Bên cạnh các giải pháp kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, Chính phủ cũng đặt ưu tiên cho an sinh xã hội, chăm lo đời sống của người nghèo, đối tượng ảnh hưởng nặng nề bởi lạm phát. |
Trong 3 khu vực cấu thành GDP, nông lâm nghiệp thủy sản và dịch vụ cũng được dự báo tăng chậm lại, lần lượt là 1,9% và 6,3% thay vì tốc độ 3,31% và 7,05% của cùng kỳ năm trước. Riêng khu vực công nghiệp và xây dựng tốc độ nhỉnh hơn, ước đạt 6,6% so với mức 6,5% năm ngoái.
Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, các giải pháp kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô và đảm bảo an sinh xã hội đề ra trong Nghị quyết 11 của Chính phủ và Kết luận số 02 của Bộ Chính trị đang phát huy tác dụng, được trong nước cũng như quốc tế ủng hộ. Chính nhờ các biện pháp quyết liệt này mà giá tiêu dùng đang dần được kiểm soát và bắt đầu có dấu hiệu đi xuống. Tuy nhiên, việc tập trung cho mục tiêu kiềm chế lạm phát, ổn định vĩ mô khiến tốc độ tăng trưởng chung của nền kinh tế bị ảnh hưởng.
Tại hội nghị thường niên 2011 Ngân hàng Phát triển Á Châu (ADB) diễn ra tại Hà Nội đầu tháng trước, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã lường trước khả năng kinh tế tăng trưởng thấp hơn mục tiêu đề ra đầu năm. Cơ quan này dự báo GDP cả năm nay sẽ chỉ tăng 6,5%, trong khi mục tiêu ban đầu là 7-7,5%.
Trong hai kịch bản mà Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) trực thuộc Đại học Kinh tế, Đại học Quốc gia Hà Nội vừa đưa ra, kinh tế Việt Nam có thể tăng trưởng với mức 6,18% hoặc 6,55% trong năm nay, tương ứng với lạm phát 15,5% hoặc 18,2%.
Thực tế sau 5 tháng, chỉ số giá tiêu dùng của cả nước đã tăng 12,07% và cao hơn cùng kỳ năm ngoái gần 20%. Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, mặc dù các ngành công nghiệp đạt tốc độ tăng trưởng nhanh và cao hơn chỉ tiêu kế hoạch năm, nhưng do chi phí đầu vào tăng cao trong những tháng gần đây đã làm giảm hiệu quả sản xuất kinh doanh. Sản xuất nông nghiệp cũng gặp nhiều khó khăn do thời tiết, dịch bệnh và việc tăng giá các loại thức ăn chăn nuôi, vật tư đầu vào.
5 tháng đầu năm, Việt Nam vẫn nhập siêu chủ yếu với khu vực châu Á như: Trung Quốc (gần 5,4 tỷ USD), ASEAN (hơn 3,2 tỷ USD), Hàn Quốc (hơn 3,1 tỷ USD), Đài Loan (gần 3,1 tỷ USD), Thái Lan (gần 1,8 tỷ USD). |
Trong khi đó, nhập siêu đang có xu hướng gia tăng. Nếu như đầu năm nhập siêu chỉ chiếm 16,7% kim ngạch xuất khẩu thì tới tháng 5 tỷ lệ này là 22,7%. Tính chung 5 tháng, cả nước nhập siêu 6,6 tỷ USD, tương đương 19% kim ngạch xuất khẩu, cao hơn mục tiêu đề ra là dưới 16%. Bộ Kế hoạch Đầu tư dự báo nhập siêu 6 tháng đầu năm có thể lên tới 7,5 tỷ USD, tương đương 18% kim ngạch xuất khẩu.
Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài vẫn trên đà sụt giảm. Từ đầu năm đến nay, tổng vốn đăng ký mới và tăng thêm ước đạt trên 4,68 tỷ USD, giảm 48% so với cùng kỳ năm trước. Tình hình được dự báo khả quan hơn trong tháng 6, có thể nâng số vốn đăng ký và tăng thêm lên mức 8 tỷ USD, bằng 95% so với cùng kỳ năm trước.
Song Linh