Các trường hợp này đều có vốn điều lệ đăng ký là 1.000 tỷ đồng. Trong đó, góp vốn thành lập Ngân hàng thương mại cổ phần Năng lượng là các tổng công ty Lilama, Sông Đà và Tập đoàn Than Khoáng sản Việt Nam.
![]() |
Muốn góp vốn thành lập ngân hàng mới, tổ chức tín dụng phải có tổng tài sản tối thiểu 10.000 tỷ đồng, vốn điều lệ 1.000 tỷ đồng, tỷ lệ nợ xấu dưới 2%. Ảnh: Hoàng Hà. |
4 đơn vị còn lại đều có sự tham gia góp vốn của các ngân hàng đàn anh đang hoạt động hiện nay. Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) chung vốn với một số công ty trách nhiệm hữu hạn để lập Ngân hàng Ngoại thương châu Á. Techcombank cùng Tổng công ty Hóa chất Việt Nam và Công ty cổ phần Khu công nghiệp Tân Tạo ITA góp vốn thành lập Ngân hàng cổ phần Ngôi sao Việt Nam.
Đông Dương Thương tín có thể là ngân hàng thứ hai có nguồn gốc quân đội. Cổ đông sáng lập của ngân hàng này là Ngân hàng cổ phần Quân đội và một số doanh nghiệp thuộc Bộ Quốc phòng.
Ngân hàng Bảo Tín có sự tham gia góp vốn của Ngân hàng Nhà Hà Nội (Habubank), Satra Sài Gòn...
Cả 5 hồ sơ thành lập ngân hàng nói trên được Ngân hàng Nhà nước duyệt về nguyên tắc hôm 3/1, cùng lúc với việc cấp phép thành lập chi nhánh cho 3 ngân hàng nước ngoài là Taipei Fubon (Đài Loan), Industrial Bank of Korea (Hàn Quốc) và Commonwealth Bank of Australia (Australia).
Như vậy, trong số 21 hồ sơ xin cấp phép thành lập ngân hàng cổ phần đã nộp trước thời điểm 31/12/2007, Ngân hàng Nhà nước đã duyệt về nguyên tắc với 9 trường hợp. 4 đơn vị được chấp thuận trước đó là Liên Việt, Dầu khí, FPT và Bảo Việt.
Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Giàu cho biết thời gian tới sẽ tiếp tục xem xét, xử lý theo trình tự thủ tục và các quy định hiện hành. Ngân hàng Nhà nước cũng sẽ có tờ trình Thủ tướng xin ý kiến về chủ trương, định hướng trong thời gian tới đối với việc cấp phép thành lập ngân hàng.
Song Linh