Giá vàng trong nước đắt hơn thế giới hàng triệu đồng một lượng mà Ngân hàng Nhà nước không ra tay can thiệp là vấn đề gây thắc mắc suốt nhiều tháng qua, buộc Thống đốc Nguyễn Văn Bình nhiều lần báo cáo và giải trình trước Quốc hội. Chính Thống đốc lúc mới nhậm chức từng tuyên bố nếu vượt 400.000 đồng là đáng ngại, và đã cho triển khai một loạt biện pháp chưa có tiền lệ để thu hẹp khoảng cách như bán vàng bình ổn giá, lập nhóm các ngân hàng và doanh nghiệp lớn giúp can thiệp thị trường.
“Nhiều người cứ đặt câu hỏi tại sao Ngân hàng Nhà nước không bình ổn giá vàng. Nhưng sao không đặt câu hỏi ngược lại, tại sao phải bình ổn lúc này”, Thống đốc nói vui với báo chí như để giãi bày những sức ép mà cơ quan quản lý nhà nước đang phải đối mặt.
Người dân ít thông tin về thị trường vàng dễ mắc bẫy trước những cơn sốt giá do giới đầu cơ tạo ra. Ảnh: Hoàng Hà |
Trên diễn đàn Quốc hội tuần qua, người đứng đầu Ngân hàng Nhà nước gián tiếp thừa nhận các chính sách mới đồng loạt triển khai là một tác nhân đẩy giá trong nước vượt xa thế giới, nhưng cho rằng về lâu dài sẽ giúp minh bạch hóa và tái lập trật tự trên thị trường vàng, hạn chế các tác nhân có thể gây biến động bất thường về giá, đặc biệt là chống vàng hóa trong nền kinh tế.
3 chính sách lớn liên quan tới vàng đã được Ngân hàng Nhà nước ráo riết triển khai suốt từ tháng 4 năm ngoái đến nay. Trong đó, Nghị định 95 trực tiếp đánh vào giới đầu cơ ngoại tệ, buôn lậu vàng, với quy định xử phạt hành chính tới 500 triệu đồng và tịch thu tang vật mỗi lần vi phạm. Còn Thông tư 12 nhắm vào các ngân hàng, yêu cầu chấm dứt cho vay và từng bước ngừng huy động vàng từ 1/5/2011, tiến tới tất toán các hợp đồng huy động trước 25/11/2012.
Nghị định 24 về quản lý thị trường vàng sau hơn 2 năm thai nghén đã ra đời và có hiệu lực từ 25/5 năm nay, khẳng định Ngân hàng Nhà nước độc quyền nhập khẩu nguyên liệu và sản xuất vàng miếng, tất cả các đơn vị được cấp phép dập đúc trước đây đều phải dừng hoạt động. Duy nhất SJC được lựa chọn để gia công theo đơn đặt hàng của Nhà nước. Hàng loạt các cửa hàng kinh doanh vàng miếng nhỏ lẻ không đủ điều kiện rồi cũng sẽ dừng hoạt động.
“Trước đây chỉ chênh 400.000 đồng là tư thương gom đôla nhập lậu vàng, tỷ giá tăng vọt, ảnh hưởng tới lạm phát, xuất nhập khẩu. Từ tháng 4 đến nay, giá trong nước luôn đắt hơn thế giới 1-3 triệu đồng, vậy mà không có hiện tượng nhập lậu vàng qua biên giới, tỷ giá ổn định. Cũng không có cảnh người dân ùn ùn xếp hàng mua bán. Như vậy, bước đầu đã đạt mục tiêu chúng ta đặt ra và không nhất thiết phải bình ổn giá vàng”, Thống đốc Bình phân tích.
Ông cũng một mực khẳng định quan điểm không nhập vàng, bởi theo ông việc làm này chỉ như muối bỏ bể, vừa tốn ngoại tệ mà giá cũng chỉ dịu xuống vài ngày rồi lại bùng lên nếu các thế lực đầu cơ vẫn còn cửa hoành hành. Mỗi năm, khi chưa có các chế tài và chính sách đủ mạnh, hàng chục tấn vàng nhập lậu qua biên giới. Mỗi khi giá trong nước vượt quá xa thế giới, Ngân hàng Nhà nước lại cấp quota nhập hàng tấn vàng, nhưng giá chỉ dịu xuống vài ngày rồi lại bùng lên.
