Đại biểu Trần Hoàng Ngân phát biểu tại phiên thảo luận của đoàn TP HCM ngày 24/5. Ảnh: Dũng Trần |
Trong 7 chỉ tiêu không đạt của kế hoạch 2011, phần lớn đều là những vấn đề hệ trọng với nền kinh tế. GDP chỉ tăng 5,89% thấp hơn nhiều mức tăng 6,78% năm trước. Trong khi vốn ngân hàng vẫn là nguồn quan trọng nhất nuôi dưỡng nền kinh tế thì tổng phương tiện thanh toán chỉ tăng 12,37% (kế hoạch 15-16%), còn dư nợ tín dụng chỉ tăng 14,41% (kế hoạch giao là dưới 20%).
Bước sang 2012, tăng trưởng GDP tiếp tục thụt lùi so với năm trước, quý I chỉ đạt 4% trong khi mức tăng cùng kỳ năm ngoái là 5,57% và 2010 là 5,84%.
Hệ quả trực tiếp nhất của thực trạng trên là đến cuối 2011, số doanh nghiệp phải giải thể, ngừng hoạt động hoặc thu hẹp sản xuất tăng 24,7% so với năm trước. 4 tháng đầu năm nay, cả nước có trên 17.700 doanh nghiệp làm thủ tục giải thể và ngừng hoạt động, tăng 9,5% so với cùng kỳ, trong đó nhiều nhất là các doanh nghiệp bán buôn, bán lẻ, công nghiệp, khai khoáng, xây dựng và bất động sản… Cùng thời gian này, gần 172.000 lao động đăng ký thất nghiệp, tăng 61,4% so với cùng kỳ.
Mặc dù nhìn nhận nền kinh tế bắt đầu xuất hiện những dấu hiệu suy giảm tăng trưởng, nhưng trong báo cáo trình kỳ họp Quốc hội lần này, Chính phủ vẫn đánh giá “tình hình kinh tế xã hội trong 4 tháng đầu năm đã có những chuyển biến tích cực và đạt được những kết quả bước đầu”.
Không đồng tình với đánh giá này, Ủy ban Kinh tế Quốc hội cho rằng dấu hiệu suy giảm kinh tế và những vấn đề an sinh xã hội nảy sinh là khó khăn, thách thức rất lớn. GDP quý I không chỉ thụt lùi so với các năm trước, mà còn thấp hơn dự kiến của Chính phủ (dự kiến 5-6% trong quý I và 4,5% trong quý II), đe dọa khả năng hoàn thành mục tiêu tăng trưởng 6-6,5% cả năm.
Lạm phát kiềm chế và nhập siêu giảm mạnh được xem là thành công lớn trong công tác điều hành của Chính phủ. 4 tháng đầu năm CPI chỉ tăng 2,6% trong khi nhập siêu chỉ chiếm 0,53% tổng kim ngạch xuất khẩu (cùng kỳ 2010 và 2011 lần lượt là 23,4% và 16,5%).
Nhưng đại biểu Trần Du Lịch cảnh báo lạm phát giảm như vậy là điều đáng lo vì sức mua giảm mạnh, một phần lý do có thể là đầu tư công và tiền tệ thắt quá chặt. Nhập siêu giảm cũng không hẳn là tín hiệu vui vì doanh nghiệp không còn khỏe để nhập khẩu thiết bị, nguyên vật liệu về sản xuất kinh doanh.
“Thắt chặt tiền tệ chống được lạm phát, nhưng làm cho nền kinh tế lúng túng, nhiều doanh nghiệp phá sản. Thành tích giảm nhập siêu nên nhìn dè dặt nếu không sau ta lại ngỡ ngàng vì hệ quả của nó”, vị chuyên gia kinh tế phát biểu.
Theo ông, GDP năm nay rất khó đạt được chỉ tiêu 6-6,5% nhưng khả năng 5-6% sẽ nằm trong tầm tay nếu kịp thời thay đổi giải pháp và cân đối giữa kiềm chế lạm phát với lấy lại đà tăng trưởng kinh tế.
“Tiền huy động được chạy lòng vòng trong các ngân hàng chứ không ra được doanh nghiệp, khiến doanh nghiệp vẫn thiếu ‘máu’. Ngân hàng thủ thế quá đáng là không nên. Nếu cố thủ mà doanh nghiệp phá sản thì không chỉ làm gia tăng nợ xấu mà cả nợ không đòi được”, ông Lịch cảnh báo.
Lãi suất cao, tín dụng thắt chặt quá đà là câu chuyện được nhiều đại biểu nhắc tới nhất trong phiên thảo luận tại tổ về tình hình kinh tế xã hội 2012 ngày 24/5. Đại biểu Nguyễn Quốc Bình lo lắng với lãi suất ngân hàng cao như hiện nay, doanh nghiệp lo đủ lương cho nhân viên đã khó, không thể nói tới chuyện đầu tư mở rộng sản xuất kinh doanh, và như vậy sẽ không có nguồn để kiềm chế lạm phát, đảm bảo an sinh. Đại biểu Nguyễn Minh Quang thậm chí còn cho rằng lãi suất vẫn cao như thời gian qua là liều thuốc độc khiến doanh nghiệp chết nhanh hơn.
