Theo văn bản Cục Hàng không vừa gửi Bộ Giao thông vận tải liên quan những vấn đề của Jetstar Pacific, Cục vẫn bảo lưu ý kiến rằng thương hiệu này "có vấn đề" và phải làm rõ.
Tin liên quan: | |
|
Còn về pháp luật sở hữu trí tuệ do Cục Sở hữu trí tuệ cấp cho Jetstar, Cục dẫn chứng Luật Sở hữu trí tuệ quy định: “Chuyển quyền sử dụng đối tượng sở hữu công nghiệp là việc chủ sở hữu đối tượng sở hữu công nghiệp cho phép tổ chức, cá nhân khác sử dụng đối tượng sở hữu công nghiệp thuộc phạm vi quyền sử dụng của mình".
Trong khi đó, Jetstar Airways không có thương quyền nội địa, thương quyền quốc tế của Việt Nam, nên không thể chuyển giao cho Jetstar Pacific quyền sử dụng nhãn hiệu không thuộc phạm vi quyền sử dụng của mình.
“Đây là sự vi phạm pháp luật, có tính chất lừa dối khách hàng... Jetstar Pacific không thể dùng các giấy chứng nhận đó để thực hiện hoạt động kinh doanh của mình trái với quy định của pháp luật về hàng không dân dụng”, trích văn bản của Cục Hàng không gửi Bộ Giao thông.
Trên máy bay của Jetstar Pacific có in dòng chữ Jetstar Pacific để phân biệt với hãng Jetstar Airways. Ảnh: Jetstar Pacific. |
Hơn một năm sau khi hãng hàng không giá rẻ Pacific Airlines nhận nhượng quyền thương mại từ Jetstar Airways của Australia và đổi tên thành Jetstar Pacific, thương hiệu của hãng hàng không này đang gây nên cuộc tranh cãi giữa các bộ, ngành.
Nguyên nhân dẫn đến các ý kiến trái chiều, theo Cục Hàng không, là Jetstar Pacific đang sử dụng biểu tượng chữ Jetstar (Jet có hình ngôi sao màu cam giống với biểu tượng của Jetstar Airways) khiến khách hàng dễ lầm lẫn, do không phân biệt được với hãng Jetstar Airways (Australia).
Tuy nhiên, phía Jetstar Pacific cho rằng, mình không sai khi đưa ra các bằng chứng về sở hữu trí tuệ và giấy cấp phép của Bộ Công thương. Đến nay, gần đến cuối tháng 10, thời điểm giấy phép kinh doanh vận chuyển hàng không của Jetstar Pacific hết hiệu lực, Cục Hàng không vẫn quyết bảo vệ quan điểm của mình.
Trong trường hợp của Thai Air Asia, toàn bộ biểu tượng trên thân máy bay đều giống với hãng "mẹ" là Air Asia, điểm phân biệt chỉ là một lá cờ Thái nhỏ trên đầu máy bay. Ảnh: AirAsia.com. |
Trước những "buộc tội" của Cục Hàng không, đại diện Jetstar Pacific phản bác lại, rằng Cục “vô lý”, vì nhiều hãng hàng không thế giới đều hoạt động với thương hiệu tương tự Jetstar.
Theo hãng hàng không giá rẻ này, công văn ngày 15/5/2008, Cục nêu rõ: “Hợp đồng thương hiệu, hợp đồng vận chuyển kinh doanh giữa Jetstar Pacific và Jetstar Airways không liên quan trực tiếp đến quyền vận chuyển hàng không”.
"Khi các hợp đồng không liên quan trực tiếp đến quyền vận chuyển hàng không (thương quyền) thì không có việc hãng nước ngoài thông qua hợp đồng này để khai thác thương quyền nội địa Việt Nam", đại diện Jetstar Pacific nhấn mạnh.
Theo Jetstar Pacific, ở nước ngoài, ba hãng hàng không: Air Asia Malaysia, Indonesia Air Asia, Thai AirAsia là ba hãng thuộc ba nước khác nhau, nhưng cùng sử dụng chung một thương hiệu Air Asia.
Tổng giám đốc Jetstar Pacific Lương Hoài Nam bức xúc: “Cả ba hãng hàng không này đều đã được cấp phép bay vào Hà Nội và TP HCM như một sự chấp nhận thông lệ quốc tế. Cục Hàng không đã phân biệt được rõ ba hãng trên của ba nước khác nhau, lẽ nào lại không phân biệt được Jetstar Airways, Jetstar Asia Airways, Jetstar Pacific là ba hãng khác nhau. Và Jetstar Pacific là của Việt Nam”.
Về quyền thương mại, ông Nam phân tích, ngày 22/7/2008, chính Cục yêu cầu khẩn trương hoàn tất việc nhượng quyền thương mại giữa Jetstar Pacific và Jetstar Airways để bổ sung mục “biểu tượng” trong giấy phép kinh doanh vận chuyển hàng không. Đến nay Cục lại cho rằng Jetstar Pacific không có quyền nhượng quyền thương mại.
“Cơ quan quản lý nhà nước không nên yêu cầu doanh nghiệp làm một việc mà chính cơ quan đó cho là phạm luật”, người đứng đầu Jetstar Pacific bức xúc.
Ngày 23/5/2008, hãng Pacific Airlines đã chính thức đổi tên và biểu tượng, từ Pacific Airlines trở thành hãng hàng không Jetstar Pacific. Hiện Jetstar Pacific khai thác 42 chuyến bay nội địa với 6 máy bay. Lượng hành khách trong 6 tháng qua lên đến hơn 1 triệu người, tần suất bay chặng Hà Nội - TP HCM chiếm 40% thị phần. |
Kiên Cường