Theo báo cáo của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Nội, trong năm 2011, các doanh nghiệp 100% vốn Nhà nước đạt mức lương bình quân là 3,98 triệu đồng mỗi tháng, tăng 3,3% so với năm 2010. Điều này do Chính phủ điều chỉnh nâng mức lương tối thiểu vùng cao hơn so với năm 2010. Tuy nhiên, vì giá cả tăng cao nên thực tế đời sống của người lao động vẫn gặp rất nhiều khó khăn.
Tại khu vực các doanh nghiệp Nhà nước, khoảng cách về tiền lương của các doanh nghiệp chênh lệch nhau không lớn, khoảng 2,8 lần. Cụ thể, doanh nghiệp đạt lương bình quân cao nhất là 6,5 triệu đồng mỗi tháng, đơn vị có mức thấp nhất là 2 triệu đồng mỗi tháng. Trong đó, người có mức lương cao nhất là gần 28 triệu đồng.
Lương của các doanh nghiệp năm 2011 đều tăng so với năm 2010. Ảnh minh họa. |
Còn ở khối doanh nghiệp hoạt động theo Luật Doanh nghiệp, tiền lương bình quân của lao động năm 2011 là 4,65 triệu đồng mỗi tháng, tăng 13,6% năm 2010. Chênh lệch về tiền lương bình quân ở các doanh nghiệp thuộc loại hình này là 3,8 lần. Cụ thể, đơn vị đạt mức cao nhất là 7,7 triệu đồng, nơi có lương bình quân thấp nhất là 2 triệu đồng mỗi tháng. Trong đó, người có mức lương cao nhất đạt gần 45 triệu đồng.
Đối với doanh nghiệp FDI, tiền lương bình quân ở các doanh nghiệp là hơn 4 triệu đồng mỗi tháng, tăng 39,1% so với năm 2010. Ngoài lý do Chính phủ nâng mức lương tối thiểu, lương trung bình của khu vực tăng do được điều chỉnh thêm một lần nữa vào ngày 1/10 vừa qua.
Đây cũng là khu vực có sự chênh lệch lớn nhất về tiền lương giữa các doanh nghiệp, khoảng 5 lần. Đơn vị có mức lương bình quân cao nhất và thấp nhất lần lượt là 10 triệu đồng và 2 triệu đồng. Người có mức lương cao nhất ở khối doanh nghiệp này là 50 triệu đồng một tháng.
Xuân Ngọc
Lương thưởng người lao động - Taichinh.vnexpress.net + Kế hoạch lương 2012 - Taichinh.vnexpress.net |