Theo đó, Tập đoàn Công nghiệp tàu thủy (Vinashin) sẽ tập trung vào 3 lĩnh vực chính, gồm công nghiệp đóng và sửa chữa tàu biển với quy mô phù hợp; công nghiệp phụ trợ phục vụ cho việc đóng và sửa chữa tàu biển và đào tạo nâng cao tay nghề cho đội ngũ cán bộ công nhân công nghiệp tàu biển.
Chủ trương của Chính phủ là xây dựng Vinashin làm nòng cốt của ngành công nghiệp đóng và sửa chữa tàu biển là ngành mũi nhọn để phát triển kinh tế hàng hải và thực hiện chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020 và những năm tiếp theo.
Vinashin được ví như chú chim đầu đàn trong ngành đóng tàu bị gãy cánh. Ảnh: ST. |
Theo quyết định của Thủ tướng, việc tái cơ cấu Vinashin được thực hiện trên cơ sở không để ảnh hưởng lớn đến ổn định kinh tế vĩ mô và môi trường đầu tư chung của nền kinh tế; Duy trì đội ngũ lao động, đặc biệt là cán bộ kỹ thuật và công nhân lành nghề trong lĩnh vực sản xuất kinh doanh chính. Bảo đảm quyền lợi, nghĩa vụ hợp pháp của nhà đầu tư, người lao động trong các doanh nghiệp thực hiện sắp xếp. Đồng thời đảm bảo khai thác, sử dụng có hiệu quả, giảm thiểu thiệt hại những tài sản đã và đang đầu tư; thu hồi tối đa các khoản đã đầu tư vào các lĩnh vực không liên quan đến lĩnh vực sản xuất kinh doanh chính để tập trung cho phát triển công nghiệp đóng và sửa chữa tàu biển.
Thời gian tái cơ cấu bắt đầu từ năm 2011 đến hết năm 2013. Theo đó, mô hình tập đoàn Vinashin sau khi tái cơ cấu sẽ là tổ hợp các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực đóng và sửa chữa tàu biển, công nghiệp phụ trợ, đào tạo, phục vụ đóng và sửa chữa tàu biển, gắn bó chặt chẽ và lâu dài với nhau về lợi ích kinh tế, công nghệ, thị trường. Mô hình tập đoàn sẽ gồm công ty mẹ, công ty con, công ty liên kết, đơn vị sự nghiệp hoạt động theo quy định của pháp luật và Điều lệ tổ chức và hoạt động. Công ty mẹ và các đơn vị thành viên có tư cách pháp nhân, có vốn và tài sản riêng; có quyền chiếm hữu, sử dụng, định đoạt tài sản của mình theo quy định của pháp luật và theo thỏa thuận chung của tập đoàn.
Trong đó, công ty mẹ là hoạt động theo mô hình công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ. Còn lại là 21 công ty con và đơn vị tổ chức thuộc Vinashin.
Cũng theo đề án, việc sắp xếp các doanh nghiệp còn lại trong tổ hợp Vinashin hiện nay theo các hình thức: cổ phần hóa, bán doanh nghiệp, bán nợ, chuyển nợ thành vốn góp, chuyển nhượng phần vốn góp, giải thể, phá sản... Hội đồng thành viên Tập đoàn chủ động thực hiện sắp xếp các doanh nghiệp này một cách linh hoạt về hình thức và thời gian, theo đúng quy định của pháp luật và bảo đảm các yêu cầu đã nêu trên. Trong quá trình thực hiện tái cơ cấu, sắp xếp các doanh nghiệp, Vinashin áp dụng cơ chế, chính sách liên quan trong lĩnh vực đổi mới, sắp xếp doanh nghiệp nhà nước.
Thủ tướng yêu cầu các bộ ngành có liên quan giám sát chặt chẽ thời gian tái cơ cấu, mục tiêu yêu cầu và kịp thời xử lý những vướng mắc, phát sinh để báo cáo Thủ tướng xử lý.
Quyết định của Thủ tướng có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký 18/11.
Quyết định tái cơ cấu Vinashin được đưa ra trong bối cảnh tập đoàn này ngập sâu trong nợ nần. Theo kế hoạch, việc cơ cấu lại Vinashin được thực hiện theo hướng chuyển giao một số cơ sở và chi nhánh cho Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) và Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (Vinalines).
Mới đây, Phó thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng cũng giao cho Bộ Tài chính xử lý đề nghị của Vinashin về việc sử dụng một phần nguồn trái phiếu quốc tế năm 2010 (khoảng 300 triệu đôla) để trả nợ đã đến hạn cho Ngân hàng Natixis (Pháp).
Trong bản báo cáo dài 18 trang mà Bộ Giao thông Vận tải gửi tới các đại biểu Quốc hội hôm 19/10 vừa qua đã nêu rõ thực trạng, năm 2009, Vinashin đã kinh doanh thua lỗ tới 1.600 tỷ đồng. Năm 2010, dự kiến sẽ tiếp tục thua lỗ.
Đến tháng 6/2010, tổng số nợ của tập đoàn là 86.000 tỷ đồng, trong đó nợ dài hạn khoảng 45.000 tỷ đồng, nợ đến hạn phải trả là 14.000 tỷ đồng. Tính chung, tỷ lệ nợ phải trả trên vốn chủ sở hữu lên đến gần 11 lần, khiến tập đoàn rơi vào tình trạng mất cân đối tài chính nghiêm trọng, đứng trước nguy cơ phá sản. Tuy nhiên, tập đoàn đã không báo cáo trung thực về thực trạng của mình, trong năm 2009 vẫn báo lãi 750 tỷ đồng và quý I năm nay vẫn báo lãi gần 100 tỷ đồng.
21 công ty con và đơn vị sự nghiệp thuộc Vinashin gồm: - Công nghiệp tàu thủy Nam Triệu; |
Hồng Anh