Nhiều mẫu xe siêu sang lần lượt có mặt tại thị trường Việt. Ảnh: H.A. |
Ngày 4/7, Cục Hải quan Bà Rịa - Vũng Tàu có văn bản khẩn gửi lãnh đạo Tổng cục Hải quan đề nghị gỡ khó cho lô hàng 13 chiếc ôtô loại dưới 9 chỗ ngồi do công ty Quang Doanh nhập khẩu.
Theo kế hoạch, số xe trên sẽ về Việt Nam trước ngày 26/6 - thời điểm Thông tư 20 có hiệu lực. Thế nhưng, do quá trình vận chuyển chậm, đến ngày 29/6 tàu mới cập cảng. Lô hàng 13 xe nghiễm nhiên nằm trong danh sách không đủ điều kiện để thông quan.
Nhận thấy đây là lý do khách quan, bất khả kháng, Cục Hải quan Bà Rịa - Vũng Tàu đề nghị cơ quan chức năng cho ý kiến để xử lý đối với trường hợp của Quang Doanh.
Cũng trong tuần qua, có ít nhất 8 doanh nghiệp đã gửi văn bản tới Bộ Tài chính, Công Thương, cơ quan hải quan đề nghị gỡ khó cho khoảng 100 ôtô và xe máy nhập khẩu bị vướng các quy định tại thông tư 20. Trong đó, Công ty Sao Việt có 47 chiếc, gồm 24 xe Toyota Camry loại 5 chỗ ngồi, 8 chiếc Landcruiser Prado loại 7 chỗ ngồi và 15 xe môtô tuần tra nhãn hiệu Honda.
Lô hàng trên được công ty ký hợp đồng với đối tác ngoại từ hồi tháng 3, khi Thông tư 20 chưa ban hành. Và theo kế hoạch ngày 13/7, xe mới cập cảng về thị trường. Do vậy, doanh nghiệp này đề nghị cơ quan chức năng xem xét để lô hàng trên được thông quan.
Công ty Đệ nhất Auto có 5 chiếc Kia Morning nhập khẩu về Việt Nam theo diện xe đã qua sử dụng. 4 xe trong số này bị Bộ Công Thương áp dụng quy định siết nhập khẩu theo thông tư 20. Lý do là, cơ quan này nghi doanh nghiệp "biến" xe mới thành xe đã qua sử dụng để lách quy định. Trong khi đó, Đệ Nhất Auto khẳng định rằng lô hàng trên đáp ứng đủ các điều kiện quy định về nhập khẩu xe cũ.
Trước đó, hai doanh nghiệp khác là Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ Hoàng Trọng và Công ty TNHH Thương Mại Dịch vụ Tâm Lạc có trụ sở tại TP HCM cũng có văn bản đề nghị gỡ khó cho lô hàng trị giá vài triệu đôla đang có nguy cơ không đáp ứng được điều kiện về thủ tục nhập khẩu.
Đại diện của Hoàng Trọng cho biết trước thời điểm 12/5 - ngày Thông tư 20 được ban hành, họ đã ký các hợp đồng nhập khẩu ôtô với đối tác Mỹ trị giá hàng triệu đôla. Tiền đã chuyển trước cho đối tác, theo kế hoạch, khoảng 50 xe sẽ về Việt Nam rải rác trong một thời gian dài.
"Khi Thông tư 20 được ban hành, chúng tôi thực sự bối rối không biết giải quyết việc này ra sao, trong khi tiền đã chuyển cho đối tác ngoại. Chúng tôi mong cơ quan chức năng xem xét có hướng giải quyết cho doanh nghiệp để hạn chế rủi ro cho doanh nghiệp", vị đại diện này nói.
Cũng có lô hàng 30 xe nhập khẩu từ Trung Đông đang trên đường về thị trường, chủ một salon xe hơi ở Hà Nội đang thở ngắn than dài trước nguy cơ ôtô nằm cảng vì không thể thông quan. Ông cho biết doanh nghiệp Việt đang bị đối tác nước ngoài ép ghê gớm về giá khi họ biết được quy định siết nhập khẩu tại thông tư 20.
"Trước thời điểm thông tư 20 có hiệu lực, đối tác nước ngoài đã thông báo tăng giá với đủ lý do. Tuy nhiên, nguyên nhân chủ yếu cũng vì cái khó của doanh nghiệp Việt là muốn mang hàng về sớm hơn để không bị vướng thủ tục nhập khẩu", chủ salon này nói.
Trong cuộc họp báo Chính phủ hồi đầu tháng 6, lãnh đạo Bộ Công Thương từng tuyên bố sẽ gỡ khó cho nhà nhập khẩu ôtô bằng việc "nới" thủ tục nhập khẩu đối với những lô hàng ký trước ngày 12/5 nhưng về sau ngày 26/6. Điều kiện là doanh nghiệp phải xuất trình được hóa đơn thanh toán, giấy chuyển tiền cho đối tác ngoại. Tuy nhiên, một tháng trôi qua, lời hứa của vị lãnh đạo Bộ Công Thương vẫn chưa được hiện thực hóa.
Hồng Anh