, sự mất ổn định của các khu vực tài chính và suy thoái toàn cầu, đối phó với những yếu kém, tình hình thanh khoản ngân hàng vẫn đang phức tạp,...
Cùng chung nhận định kinh tế Việt Nam đang đi chậm lại, Ngân hàng Thế giới (World Bank) lo ngại khi những ngành chủ lực đang bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Tốc độ tăng trưởng hai quý đầu năm theo dự báo của World Bank chỉ đạt dưới 5%, thấp hơn nhiều mức 6,8% năm 2011. Đáng chú ý, xây dựng là nghành "đóng góp" nhiều nhất vào sự trì trệ của nền kinh tế với mức tăng trưởng âm 3,9% trong quý một sau thời gian tiền đầu cơ và đầu tư đổ một cách thái quá vào bất động sản khiến giá bị thổi phồng quá cao.
Lĩnh vực công nghiệp cũng gặp rất nhiều khó khăn đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ phụ thuộc vào vào nguồn tín dụng trong nước để có vốn lưu động và mở rộng sản xuất, kinh doanh. Nông nghiệp luôn là thế mạnh của Việt Nam nhưng theo World Bank, lĩnh vực mũi nhọn này cũng đang giảm sút.
Theo World Bank, nguyên nhân chính dẫn đến tăng trưởng kinh tế chậm lại là do sự trì trệ trong cả đầu tư công và đầu tư tư nhân, mà căn cơ hơn đó chính là sự chậm chạp, kém hiệu quả của các doanh nghiệp nhà nước, ngân hàng và đầu tư công. Vì vậy, World Bank khuyến cáo trước mắt, Việt Nam cần nỗ lực hơn nữa trong việc cải cách, cơ cấu nền kinh tế, mở ra cánh cửa tăng trưởng dựa trên năng suất và làm chất xúc tác lâu dài cho tiềm năng tăng trưởng dài hạn và bền vững của nền kinh tế.
Trong khi đó, IMF khuyến cáo Việt Nam vẫn cần duy trì các chính sách kinh tế thận trọng như thời gian qua, tăng cường cải cách hệ thống kinh tế, tài chính. Ngân hàng nhà nước cần kiềm chế các mối hiểm họa từ ngân hàng nhỏ, yếu kém đối với hệ thống tài chính nhưng vẫn cần một cách tiếp cận mạnh mẽ hơn nữa.
"Việt Nam cần tạo điều kiện cho các doanh nghiệp có thể giữ được vai trò chủ đạo trong quá trình cải cách và phát triển kinh tế, nâng cao năng suất của nền kinh tế và tạo điều kiện cho doanh nghiệp nhà nước đóng vai trò dẫn dắt theo như chủ trương của chính phủ", đại diện IMF nhấn mạnh.
Cơ quan này cũng khuyến cáo Việt Nam cần tái cấu trúc sâu rộng các doanh nghiệp nhà nước để nâng cao năng lực hoạt động của chính các doanh nghiệp này và giảm rủi ro tài khóa dự phòng, tạo ra một sân chơi bình đẳng cho các thành phần kinh tế khác.
Nguyên Khoa