Tại Hội thảo về thực trạng và đề xuất các giải pháp quản lý hoạt động bán hàng đa cấp diễn ra ngày 16/8, đại diện Sở Công Thương nhiều tỉnh thành thừa nhận địa phương gặp nhiều khó khăn trong việc giám sát hình thức kinh doanh này.
Phó giám đốc Sở Công Thương TP HCM Trần Vinh Nhung cho hay, lâu nay các phản ảnh, phát hiện về hành vi vi phạm pháp luật của các đơn vị bán hàng đa cấp thường rất hạn chế. Khi cấp phép cơ quan quản lý có thể rà soát hồ sơ đầy đủ, yêu cầu doanh nghiệp cam kết tuân thủ quy định pháp luật. Tuy nhiên khi đi vào thực tế các đơn vị này vi phạm cơ quan chức năng lại rất khó giám sát và không thể phát hiện ngay.
Thống kê của Sở Công Thương TP HCM, tính đến tháng 8/2012, thành phố đã cấp 35 giấy đăng ký tổ chức bán hàng đa cấp. Trong đó có 11 doanh nghiệp bị thu hồi giấp phép, chấm dứt hoặc dừng hoạt động. Đa số các hoạt động bán hàng đa cấp bị tuýt còi vì sản phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ và không đúng chất lượng. Gây phản cảm nhất là hành vi dụ dỗ, lôi kéo bằng mọi giá để kêu gọi người khác tham gia mô hình bán hàng đa cấp hoặc mua sản phẩm với số lượng lớn.
Theo ông Nhung, Nghị định 110 về bán hàng đa cấp vẫn chưa lường hết được tình hình hiện nay. Việc bổ sung, điều chỉnh, sửa đổi các quy định này thường đi chậm so với thực tế. Thêm vào đó, cơ quan chức năng lại không đủ lực lượng để giám sát việc này.
Đồng tình với Sở Công thương TP HCM, Phó Phòng quản lý thương mại Sở Công Thương Đồng Nai Nguyễn Văn Lĩnh thừa nhận: "Các doanh nghiệp bán hàng đa cấp đặt trụ sở và báo cáo một nơi nhưng bán hàng ở nhiều địa bàn khác nhau nên rất khó giám sát".
Theo ông Lĩnh, hiện nay luật chưa có quy định rõ về việc doanh nghiệp phải có địa điểm giao dịch cụ thể khi mở rộng thị trường. Điều này khiến chính quyền địa phương khó theo dõi các chương trình tổ chức hội thảo, giới thiệu sản phẩm.
"Hoạt động bán hàng đa cấp có rất nhiều mô hình khác nhau nên Bộ Công Thương cần quy định rõ mô hình nào được phép hoạt động, mô hình nào bị nghiêm cấm để thuận tiện trong việc ngăn chặn các hành vi sai phạm", ông Lĩnh nói.
Trong khi đó, Phó Phòng quản lý thương mại Sở Công Thương Đà Nẵng Đoàn Ngọc Minh phân tích, các đơn vị bán hàng đa cấp hoạt động ở nhiều địa bàn và ngày càng tinh vi. Ngược lại lực lượng quản lý thị trường và cơ quan chức năng vẫn chưa am hiểu về loại hình kinh doanh này. "Địa phương còn nhiều lúng túng, khó phát hiện xử lý hành vi vi phạm", ông Minh nói.
Đặc thù của mô hình bán hàng đa cấp là người tham gia vào mạng lưới này thường đặt nặng doanh số và lợi nhuận nên đã có hành vi giới thiệu không đúng tính năng sản phẩm. Đại diện Sở Công thương TP Đà Nẵng cho rằng cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền về hoạt động bán hàng đa cấp để người hành nghề và người tiêu dùng hiểu về hình thức này.
Trưởng ban điều tra và xử lý các hành vi cạnh tranh không lành mạnh - Cục Quản lý cạnh tranh - Phan Đức Quế cho biết, hoạt động bán hàng đa cấp cần bổ sung thêm các quy định cho phù hợp với tình hình thực tế.
Ông Quế nhấn mạnh, cần có thêm các cơ chế phối hợp giữa các cơ quan chức năng liên ngành: thuế, y tế, công an, quản lý thị trường để giám sát hoạt động bán hàng đa cấp trên địa bàn. Bên cạnh đó, cần tăng mức độ xử phạt các hành vi sai phạm để răn đe, tránh tác động tiêu cực đến những doanh nghiệp chân chính.
Theo ông Quế, Cục quản lý cạnh tranh đang nghiên cứu và sửa đổi quy định về việc tổ chức mạng lưới bán hàng đa cấp và tiền ký quỹ. Theo đó, việc quản lý chương trình bán hàng, quy định trả thưởng và người tham gia bán hàng đa cấp cũng phải chặt chẽ hơn.
Hà Thanh