So với tốc độ tăng giá trong tháng một của những năm gần đây, con số 1,25% không phải là quá cao (CPI tháng một giai đoạn 2010 – 2012 lần lượt là 1,36%, 1,78% và 1%). Tuy nhiên, việc CPI ngay trong tháng đầu đã tương đương khoảng một phần tư mục tiêu lạm phát cả năm (khoảng 6%) rất đang lưu ý.
Thực phẩm là một trong những nhân tố chính gây tăng giá trong tháng một. Ảnh: Bloomberg. |
Xét theo cơ cấu, nhóm hàng ăn – dịch vụ ăn uống và y tế là 2 động lực chính gây tăng giá. Do tác động mùa vụ, thời tiết cũng như việc làm giá của một số doanh nghiệp, giá các mặt hàng như trứng, thịt, rau xanh tại nhiều địa phương đã tăng mạnh trong tháng một, gây ảnh hưởng tới chỉ số chung.
Cụ thể, giá thực phẩm tăng 1,96%, đạt mức cao nhất trong vòng 11 tháng vừa qua. Giá lương thực và ăn uống ngoài gia đình cũng tăng lần lượt 0,15% và 0,6%, khiến chỉ số tại nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống cao hơn 1,34% so với tháng 12/2012. Đây cũng là mức tăng cao nhất của chỉ số này kể từ tháng 2/2012.
Cùng với lương thực – thực phẩm, thuốc và dịch vụ y tế cũng là tác nhân quan trọng đẩy giá tăng. Theo số liệu trước đó của Tổng cục Thống kê, kết thúc năm 2012, vẫn còn trên 30 tỉnh thành chưa điều chỉnh giá thuốc và dịch vụ y tế theo chuẩn mới. Việc các địa phương này thay đổi khung phí mới đã khiến giá dịch vụ y tế chung tăng tới 9,5% trong tháng một. Tính chung cả nhóm thuốc – dịch vụ, mức tăng giá trong tháng là 7,4%.
Ngoài 2 nhóm nêu trên, một mặt hàng cũng có mức tăng giá trên 1% trong tháng một là đồ may mặc – mũ nón – giầy dép. Tuy vậy, mức tăng chỉ là 1,3% và chủ yếu do yếu tố mùa vụ và thời tiết. Ở các nhóm hàng còn lại, mức tăng chỉ số giá chỉ ở mức dưới 1%, riêng bưu chính viễn thông giảm giá 0,05%.
Tuy không được tính vào rổ hàng hóa tính CPI nhưng diễn biến chỉ số giá vàng và đôla Mỹ cũng gây chú ý, khi cùng giảm lần lượt 1,73% và 0,08%.
Nhật Minh