Những năm trước đây, thưởng Tết của ngân hàng luôn nằm trong Top đầu các doanh nghiệp. Nhưng năm nay, mọi chuyện dường như đã trái ngược hoàn toàn. Hiện tại, dù một số doanh nghiệp đã công bố việc thưởng Tết, có nơi cao nhất lên đến 400 triệu đồng thì ngân hàng vẫn tỏ ra khá lặng lẽ. Thậm chí, Tổng giám đốc Simon Morris của Techcombank phải gửi thư đến toàn bộ nhân viên ngân hàng thông báo Tết này sẽ không có thưởng. Vị CEO ngoại gọi đây là "quyết định khó khăn".
Trao đổi với VnExpress.net, nhiều lãnh đạo nhà băng thừa nhận rất khó đưa ra quyết định về phương án thưởng Tết năm nay. Một lãnh đạo trong hội đồng quản trị SHB cho biết hiện giờ chưa thể nghĩ đến thưởng. "Trong lúc này, chúng tôi đang ráo riết và quyết liệt xử lý nợ xấu nên chưa tính đến phương án thưởng cụ thể", vị này giải thích. Thời điểm trước khi nhận sáp nhập Habubank, Chủ tịch hội đồng quản trị Đỗ Quang Hiển cũng đã cam kết chắc chắn xử lý xong nợ xấu của Habubank trong năm 2012.
Nợ xấu cao, trích lập dự phòng nhiều và lãi ít là lý do các ngân hàng không mạnh tay thưởng Tết. Ảnh: Hoàng Hà |
Tương tự, khi được hỏi về kế hoạch thưởng Tết Quý Tỵ, Phó tổng giám đốc một ngân hàng cổ phần ở nhóm G9 có trụ sở tại Hà Nội còn nói thẳng: "Năm nay khó khăn, hội đồng quản trị còn chưa chắc đã có thưởng chứ nói gì nhân viên". Vị này chia sẻ thêm: "Năm nay có thể nhiều ngân hàng sẽ không có thưởng hoặc chỉ thưởng mang tính tượng trưng để động viên anh em".
Trong khi đó, tại Ngân hàng Phương Đông OCB, dù Tết dương lịch sắp đến gần nhưng Chủ tịch Hội đồng quản trị Trinh Văn Tuấn cũng bộc bạch, do hoạt động ngân hàng vừa trải qua một năm đầy chật vật nên đến giờ vấn đề lương tháng 13 và thưởng Tết nguyên đán cho nhân viên vẫn chưa chốt. Nhưng theo ông, khả năng thưởng rất khó. Và ông Tuấn cho rằng, bản thân mỗi nhân viên đều hiểu tình hình chung của ngân hàng nên chắc chắn sẽ có sự cảm thông.
Vị Chủ tịch OCB cho biết thêm, riêng với những cán bộ nhân viên làm tốt, hoàn thành hoặc vượt chỉ tiêu, khả năng nhà băng sẽ cân nhắc việc thưởng để động viên khuyến khích tinh thần làm việc.
Tổng giám đốc Ngân hàng Sài Gòn Thương Tín Phan Huy Khang thông tin, mặc dù tình hình kinh doanh khó khăn, lợi nhuận năm nay không đạt kế hoạch như mong muốn nhưng nhà băng vẫn cố gắng lo tháng 13 cho nhân viên. "Còn riêng khoản thưởng Tết âm lịch, ban lãnh đạo vẫn đang trong quá trình cân nhắc và xem xét", ông cho biết.
Tổng giám đốc một ngân hàng cổ phần được tăng trưởng tín dụng 27% trong năm 2012 cho biết, ngân hàng ông cũng không có thưởng Tết mà chỉ có một tháng lương thứ 13. Tuy nhiên, theo ông, việc không có thưởng Tết trong bối cảnh khó khăn chung là bình thường, mọi doanh nghiệp đều phải làm như vậy. Vị này cũng chia sẻ thật: "Giờ cứ nói đến thưởng cuối năm là chúng tôi đau đầu rồi".
Tổng giám đốc Ngân hàng Nam Á Trần Anh Tuấn cũng thừa nhận, năm nay tình hình kinh doanh gặp khó khăn, lợi nhuận không như kỳ vọng... nhưng nhà băng vẫn cố gắng không để mức thưởng bị giảm sút, nhân viên than phiền. Theo đó, ông Tuấn cho biết, trong vài ngày tới ngân hàng sẽ thưởng tháng 13 cho tất cả cán bộ nhân viên. Còn khoản thưởng Tết nguyên đán, ngày 15/1 tới ngân hàng sẽ bàn tới.
Năm ngoái Nam Á thưởng Tết cho nhân viên khoảng 2 tháng lương. "Năm nay, với tình trạng kinh tế khó khăn chung, nhưng Nam Á cũng sẽ cố gắng giữ được mức thưởng như năm trước", ông nói.
Hoạt động không quá khó khăn như khối ngân hàng cổ phần, các lãnh đạo nhà băng quốc doanh cũng không dễ tính toán thưởng cuối năm. Đại diện Vietinbank cho hay năm nay vẫn sẽ đảm bảo đời sống cho anh em như mọi năm nhưng hội đồng quản trị chưa quyết định cụ thể kế hoạch thưởng cuối năm.
Năm 2012 là năm bộc lộ rõ nhất những khó khăn của ngành ngân hàng với việc tín dụng ì ạch, nợ xấu nhảy vọt còn lợi nhuận sụt giảm. Ngay đến những "ông lớn" ngân hàng cũng bi quan và phải thừa nhận không cán được đích lợi nhuận hàng nghìn tỷ đặt ra từ đầu năm.
Tại diễn đàn Quốc hội gần đây, trước tình trạng nợ xấu leo thang và chưa có phương án xử lý, Thống đốc Nguyễn Văn Bình cam kết sẽ cấm các nhà băng trả cổ tức, tăng lương thưởng cho nhân viên nếu không trích lập đủ dự phòng tín dụng để xử lý nợ xấu. Trước tình hình đó, nhiều ý kiến tin rằng ngân hàng đã qua thời kỳ lãi khủng, lương cao như vài năm gần đây.
Lệ Chi - Thanh Lan