Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải khẳng định trong tháng 11 này sẽ không tăng giá bán lẻ điện. Tuy nhiên, phương án giá cũng như cân đối các mục tiêu ổn định vĩ mô đảm bảo an sinh xã hội vẫn được Chính phủ tính đến.
Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải. Ảnh: H.A. |
- Thưa Phó thủ tướng EVN đang kêu lỗ trên 30.000 tỷ đồng và đề nghị tăng giá điện 7-8 lần. Chính phủ xem xét kiến nghị của EVN như thế nào?
- Việc lỗ lãi của EVN trong kinh doanh mặt hàng điện, các bộ ngành sau khi tiến hành thanh tra, kiểm toán sẽ công bố công khai kết quả. Khi đó, chúng ta sẽ rõ được ngành điện đang lỗ lãi thế nào, giá thành là bao nhiêu, yếu tố nào được tính vào giá thành, yếu tố nào không được tính... Việc công bố thông tin này được thực hiện theo đúng quy định của nhà nước, cụ thể là Quyết định 24 của Thủ tướng.
Đối với đề xuất tăng giá điện của EVN, mức cụ thể được doanh nghiệp dựa theo cân đối tài chính của họ vì đầu tư cho điện còn rất lớn. Hiện nay cân đối vốn cho các nhà máy đang xây dựng dở là hết sức khó khăn, nó đe dọa tình trạng cấp điện của các năm tiếp theo.
Việc điều chỉnh giá điện theo hướng nào, Thủ tướng đã có quyết định số 24. Tức là, mỗi lần điều chỉnh như vậy phải có sự xem xét của các bộ, ngành liên quan, chỉ trong những trường hợp đặc biệt thì Thủ tướng ra quyết định. Chủ trương điều chỉnh là có, còn lúc nào, thời điểm nào còn phải cân nhắc, tính toán theo từng trường hợp cụ thể.
Không phải EVN mong muốn tăng 8 lần, 10 lần là có thể thực hiện được ngay. Nền kinh tế còn nhiều khó khăn và Chính phủ phải đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô đồng thời bảo đảm an sinh xã hội. Nếu không đảm bảo cả 2 mục tiêu này thì khó đạt kết quả mong muốn.
- Chuyện EVN lỗ kéo dài được đề cập đã lâu, nhiều tổ chức tài chính trong và ngoài nước đã bày tỏ sự lo ngại và không cho doanh nghiệp này vay vốn để tiếp tục đầu tư, Phó Thủ tướng bình luận gì về điều này?
- Cái đó rất đúng cho nên chúng ta phải tái cơ cấu đầu tư, tái cơ cấu rất mạnh trong ngành điện trong thời gian tới. Trong tái cơ cấu đầu tư thì phải làm mạnh để thu hút vốn ở khối tư nhân hơn nữa vì tỷ lệ đầu tư bên ngoài hiện còn thấp lắm.
EVN chiếm khoảng 64% hệ thống trong khi tăng trưởng của ngành mỗi năm đòi hỏi có thêm 4.000-4.800 MW. Tính như thế thì riêng phần nguồn điện đã cần đầu tư đến 8 tỷ USD rồi. Với số tiền đó mà chỉ nhìn vào khả năng cân đối của doanh nghiệp Nhà nước thì không có cách gì đủ.
Thứ hai là phải tái cơ cấu doanh nghiệp. Thủ tướng yêu cầu phải thành lập 3 tổng công ty phát điện, hiện vẫn thuộc EVN. Sau thị trường phát triển rồi thì cổ phần hóa để đưa nó ra cạnh tranh, thu hút vốn.
Thứ 3 là phải đẩy mạnh cải cách hệ thống giá điện. Đó là những mục tiêu được đưa ra và phải làm từng bước. Nhưng nếu nền kinh tế ổn định thì việc điều chỉnh tốt hơn còn nếu khó khăn thì phải xem từng bước.
- Cổ phần hóa là một trong những kênh huy động vốn cho các dự án điện. Tại sao Chính phủ cho tạm ngừng cổ phần hóa một số doanh nghiệp thuộc EVN trong một thời gian khá dài?
- Việc ngừng cổ phần hóa các công ty là sắp xếp, chờ tái cơ cấu xong vì nó liên quan đến thị trường điện. Còn nếu để các doanh nghiệp lẻ rồi thực hiện cổ phần hóa thì nảy sinh vấn đề là sau này thị trường nó lắt nhắt, quá nhỏ, tạo ra những sự cạnh tranh không lành mạnh.
- Quyết định 24 của Chính phủ cho phép ngành điện được điều chỉnh giá 3 tháng một lần căn cứ trên hoạt động kinh doanh. Căn cứ vào quyết định này thì lẽ ra giá điện đã tăng rồi?
- Quyết định ra rồi thì chúng ta định hướng điều hành giá điện dần tiệm cận với giá thị trường và đồng thời phải hình thành thị trường điện cạnh tranh, trước tiên là ở khâu phát điện. Cái đó nhằm đảm bảo hiệu quả chung của cả hệ thống. Việc điều chỉnh đó phải có sự kiểm soát của các bộ, ngành. Doanh nghiệp được điều chỉnh ở mức độ nhất định nhưng phải có sự kiểm tra của các bộ, ngành. Nếu căn cứ vào quyết định này, EVN được điều chỉnh giá bán rồi. Nhưng năm nay, chúng ta còn phải đảm bảo mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát nên các phương án cần tính toán thận trọng.
Thủ tướng cũng quyết định là trong tháng 11 này cũng chưa có điều chỉnh gì. Trước mắt theo quyết định 24, Bộ Công Thương phải công khai kết quả kiểm toán và công khai hóa giá thành của EVN. Trên cơ sở đó toàn bộ xã hội, khách hàng của EVN biết rằng, kết quả sản xuất, kinh doanh điện của EVN đã được kiểm toán chưa, giá thành có chuẩn hay không. Việc này cần phải làm trước tiên chứ nếu tăng giá điện mà người dân, khách hàng của EVN chưa được biết kết quả kiểm toán, chi phí, giá thành sản xuất của EVN thì đó là điều bất hợp lý.
Hồng Anh