Tranh cãi giữa doanh nghiệp viễn thông và Tập đoàn Điện lực VN (EVN) liên quan đến phí treo cáp trên cột điện vẫn chưa thể giải quyết. Nhà mạng cho rằng việc tăng phí là thiếu cơ sở còn EVN khẳng định đã đến lúc doanh nghiệp viễn thông tự đầu tư cơ sở hạ tầng không thể làm giàu mãi trên lưng ngành điện.
Ông Nguyễn Thanh Lâm - Trưởng ban Viễn thông - Công nghệ thông tin của EVN khẳng định mức giá tăng 4-8 lần ấn định cho năm 2009 được tính toán trên cơ sở hiệu quả kinh tế, chi phí đầu tư hạ tầng và lãi suất vay 10% của ngân hàng.
![]() |
Rất khó phân biệt được đâu những búi dây cáp này là của nhà cung cấp nào. Ảnh: Hoàng Hà. |
Ông Lâm cho rằng EVN đầu tư cột điện là để phục vụ việc truyền tải điện lưới chứ không phải nhằm mục đích kinh doanh hay cho doanh nghiệp viễn thông treo cáp. Do vậy, việc nhà mạng kêu EVN độc quyền, tăng giá thiếu cơ sở là không thỏa đáng. "Trong trường hợp cần thiết, EVN sẵn sàng mời các cơ quan chức năng như Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Tài chính xem xét giá này", ông Lâm nói.
Theo ông, công nghệ hiện đại hoàn toàn cho phép các hãng viễn thông cung cấp dịch vụ không dây, thay vì phải treo cáp lên cột của EVN. Ông cho biết thêm, bên cạnh các doanh nghiệp ký hợp đồng nghiêm chỉnh, còn nhiều công ty viễn thông tư nhân treo trộm cáp khiến cho một chiếc cột điện của EVN phải gánh cả chục búi dây mà không biết của ai vào với ai.
“Hiện nay cũng không có văn bản nào của Chính phủ buộc chúng tôi phải cho các doanh nghiệp khác treo cáp. Các thiết kế của cột điện cũng không dành cho treo cáp viễn thông. Trong khi đó, viễn thông là dịch vụ có thu tiền. Vì vậy, muốn treo cáp phải có thỏa thuận với EVN và phải trả chi phí” - ông Lâm nhấn mạnh.
Theo giới chuyên môn, kinh nghiệm ở nhiều nước trên thế giới, cơ sở hạ tầng phát triển tốt thường có bộ chủ quản (Bộ Công nghiệp hoặc Công Thương) quản lý cơ sở hạ tầng, có cơ quan đầu mối quản lý. Cơ quan này sẽ giao cho một công ty chuyên kinh doanh cơ sở hạ tầng như điện, điện thoại, ánh sáng, dẫn khí, dẫn dầu và các doanh nghiệp đều thuê lại cơ sở hạ tầng đó. Hình ảnh dây rợ chằng chịt treo trên các cột điện cũng hiếm thấy vì hầu hết đã được ngầm hóa. Giới chuyên gia cho rằng Việt Nam cũng cần sớm xây dựng hệ thống quản lý như vậy, tránh tình trạng độc quyền hoặc lộn xộn hiện nay.
Ông Lâm cho biết EVN sẽ tiếp tục có buổi làm việc với các doanh nghiệp viễn thông. Tuy nhiên, quan điểm của nhà mạng vẫn là EVN cần cân nhắc lại giá, nếu có tăng cũng phải từ từ tránh gây sốc. Về lâu dài, doanh nghiệp viễn thông cũng tính đến giải pháp ngầm hóa mạng cáp hoặc dùng chung cơ sở của nhau để giảm bớt chi phí.
Theo tính toán của Saigon Postel, với giá thuê mới chi phí của hãng bị đội lên 6 lần, tương đương với 60 tỷ một năm. Chi phí mà VNPT trả cho việc thuê cột lớn gấp 3 lần so với số tiền mà các doanh nghiệp khác bỏ ra. Nhà khai thác này đang thuê với số lượng cột lớn nhất. Do vậy, quan điểm của VNPT là tiếp tục thương lượng với EVN để chốt giá thuê hợp lý nhất đảm bảo có lợi cho cả hai. Ngoài ra, về lâu dài VNPT sẽ tiếp tục nâng cấp hạ tầng, ngầm hóa cáp thậm chí là tính tới phương án tự xây dựng cột.
Phía Viettel thì cũng cho biết từ trước đến nay hãng vẫn hợp tác với EVN theo hình thức dùng chung hạ tầng, EVN cho mượn cột, đổi lại Viettel phải kéo cáp và hỗ trợ một số sợi dây nếu nhà điện có nhu cầu. Số khác thì Viettel ký hợp đồng thuê. Theo một quan chức Viettel, giá thuê mới mà EVN đưa ra với mức tăng tới 8 lần là vượt quá sức chịu đựng của doanh nghiệp khác. Do vậy, thay vì cứ mãi phải thương lượng, hãng đang thực hiện phương án "tự lực cánh sinh", tức là tự dựng cột điện, tự xây bể cáp ngầm.
"Nói chung về lâu dài doanh nghiệp nào cũng phải tự chủ động về hạ tầng chứ không thể mãi trông chờ vào EVN. Ở nhiều tỉnh thành chúng tôi đã tự dựng cột để treo cáp của mình", vị quan chức này nói.
Trao đổi với báo giới, Phó Vụ trưởng Vụ Viễn thông - Bộ Thông tin và Truyền thông - Nguyễn Văn Trụ cho rằng tranh chấp về giá thuê cột điện là chuyện riêng giữa các doanh nghiệp liên quan đến tỏa thuận thương mại. Nhiệm vụ của Bộ là quản lý về thuê bao, giá cước nhưng nếu doanh nghiệp có văn bản đề nghị hỗ trợ thì Bộ cũng can thiệp. "Hiện tại chúng tôi vẫn chưa nhận được đề xuất nào từ phía doanh nghiệp viễn thông", ông nói.
Theo ông tranh chấp này liên quan đến bài toán sử dụng chung cơ sở hạ tầng giữa các đơn vị trong ngành viễn thông với nhau và giữa ngành viễn thông với các ngành giao thông, điện lực. "Các doanh nghiệp viễn thông đã ký hợp đồng dịch vụ với khách hàng, vì thế nếu không thỏa thuận được với EVN thì họ phải lo đến việc ngầm hóa hệ thống cáp của mình”, ông nhấn mạnh.
Hồng Anh