Theo đó, EVN Telecom sẽ bán tối đa 30% cổ phần ra bên ngoài và tối thiểu số cổ phần bán cho nhà đầu tư nước ngoài là 20%. Nếu được phép, hãng sẽ bán cổ phần cho nhà đầu tư chiến lược nước ngoài theo giá thỏa thuận, trong đó nhà đầu tư nước ngoài sẽ phải thỏa mãn các điều kiện như có kinh nghiệm trong lĩnh vực viễn thông, kinh nghiệm trong triển khai mạng 3G...
Hiện đã có hai tổ chức đầu tư của Singapore và Malaysia đề nghị được làm đối tác chiến lược. Ngoài các tổ chức này, còn hai doanh nghiệp trong nước rất có tiềm lực về tài chính cũng như kinh nghiệm về kinh doanh viễn thông cũng đề nghị được tham gia.
Nguồn tin riêng của VnExpress.net cho biết sở dĩ EVN Telecom phải đẩy nhanh tiến độ cổ phần hóa để kêu gọi nguồn vốn đóng góp là vì hãng đang gặp khó khăn về tài chính. Nhà đầu tư hãng nhắm đến không chỉ là đối tác có tiềm lực mạnh về vốn mà còn am hiểu về công nghệ, có khả năng vực dậy hãng trong bối cảnh công nghệ CDMA đang đẩy dần EVN Telecom ra khỏi cuộc chơi di động ở VN.
![]() |
EVN Telecom chưa gặt hái nhiều thành công trong việc phát triển dịch vụ viễn thông. |
Trao đổi với VnExpress.net, ông Võ Quang Lâm, Phó giám đốc EVN Telecom khẳng định việc bán cổ phần cho nhà đầu tư nước ngoài đã được Thủ tướng thông qua và hãng đang gấp rút triển khai.
Cũng theo ông Lâm, EVN Telecom đang thực hiện theo đúng lộ trình đã được duyệt và việc EVN Telecom khó khăn và cần rót vốn chỉ là một yếu tố trong bài toán tổng thể về cổ phần hóa.
Do đang trong quá trình đàm phán nên danh sách các nhà đầu tư chưa được tiết lộ. Tuy nhiên, ông Lâm cho biết tỷ lệ cổ phần bán, phương pháp chọn lựa nhà đầu tư, các cam kết cụ thể… sẽ được Bộ Công Thương thông qua và quyết định cuối cùng sẽ là Thủ tướng.
Trao đổi với VnExpress.net tại phiên Họp báo thường kỳ của Chính phủ chiều 30/9, Thứ trưởng Bộ Công Thương Hồ Thị Kim Thoa cho biết cơ quan này chưa nhận được bất cứ thông tin nào về việc EVN bán cổ phần cho đối tác nước ngoài.
Theo một chuyên gia am hiểu thị trường viễn thông, với bối cảnh hiện nay, nếu xét về các yếu tố cạnh tranh và kinh nghiệm, không đối tác nào thích hợp với EVN Telecom hơn doanh nghiệp Việt. Việt Nam có tới 3 hãng viễn thông di động được đối tác ngoại góp vốn. Trong đó, Hanoi Telecom hợp tác chiến lược với đối tác Hong Kong - Hutchison, S-Fone với đối tác Hàn Quốc SK Telecom và Gtel với tập đoàn viễn thông có tiếng của Nga kinh doanh mạng di động Beeline… Thế nhưng, các hợp đồng hợp tác này đều đứng ở thế chênh vênh và dễ có nguy cơ thất bại. Hiển hiện nhất là đối tác SK Telecom gần như rút vốn tại S-Fone, đối tác trong hợp tác kinh doanh mạng di động Beeline thì bất đồng quan điểm và Hanoi Telecom cũng chưa vượt qua giai đoạn khó khăn…
Trong khi đó, các doanh nghiệp khác có vốn gần như 100% trong nước như VinaPhone, MobiFone và Viettel lại khá thành công và đang thống lĩnh thị trường. Thậm chí Viettel sau khi vét khách ở thị trường trong nước còn đang đẩy mạnh đầu tư ra nước ngoài.
“Có lẽ thị trường viễn thông Việt có đặc thù riêng và chỉ người Việt mới am hiểu để có những lời giải cho bài toán đầu tư hiệu quả nhất. Do vậy, việc ưu tiên đối tác nội hơn hay đặt niềm tin vào nhà đầu tư ngoại, EVN Telecom nên cân nhắc thận trọng”, vị chuyên gia này nói.
Phó giám đốc EVN Telecom cho biết nếu có doanh nghiệp trong nước đáp ứng điều kiện tốt hơn, EVN Telecom sẽ đề xuất với Bộ Công Thương, báo cáo lại với Chính phủ xem xét. “Chọn nhà đầu tư ngoại đang là phương án ưu tiên, sau đó mới là doanh nghiệp trong nước. Tất nhiên trong quá trình đàm phán, nếu có doanh nghiệp nội đáp ứng các điều kiện tốt hơn, EVN Telecom sẽ đề nghị Bộ Công Thương kiến nghị Chính phủ xem xét”, ông Lâm khẳng định.
Hồng Anh – Nhật Minh