Hình ảnh thường thấy mỗi lần sốt vàng trước đây. Ngân hàng Nhà nước nhận định không người dân nào có nhiều tiền thế này để đi mua vàng, rất có thể là chiêu trò của giới đầu cơ. Ảnh: Hoàng Hà |
Tổng giám đốc Công ty Đầu tư và Kinh doanh Vàng Việt Nam Trần Thanh Hải tỏ ra ủng hộ quyết sách của Ngân hàng Nhà nước. Theo ông chống vàng hóa là một ý nguyện đúng đắn và Ngân hàng Nhà nước bước đầu đã tiếp cận gần hơn với bản chất vấn đề khi hạn chế sự tham gia của các ông lớn một thời khuynh đảo thị trường.
"Nhưng lộ trình và bước đi cần được tính toán phù hợp hơn. Trước khi muốn chặn một dòng sông, cần thiết kế các con rạch nhỏ để tránh nguy cơ tức nước vỡ bờ", ông Hải trao đổi với VnExpress.
Theo phân tích của ông Hải, mất cân đối cung cầu là nguyên nhân chính tạo ra chênh lệch giá vàng trong nước với thế giới nhiều năm qua. Việc thực hiện đồng loạt và dồn dập các chính sách mới trong vòng 5-6 tháng giữa năm khiến sự mất cân đối này càng thêm trầm trọng. Mua vàng để tích trữ là nhu cầu và thói quen tại Việt Nam nhiều đời nay, đặc biệt trong bối cảnh thị trường tài chính chưa phát triển, đại bộ phận dân chúng không quen với các công cụ đầu tư khác ngoài vàng. Hơn một năm qua, Ngân hàng Nhà nước chưa một lần cấp quota nhập khẩu. Từ tháng 5, năng lực cung ứng càng co hẹp khi Nghị định 24 bắt đầu có hiệu lực. Đã vậy, cũng kể từ tháng 5, các ngân hàng phải ráo riết hơn trong việc mua vàng để tất toán đúng hạn 25/11.
Một Phó thống đốc giải thích Ngân hàng Nhà nước có lộ trình để ngân hàng thương mại ngừng các nghiệp vụ liên quan tới vàng, bắt đầu từ tháng 5 năm ngoái và 2 lần gia hạn tất toán, chứ không yêu cầu dừng đột ngột. "Lý do chính là thị trường biến động quá lớn, nằm ngoài phán đoán của các ngân hàng và bản thân họ cũng đã quá tin tưởng vào tính toán của mình, bỏ qua những nguyên tắc dự phòng rủi ro. Họ đã hưởng lợi nhiều từ vàng, nay đã đến lúc trả giá cho nó", ông nói thẳng.
Cơ chế ban hành từ 10 năm trước cho phép cho các ngân hàng mua, bán, huy động và cho vay bằng vàng, thậm chí chuyển đổi vàng ra tiền đồng để bổ sung nguồn vốn kinh doanh. Thời hoàng kim, có lúc vàng chiếm 30-50% tổng tài sản của một ngân hàng. Và cũng có ngân hàng, lợi nhuận từ vàng lên đến hàng trăm tỷ đồng, đóng góp gần nửa thu nhập.
Tuy nhiên, theo Phó thống đốc, thực tế 3-4 năm qua cho thấy các ngân hàng đã không thực hiện tốt các nghiệp vụ về vàng, thậm chí còn là một tác nhân tạo những biến động bất thường trên thị trường. Vì thế cơ quan quản lý nhà nước phải phanh lại, vừa để đảm bảo an toàn hệ thống, vừa tránh những hệ lụy xấu. Bản thân các ngân hàng sau giai đoạn lãi lớn nay đang gặp rất nhiều khó khăn. Báo cáo tài chính quý III cho thấy kinh doanh vàng đã khiến ACB lỗ hàng trăm tỷ đồng từ đầu năm đến nay và nguy cơ lỗ thêm hàng trăm tỷ đồng nữa nếu tiếp tục phải tất toán hợp đồng.
Trong vòng 5 tháng tính tới cuối tháng 10 vừa qua, các ngân hàng đã mua vào 60 tấn vàng và còn thiếu 20 tấn nữa mới đủ để tất toán các hợp đồng đã ký. Lường trước nguy cơ khủng hoảng thanh khoản nếu các ngân hàng dành thêm hàng chục nghìn đồng để mua nốt số vàng còn thiếu trong những tháng cuối năm, Ngân hàng Nhà nước mới đây đã quyết định nới thời hạn tất toán sang 30/6/2013. Tuy nhiên, các điều kiện kèm theo để từng ngân hàng được gia hạn rất ngặt nghèo và nếu có huy động thêm cũng phải đảm bảo tất cả các hợp đồng đều phải tất toán trước thời điểm này.
