Năm 2011, Minh Phú đạt kim ngạch xuất khẩu 340 triệu USD, giữ vững ngôi số một về xuất khẩu thủy sản cả nước, lợi nhuận sau thuế ước đạt 400 tỷ đồng. Cả 2 chỉ tiêu trên đều chưa về đích kế hoạch đã đề ra, song phía sau những con số ấy là nỗ lực rất lớn của hàng nghìn công nhân và tâm huyết của Ban lãnh đạo Minh Phú, mà người chèo lái con tàu là Chủ tịch Lê Văn Quang.
Đúng ra, Minh Phú có thể đạt được kim ngạch xuất khẩu đã đề ra, thậm chí vượt, nhưng nhà máy mới Minh Phú Hậu Giang đã không thể đi vào hoạt động như kế hoạch. Lý do ngoài tầm với của doanh nghiệp: tỉnh kêu gọi về đầu tư, nhưng không thể bàn giao đất sạch cho Công ty đúng như đã cam kết. Tiền đền bù giải phóng mặt bằng, Minh Phú đã giao đủ cho tỉnh, nhưng một góc nhà máy vẫn chưa thể hoàn thiện, bởi mỗi khi xây dựng, người dân lại phản ứng dữ dội vì cho rằng, họ chưa được giải quyết chế độ đền bù đất đai thỏa đáng.
Khu tập thể cho công nhân Minh Phú đã chuyển tiền đất cho tỉnh cách đây 3 năm, ngót nghét 70 tỷ đồng, mà vẫn chưa lấy được đất. Không có chỗ ở, Minh Phú không thể đưa 3.000 công nhân dưới Cà Mau lên vận hành nhà máy mới. Dân trong ngành nhận xét, ông Phú thường đặt kế hoạch rất chắc, thấp hơn khả năng thực hiện tới cả trăm triệu USD. Điều này đồng nghĩa, nếu nhà máy đúng tiến độ, Minh Phú có thể đạt kim ngạch xuất khẩu tới gần nửa tỷ USD.
![]() |
Trăn trở lớn nhất của ông "vua tôm" Lê Văn Quang là đưa con tôm Việt Nam vươn tầm ra thế giới. |
Với diện tích nuôi tôm tới 1.300 héc-ta, Minh Phú ngoài dẫn đầu về lĩnh vực chế biến tôm, có lẽ cũng trở thành nhà nuôi tôm lớn nhất nước. Sản xuất ra con tôm nguyên liệu theo quy trình khép kín, đảm bảo nguồn nguyên liệu sạch, đáp ứng những yêu cầu khắt khe nhất của khách hàng, Minh Phú đặt mục tiêu đưa ứng dụng khoa học hiện đại nhất vào vùng nuôi để tăng vụ. Năm 2011 nuôi 2 vụ, năm 2012 sẽ tăng lên 4 vụ, để rồi phấn đấu lên 5 vụ. Đầu tư vùng nuôi tôm lớn như vậy, song năm 2012, Minh Phú cũng chỉ đáp ứng được khoảng 10% nhu cầu nguyên liệu cho các nhà máy.
Về bài toán cơn khát nguyên liệu, ông Quang chia sẻ, đó chính là trăn trở của cả ngành tôm Việt Nam, chứ không chỉ với riêng Minh Phú. Thiếu nguyên liệu, doanh nghiệp chế biến có thể nhập khẩu tôm. Nhưng oái oăm ở chỗ, Việt Nam là nước nông nghiệp có thế mạnh về nuôi trồng thủy sản, giá nhân công lại rất thấp, nhưng giá tôm nguyên liệu đang rất cao so với các nước. Mỗi kg tôm Ấn Độ (đã sơ chế ngắt đầu) được giao tận Nhà máy Minh Phú có giá thấp hơn tôm Việt Nam tới gần 40.000 đồng, tôm Indonesia thấp hơn 30.000 đồng, tôm Thái Lan thấp hơn 10.000 - 15.000 đồng.
