Cửa thoát hiểm máy bay không phải cứ ấn nút là mở. Ảnh: VNA |
Vụ một sinh viên đại học mở cửa thoát hiểm hôm 6/11 vừa qua khiến dư luận dấy lên những lo ngại về ý thức chấp hành quy định của hành khách đi máy bay. Người cho rằng hành khách sai khi không tuân thủ quy định của hãng vận chuyển, tự ý mở cửa khi chưa được hướng dẫn. Số ý kiến lại bênh vực và cho rằng hãng vận chuyển cũng có một phần trách nhiệm khi các chỉ dẫn chưa cụ thể khiến hành khách hiểu lầm.
Tuy nhiên, theo một lãnh đạo của Cục Hàng không Việt Nam, cửa thoát hiểm trên máy bay không dễ dàng mở như người ta vẫn tưởng tượng rằng chỉ cần ấn nút "open" là có thể bung. "Tất cả các trường hợp mà chúng tôi xử lý đều là sự cố tình từ phía hành khách. Cửa thoát hiểm có chốt chắc chắn và phải qua vài công đoạn khác mới có thể mở cửa", ông nói.
Ông cho hay, tại cửa thoát hiểm, các hãng vận chuyển đều có bảng chỉ dẫn rõ ràng và có phần lưu ý chỉ mở cửa trong trường hợp khẩn cấp. Bình thường cửa này được chốt chắc chắn, không dễ dàng mở được, trừ khi khách cố tình kéo nút, gạt cần chốt.
"Tôi thấy khi khách bị xử phạt, tất cả đều có chung lời khai là thấy nút open tưởng cửa sổ thì bấm nút mở. Thực tế không như vậy, ngay cả khi cửa ở trạng thái có thể mở được thì hành khách cũng phải dùng một lực đủ mạnh mới làm cho cửa mở", ông nói.
Một lãnh đạo của Vietnam Airlines từng than thở, trước khi máy bay cất cánh, tiếp viên đều dùng loa hướng dẫn các quy định trên máy bay rất cụ thể. Thế nhưng, không phải khách nào cũng chú ý lắng nghe và rồi những sự cố như hút thuốc trong nhà vệ sinh, uống rượu gây gỗ với khách bên cạnh hay mở cửa thoát hiểm... vẫn xảy ra.
Với bất kỳ các sự cố nhỏ nào, chuyến bay cũng có thể bị trì hoãn vì an toàn của hành khách. Phi hành đoàn phải hoãn bay lại để bộ phận kỹ thuật kiểm tra và xử lý. "Chúng tôi từng tốn cả vài chục nghìn USD để xử lý cho sự cố hành khách mở cửa thoát hiểm. Trong khi các mức xử phạt hiện hành chỉ dừng ở khung 15-20 triệu đồng", ông nói.
Vị lãnh đạo này cho rằng sự cố liên quan đến mở cửa thoát hiểm thời gian qua đều xuất phát từ sự cố tình của hành khách. Bởi cửa này được thiết kế với chốt chắc chắn, kèm theo cảnh báo chỉ được mở khi có hướng dẫn của tiếp viên hay phi hành đoàn.
Trên thực tế, trong các cuộc hội thảo về an toàn, an ninh hàng không, một số cảng vụ cũng lưu ý với các hãng hàng không về hiện tượng liên quan đến sự cố mở cửa thoát hiểm máy bay. Ngoài việc tuyên truyền rộng rãi quy định cho hành khách, bản thân hãng vận chuyển cũng cần lưu ý đến việc bố trí chỗ ngồi gần cửa thoát hiểm đối với hành khách trên 15 tuổi, không phải người già, không bị tàn tật…, đồng thời, cần bổ sung các quy định khác cho phù hợp với trình độ dân trí Việt Nam.
Chẳng hạn, tại quầy check in hãng vận chuyển cần có sự chỉ dẫn cho khách hàng về cửa thoát hiểm; nhắc nhở đích danh mỗi hành khách được bố trí ngồi gần cửa thoát hiểm tại nơi làm thủ tục hoặc khi đã ngồi đúng ghế trên máy bay; thậm chí, phải ghi rõ cảnh báo bằng tiếng Việt một cách ấn tượng ngay cửa thoát hiểm để hành khách biết mình không được mở.
Một chuyên gia hàng không nhìn nhận hầu hết các hãng vận chuyển hiện nay đều áp dụng quy trình hướng dẫn theo đúng thông lệ quốc tế. "Dù vậy, bản thân các hãng cũng cần phải đặt vấn đề rằng: Tại sao có hướng dẫn rồi, hành khách vẫn vi phạm. Cửa thoát hiểm không dễ mở nhưng nó vẫn bung ra. Bất luận khách vô tình hay cố ý thì nhà vận chuyển vẫn cần phải rút kinh nghiệm, xem xét cách thức tuyên truyền, hướng dẫn của mình đã thực sự tốt chưa", vị chuyên gia này nói.
Hồng Anh