![]() |
Sản phẩm bị khách hàng cho là đã được nâng giá trước khi khuyến mãi. |
Sau khi mua một chiếc túi giữ nhiệt của trang web mua sắm cộng đồng Dealsoc, anh Nam, sống và làm việc tại TP HCM cho rằng mình đã bị lừa đảo. Anh Nam kể, sản phẩm đó được Dealsoc liên kết với shop Ken Ken thực hiện chương trình khuyến mãi. Trên website của Dealsoc, giá gốc là 280.000 đồng, được giảm đến 48% nên chỉ còn 148.000 đồng. Tức là khi anh mua một voucher 148.000 đồng của Dealsoc thì có thể đến Shop Ken Ken đổi lấy chiếc túi giữ nhiệt trị giá 280.000 đồng. Nhưng khi anh gọi điện đến shop Ken Ken thì được biết giá gốc của món hàng này bán tại cửa hàng chỉ có 170.000 đồng.
Chia sẻ với VnExpress.net, anh Nam bức xúc nói: “Chính cửa hàng và công ty trung gian đã ngầm liên kết với nhau để lừa người tiêu dùng. Tôi đảm bảo rằng nếu giá gốc niêm yết là 170.000 đồng, sau khi khuyến mãi còn 148.000 đồng thì chưa chắc đã có nhiều người mua, thậm chí ngay cả tôi”.
Anh Nam cung cấp thêm, chỉ trong 2 ngày, trên website của Dealsoc đã có 66 người mua sản phẩm này. “Như vậy chỉ 2 hôm đã có 66 người bị lừa như tôi. Nếu cứ như vậy thì không biết trong một tháng, một năm sẽ có bao nhiêu người mất tiền oan. Hiện nay, website nào cũng khuyến mãi ồ ạt nhưng không biết bao nhiêu mặt hàng đã bị nâng giá lên trước đó rồi mới giảm để gạt người tiêu dùng”, anh Nam nói.
Chị Hương, nhân viên của một công ty quảng cáo cũng bị rơi vào tình cảnh tương tự. Cách đây 2 tháng, chị mua một voucher 1,5 triệu đồng cho bộ mỹ phẩm Hàn Quốc giá gốc 2 triệu đồng, qua một website bán hàng theo nhóm, bao gồm một hộp phấn nền, một phấn phủ. Nhưng vừa tuần trước, khi cô bạn đồng nghiệp “rinh” về những sản phẩm y hệt, giá chỉ 1,3 triệu đồng, không hề hưởng khuyến mãi, chị mới vỡ lẽ đã bị hớ.
“Khi phát hiện ra thì chuyện cũng qua lâu rồi nên tôi không kiện cáo gì nữa. Nhưng sau lần đó, tôi không tin vào những trang web bán hàng theo nhóm nữa, dù trước đó, tôi là một tín đồ thường xuyên lướt những website này để sắm đồ, vì cứ tưởng mua được hàng tốt giá ưu đãi”, chị Hương tâm sự.
Trao đổi với VnExpress.net, anh Chung Diệu Hớn, quản lý của shop Ken Ken khẳng định túi giữ nhiệt của cửa hàng có giá gốc là 280.000 đồng. Tuy nhiên, bình thường, mặt hàng này không được bán lẻ trên thị trường. Trong thời gian liên kết với Dealsoc, sản phẩm nằm trong diện ưu đãi, giảm giá. Do vậy nếu khách hàng mua voucher qua Dealsoc thì được hưởng giá 148.000 đồng, còn đến trực tiếp cửa hàng thì giá là 170.000 đồng.
"22.000 đồng chênh lệch đó là chính sách của Shop Ken Ken để khuyến khích khách hàng mua qua Dealsoc. Hơn nữa, đặt voucher qua mạng, khách thường phải chờ đợi mới có phiếu, còn đến cửa hàng mua thì nhanh hơn nên giá cao hơn một chút. Còn giá gốc chưa giảm là 280.000 đồng", anh Chung Diệu Hớn giải thích.
Đại diện của Dealsoc, chị Nguyễn Phương Trang cũng cho biết, khi hợp tác với Shop Ken Ken, Dealsoc nhận được báo giá gốc cho sản phẩm túi giữ nhiệt là 280.000 đồng, sau khi giảm 48% thì còn lại 148.000 đồng. "Chúng tôi không hề hay biết gì mức giá 170.000 đồng. Trước khi liên kết với doanh nghiệp nào, chúng tôi cũng tiến hành thẩm tra giá gốc để bảo vệ quyền lợi của khách hàng", chị Trang cho biết.
Phụ trách một công ty mua sắm cộng đồng cho biết, hiện nay, tình trạng một số website bán hàng theo nhóm hay cửa hàng tự động đẩy giá sản phẩm trước khi khuyến mãi là có nhưng không phải phổ biến. Mục đích của điều này là nhằm thu hút đông khách hàng hơn. “Bây giờ nơi nào cũng hạ giá nên người tiêu dùng chỉ thích những mặt hàng được giảm giá mạnh. Cùng một giá bán ra, nhưng nếu giữ đúng giá gốc thì mức giảm chỉ là 10% hay 20% thì ít người mua. Nhưng tăng giá lên rồi giảm xuống thì nhìn bề ngoài, giá được hạ đến 50%, 70%, nhiều khách hàng chọn hơn”, anh giải thích.
Theo anh, hình thức kinh doanh đó là trái phép, cạnh tranh không lành mạnh với những website bán hàng theo nhóm khác. “Trước khi quyết định mua, người tiêu dùng nên tham khảo giá cả, chất lượng của những sản phẩm tương tự từ một vài shop và website khác, hoặc có thể gọi trực tiếp đến cửa hàng phân phối sản phẩm để kiểm tra, tránh tình trạng bị mất tiền oan”, nguồn tin này khuyến cáo.
Xuân Ngọc