Nhiều nguyên nhân đã được các doanh nghiệp nhắc đi nhắc lại, song mọi sự vẫn y nguyên. Nhức nhối nhất là ngành nuôi tôm tự phát không có sự quản lý của cơ quan nào, không quy hoạch vùng nuôi, không kiểm soát con giống, dẫn đến dịch bệnh tràn lan, con tôm còi cọc, kém phát triển. Hệ số an toàn nuôi tôm của Việt Nam dưới 30% (có nghĩa 70% mất trắng). Tình trạng tự phát này còn dẫn tới hệ quả nguy hiểm hơn: đó là không thể kiểm soát được dư lượng chất kháng sinh trong con tôm nguyên liệu.
Năm 2011, khách hàng Nhật kiểm soát rất gắt gao dư lượng kháng sinh trong con tôm nhập khẩu, Minh Phú do tự chủ được một phần nguồn nguyên liệu, nên các lô hàng xuất sang Nhật đều đảm bảo, trong khi nhiều doanh nghiệp khác thỉnh thoảng lại bị tuýt còi, treo code. Cuối năm 2011, Hàn Quốc cũng áp dụng chính sách gắt gao như Nhật, rồi tới Canada. Việt Nam có nguy cơ mất 3 thị trường này. Năm 2012, rất có thể châu Âu và Mỹ sẽ áp dụng tương tự. Nếu không tự chủ về vùng nuôi, mua nguyên liệu từ các hộ nuôi ngoài về chế biến, doanh nghiệp thủy sản có nguy cơ mất thị phần vì mua phải tôm nhiễm kháng sinh không cách gì khắc phục được.
Một mong ước lớn khác của ông Quang là để sản phẩm Việt Nam tăng sức cạnh tranh trên thị trường quốc tế, rất cần một hành lang thông thoáng cho doanh nghiệp xuất khẩu. Nhiều nước xuất hiện không yêu cầu doanh nghiệp phải tự kiểm định toàn bộ chất lượng sản phẩm xuất khẩu của mình, tương tự khách hàng nhập tôm cũng vậy, trong khi Việt Nam yêu cầu ngược lại. Chi phí kiểm định mất một, chi phí mẫu tốn kém gấp 3 lần. Chưa hết, phải sản xuất xong khoảng 70% lô hàng, doanh nghiệp mới có thể mời cơ quan kiểm định chất lượng đến kiểm tra, nhiều trường hợp phải chờ 4 - 5 ngày, xong 7 ngày sau mới có kết quả để xuất hàng.
Vòng quay vốn hẹp lại khiến chi phí đội lên rất nhiều. Cứ làm một phép tính đơn giản, mỗi năm Cơ quan kiểm dịch thủy sản Việt Nam thu 600 - 700 tỷ đồng tiền phí, chi phí mẫu hàng gấp 3 lần số đó, tức khoảng 2.000 tỷ đồng, cộng lại là một số tiền không nhỏ.
Dù khó khăn đến đâu, Minh Phú vẫn sẽ khắc phục để tiếp bước trên con đường đã hoạch định. Ông Quang cho biết, năm 2012, Minh Phú đặt mục tiêu kim ngạch xuất khẩu 480 triệu USD. Nhà máy Minh Phú Hậu Giang với công suất gấp 3 lần Nhà máy Minh Phú Cà Mau, với công nghệ chế biến hiện đại cho phép tăng lợi nhuận thêm 5.000 - 10.000 đồng một kg tôm, sẽ đảm bảo cho Minh Phú thực hiện được mục tiêu đã đề ra.
Đầu tư bài bản từ vùng nguyên liệu, đến nhà máy chế biến, chăm chút cho cuộc sống người lao động thật đảm bảo, từ nơi ăn chốn ở đến chế độ lương bổng hàng tháng, cách làm giàu của Lê Văn Quang đang tạo ra sức phát triển bền vững cho Minh Phú và cho cả bản thân ông. Vươn mạnh ra thị trường thế giới, đem ngoại tệ về xây dựng đất nước, đó cũng là hướng đi đúng để Việt Nam phát triển bền vững, dựa trên sức mạnh của từng tế bào doanh nghiệp trên cơ thể nền kinh tế.
(Theo Đầu tư chứng khoán)