Trong 2 tháng trước đó, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) lần lượt là 3,91% và 2,14%.
Theo Tổng cục thống kê, CPI 7 tháng đầu năm tăng 19,78% so với năm 2007. Còn nếu theo phương pháp trung bình kỳ mới được áp dụng, giá tiêu dùng của 7 tháng đã tăng 21,28% so với trung bình của 7 tháng đầu năm trước.
Giá hàng hóa trong tháng 7 hạ nhiệt nhanh chóng nhờ "đầu tàu" kéo CPI lên cao trong những tháng trước là lương thực, thực phẩm tăng rất nhẹ. Nhóm sản phẩm hàng ăn và dịch vụ ăn uống, vốn chiếm tới 42,8% trong cách tính CPI, chỉ tăng 0,99% trong tháng qua.
Trong đó, lương thực giảm giá 0,36%, và các mặt hàng thực phẩm nhích lên 1,33%. Mức tăng kỷ lục của giá lương thực từ đầu năm đến nay là 22,1% trong tháng 5, do giá gạo đột ngột "sốt" nóng trong vài ngày.
Giá tiêu dùng đã chững lại trong 2 tháng gần đây. Ảnh: Hoàng Hà. |
Nhóm hàng tăng giá mạnh nhất là dược phẩm và sản phẩm y tế, với mức 2%, do trong tháng qua, nhiều công ty dược phẩm thông báo tăng giá thuốc 5-30%. Các nhóm hàng khác, như đồ uống - thuốc lá, may mặc, nhà ở - vật liệu xây dựng tăng trên dưới 1%. Riêng phương tiện đi lại và bưu điện nhích nhẹ 0,55%.
Đà Nẵng đang là địa phương giữ kỷ lục về tốc độ tăng giá tiêu dùng trong tháng 7, với 2,46%, gấp đôi trung bình của cả nước. Hà Nội, Hải Phòng, Cần Thơ, Thái Nguyên cũng là những địa phương có giá cả đắt đỏ.
Cũng trong tháng, vàng đã đắt thêm 3,2%, đưa giá kim loại quý từ đầu năm tới nay tăng xấp xỉ 20%. Giá đôla trong 7 tháng qua cũng tăng gần 7%, trong đó tháng 6 nhích lên 1,3%.
Thống kê về chỉ số giá tiêu dùng tháng 7 chưa bao gồm tác động của đợt tăng giá xăng dầu với biên độ 30% ngày 21/7 vừa qua, bởi Tổng cục Thống kê "chốt" dữ liệu vào ngày 15 hằng tháng.
Ngọc Châu