Chiều 15/10, Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) tổ chức lấy ý kiến "Dự thảo quy định ân hạn nộp thuế nhập khẩu khi có bảo lãnh của tổ chức tín dụng". Nhiều doanh nghiệp thủy sản cho biết khi đón nhận thông tin Dự thảo Luật quản lý thuế, trong đó đề xuất sửa đổi thời hạn nộp thuế đối với hàng nhập khẩu, ai nấy đều hoang mang.
Theo đó, hàng hóa là vật tư, nguyên liệu nhập khẩu để sản xuất hàng xuất khẩu phải nộp tiền thuế trước khi thông quan, giải phóng hàng hóa hoặc phải có bảo lãnh của tổ chức tín dụng. Nếu dự thảo này được áp dụng, chính sách ân hạn nộp thuế nhập khẩu thủy sản 275 ngày cũng bị vô hiệu, đồng nghĩa với việc chi phí đội lên 5-10%.
Tổng giám đốc Công ty Hải Vương, Nguyễn Xuân Nam chia sẻ: "Tôi hết sức buồn khi đọc dự thảo quy định ân hạn thuế nhập khẩu 275 ngày khi có bảo lãnh của tổ chức tín dụng. Làm thế này doanh nghiệp thủy sản sẽ chết trước".
Theo ông Nam, cơ quan soạn thảo chưa sâu sát thực tế của ngành thủy sản Việt Nam. Do điều kiện tự nhiên 6 tháng mưa bão không thể đánh bắt, nửa năm công nhân không có việc làm, kinh doanh bấp bênh, thường xuyên thua lỗ. Để tồn tại, doanh nghiệp phải mày mò nhập khẩu nguyên liệu từ nước ngoài để bù đắp vào nguồn nguyên liệu bị thiếu hụt.
Ông Nam phân tích, một tờ khai nhập khẩu từ lúc mở đến khi hoàn tất đã mất 7-8 tháng, thuận lợi mất trung bình 5,5 tháng. Chỉ tính thuế trong thời gian này doanh nghiệp đã mất không ít chi phí vốn. Nếu bỏ ân hạn thuế nhập khẩu 275 ngày, doanh nghiệp mất chủ động trong sản xuất, vòng quay vốn lưu động kém hiệu quả, đàm phán quốc tế kém linh hoạt dẫn đến tăng rủi ro.
Công nhân đóng gói thủy sản. Ảnh: VASEP |
Phó tổng giám đốc kinh doanh Tập đoàn thủy sản Minh Phúc, Nguyễn Tấn An cho hay: "Bỏ ân hạn thuế nhập khẩu 275 ngày thì khó khăn sẽ chồng chất vì nhập khẩu nguyên liệu là chuyện sống còn của thủy sản Việt Nam".
Ông cho biết, năm 2011-2012, nguồn nguyên liệu tôm trong nước đang bị hạn chế do dịch bệnh lan trên diện rộng, dựa vào nguồn lực trong nước chỉ xuất khẩu được 20% chỉ tiêu. Để đảm bảo đơn hàng, bắt buộc phải nhập khẩu nguyên liệu.
Theo ông An, hơn 50% doanh nghiệp sản xuất tôm xuất khẩu ở Đồng bằng Sông Cửu Long đã ngừng hoạt động. 30% còn lại chết lâm sàn. 20% doanh nghiệp còn hoạt động cầm cự nhưng không hiệu quả. "Thời gian ân hạn nộp thuế nhập khẩu 275 ngày vẫn chưa đủ để vượt bão. Tôi kiến nghị ân hạn 365 ngày mới kịp thời hỗ trợ doanh nghiệp vượt khó", ông nói.
Trong khi đó, Tổng giám đốc Công ty Highland Dragon, Nguyễn Phạm Thanh bày tỏ: "Tôi bàng hoàng khi hay tin chính sách ân hạn thuế 275 ngày sẽ không còn hiệu lực. Nếu điều này trở thành sự thật thì sớm muộn gì doanh nghiệp thủy sản cũng nguy nan".
Highland Dragon đại diện cho 4 doanh nghiệp sản xuất cá ngừ đại dương hàng năm nhập khẩu 25.000 tấn cá ngừ, chiếm 80% nguồn nguyên liệu, tạo việc làm cho 2.000 lao động Việt Nam. Trước thông tin bất lợi này, ông Thanh lo ngại các nhà đầu tư nước ngoài sẽ dừng hợp tác vì môi trường kinh doanh không ổn định, thiếu tính cạnh tranh so với các nước trong khu vực.
Công nhân chế biến cá. Ảnh: Bidifisco |
Còn Giám đốc Công ty cổ phần thủy sản Bình Định, Cao Thị Kim Lan bộc bạch, công ty bà lệ thuộc 70% nguồn nguyên liệu cá ngừ nhập khẩu do việc đánh bắt xa bờ trong nước chỉ làm được theo mùa vụ 6-7 tháng một năm. "Trước đây doanh nghiệp sống được là nhờ chính sách ân hạn thuế 275 ngày. Nay kinh tế khó khăn, lại bỏ ân hạn thì gánh nặng càng lớn", bà Lan lo lắng.
Cùng đồng cảm, Giám đốc Công ty thủy sản Hải Long Nha Trang, Nguyễn Thị Thế Yến than: "Tôi lo không biết doanh nghiệp mình sẽ tồn tại được trong bao lâu, 1.000 công nhân của chúng tôi sẽ đi về đâu nếu bỏ ân hạn thuế nhập khẩu 275 ngày".
Dự báo của VASEP, nếu bỏ chính sách ân hạn thuế nhập khẩu 275 ngày năng lực cạnh tranh của sản phẩm thủy sản Việt Nam sẽ bị suy giảm. Phí bảo lãnh ngân hàng thu của doanh nghiệp là 2-3% một năm trong tổng tiền thuế nhập khẩu. Cộng thêm lãi suất cho vay, chi phí sản xuất, giá thành sản phẩm sẽ bị đội thêm 5-10% nữa.
Phó chủ tịch VASEP, Nguyễn Hữu Dũng phân tích, chính sách ân hạn thuế nhập khẩu đã giúp ích rất lớn cho sự phát triển của ngành thủy sản. Song vì một số ít đơn vị lợi dụng việc này để trốn thuế nên mới có dự thảo quy định ân hạn nộp thuế nhập khẩu ra đời. "Nếu cần cơ quan quản lý có thể phân ra hai luồng xanh (ưu đãi), đỏ (kiểm soát chặt) để có chính sách ân hạn thuế nhập khẩu phù hợp và công bằng", ông đề xuất.
Phó Vụ trưởng Vụ xuất nhập khẩu - Bộ Công Thương, Dương Phương Thảo cho biết, đề xuất của VASEP đã được chuyển đến cơ quan chủ trì xây dựng luật nhưng quan điểm gắn chính sách ân hạn thuế nhập khẩu với việc bảo lãnh của tổ chức tín dụng vẫn được bảo lưu. Bà Thảo cho rằng, để thuyết phục cơ quan làm luật thay đổi quan điểm, doanh nghiệp và hiệp hội cần cung cấp thêm các số liệu và chứng cứ đề cập tính cấp bách của tình thế. "Vụ xuất nhập khẩu sẽ tăng cường công tác trao đổi nhằm mang lại kết quả sớm nhất", bà nói.
Vũ Lê