“Giải pháp thắt chặt tiền tệ chúng ta dùng thời gian qua hơi quá liều, gây ra tình trạng sốc thuốc. Số doanh nghiệp phá sản tăng cao, kéo theo là hàng trăm nghìn người thất nghiệp”, đại biểu Trần Hoàng Ngân, người rất tường tận về lĩnh vực ngân hàng, nói thẳng. Theo ông, báo cáo là nơi phản ánh sức khỏe của nền kinh tế, nhưng nếu báo cáo sai, tô hồng sẽ khiến các chính sách đưa ra không kịp thời, bất hợp lý.
Là chủ một tập đoàn lớn, đại biểu Đặng Thị Hoàng Yến cảnh báo tình trạng nhóm lợi ích trong ngành ngân hàng, khiến dòng vốn có thể đi không đúng địa chỉ, doanh nghiệp sản xuất kinh doanh ít quan hệ rất khó tiếp cận nhưng nếu chấp nhận chi cho môi giới, khả năng vay được sẽ cao hơn.
“Để tăng trưởng GDP 6-6,5%, Quốc hội yêu cầu tăng trưởng tín dụng 15-17%. Nhưng thực tế tín dụng âm suốt mấy tháng qua. Không có vốn, doanh nghiệp chết hoặc đối mặt với nguy cơ bị các nhóm lợi ích thâu tóm, rồi mua đi bán lại kiếm lời. Thế mà đọc báo cáo, tôi vẫn thấy rất nhiều màu hồng”, bà Yến tranh thủ phát biểu trong thời gian ít ỏi còn lại ở Quốc hội, trước khi có thể bị bãi nhiệm vào thứ bảy tuần này vì cáo buộc sai lệch thông tin ứng cử.
Quan tâm nhiều hơn tới các vấn đề xã hội, đại biểu Hà Minh Huệ cho rằng báo cáo của Chính phủ có nhiều màu hồng, nhưng vì chưa nêu bật và đánh giá sâu sắc thực trạng các vấn đề xã hội đang nảy sinh, nên chưa thể khiến cử tri cả nước yên tâm hoàn toàn. Chia sẻ quan điểm này, đại biểu Phạm Xuân Trường cho rằng lòng tin của người dân giảm sút sau hàng loạt vụ việc kiểu Vinashin, Vinalines. Vụ Tiên Lãng chậm giải quyết, rồi những vấn đề nảy sinh khi cưỡng chế đất Văn Giang cũng khiến dư luận bức xúc.
“Ngày xưa kinh tế khó khăn nhưng đời sống tinh thần đỡ hơn bây giờ. Giờ thì vừa khó về kinh tế, vừa khổ về tinh thần. Dân người ta có nhiều câu hò vè về tình trạng phí gia tăng, thực phẩm mất an toàn, bệnh dịch bủa vây. Chừng ấy cũng cho thấy thực trạng đời sống xã hội đang thế nào”, một nữ đại biểu đoàn TP HCM nói.
Về giải pháp tháo gỡ khó khăn, đại biểu Trần Du Lịch đề nghị Quốc hội nên mạnh dạn ủng hộ giảm thuế cho các hộ kinh doanh cá thể. Theo ông, dù phải giảm thu nhưng đây sẽ là nguồn động viên quan trọng cho các tiểu thương, trong đó có 3 triệu hộ kinh doanh TP HCM đang phải chịu hình thức thuế khoán. Nhiều tiểu thương TP HCM những ngày này kinh doanh không nổi nên phải bỏ sạp, đóng cửa hàng, nếu không tạo điều kiện thì năm 2013 sẽ có thêm nhiều hộ sản xuất phá sản và thất thu còn lớn hơn. “Hàng trăm nghìn doanh nghiệp, hàng triệu hộ sản xuất kinh doanh đang trông chờ vào quốc hội. doanh nghiệp không tồn tại được thì tái cấu trúc cách nào đây” – ông Lịch bộc bạch. Đại biểu doanh nhân Nguyễn Ngọc Hòa cũng đề nghị Quốc hội có giải pháp tháo gỡ cho doanh nghiệp đồng thời phải có chính sách kích cầu bằng cách giảm thuế VAT và thuế thu nhập cá nhân, kiềm chế giá nước, giá xăng, giảm áp lực cho dân. Trong khi đó, đại biểu Trần Hoàng Ngân đề xuất xây dựng 2 hệ thống giải pháp ngắn hạn và dài hạn. Với giải pháp ngắn hạn, phải hỗ trợ người lao động, trợ cấp an sinh xã hội, hỗ trợ thuế phí cho doanh nghiệp, đẩy mạnh xúc tiến thị trường trong và ngoài nước. Còn giải pháp dài hạn là liên quan tới tái cơ cấu, tới chính sách tài khóa và tiền tệ trong trung dài hạn. |
Song Linh - Tiến Dũng