“Ngân hàng Nhà nước một lần nữa nới thời hạn là nhằm cứu thanh khoản toàn hệ thống những tháng cuối năm, chứ không phải vì lùi bước hoặc khoan nhượng trước sức ép của các thế lực đầu cơ. Sau 30/6/2013, không có lý do gì để các ông lớn có thể tham gia thị trường và chắc chắn, cuộc chơi đại gia sẽ chấm dứt”, ông tuyên bố.
Ông Trần Thanh Hải cho rằng, về nguyên tắc, Ngân hàng Nhà nước hoàn toàn có khả năng kéo giá trong nước gần với thế giới mà không cần tới biện pháp nhập khẩu. Tuy nhiên, theo ông muốn giải quyết tận gốc vấn đề, phải làm sao để người dân hiểu đầu tư vàng không có lợi gì cho quốc kế dân sinh. Mặt khác, cơ quan quản lý cần thời tạo ra các công cụ hợp lý để người dân tích trữ, bảo toàn tài sản.
Ngân hàng, doanh nghiệp và nhà đầu tư cá nhân là ba người chơi quan trọng trên thị trường vàng. Ngân hàng là tay chơi có tiềm lực mạnh nhất về vốn, lại được trang bị nhiều công cụ hỗ trợ như vừa huy động, cho vay, vừa mua, bán, nhập khẩu, kinh doanh vàng tài khoản. Các doanh nghiệp, đặc biệt là nhóm vừa được nhập khẩu, sản xuất và kinh doanh vàng miếng, có quyền lực rất lớn trong việc xác lập trạng thái thị trường, cả về giá, cung cầu.
“Nhưng nếu không có người mua cuối cùng, là các nhà đầu tư cá nhân, hàng triệu người dân tích cóp từng đồng để mua vàng tiết kiệm, thì ngân hàng và doanh nghiệp không thể tung hứng tạo sóng như thời gian qua. Số đông người dân với tài sản nhỏ nhoi là nơi để các tay chơi đại gia kiếm lời và thoát thân mỗi khi thị trường biến động", một chuyên gia nhiều năm kinh nghiệm về vàng bình luận. Theo ông, ám ảnh lạm phát là lý do khiến người dân vẫn chuộng mua vàng, dù cơ quan quản lý tìm mọi cách hạn chế.
"Đừng nghĩ rằng cứ hạn chế thì người dân sẽ chán vàng. Điều đó là không tưởng. Vì vậy, cần có nhiều lựa chọn để họ tích lũy tài sản”, ông chia sẻ quan điểm với Tổng giám đốc VGB.
Thống đốc Nguyễn Văn Bình nhiều lần đăng đàn trước Quốc hội để giải trình về giá vàng. Ảnh: Hoàng Hà |
Tại kỳ họp Quốc hội lần này, Thống đốc Nguyễn Văn Bình đã phải dành 3 buổi, kể cả chất vấn trực tiếp và thảo luận tại hội trường, để giải trình về các vấn đề liên quan tới thị trường vàng và tiền tệ. Điểm tựa quan trọng để Thống đốc và Ngân hàng Nhà nước tự tin với hướng đi của mình chính là sứ mệnh bảo vệ đồng tiền Việt Nam. Đến giờ phút này, ông vẫn bảo lưu quan điểm không nhất thiết phải bình ổn giá vàng và dù thế nào cũng không chấp nhận phương án nhập khẩu, tiêu tốn những đồng ngoại tệ ít ỏi của quốc gia để phục vụ lợi ích của một nhóm nhỏ những đại gia lắm tiền.
Không phải đại biểu nào cũng tán thành với giải trình quá tự tin của ông. Ngân hàng và giới kinh doanh vàng cũng có lý do để bằng mặt mà không bằng lòng, nhất là khi sản nghiệp của họ nguy cơ tiêu tan nếu Thống đốc vẫn làm như những gì ông nói. Quốc hội còn vài ngày nữa để cân nhắc có ra văn bản đồng tình, chấp thuận cho Ngân hàng Nhà nước tiếp tục các giải pháp đã làm vừa qua, hay sẽ phải ra yêu cầu đặc biệt, buộc có biện pháp khác để sớm kéo giá vàng trong nước liên thông với thế giới.
Song Linh