Điểm mới của chương trình bình ổn năm nay là ngoài doanh nghiệp còn có sự tham gia của các tổ chức tín dụng. Nguồn vốn thực hiện không lấy từ ngân sách thành phố mà từ các tổ chức tín dụng, với lãi suất phù hợp dựa trên sự kết nối của cơ quan quản lý.
Theo đó, 5 tổ chức tín dụng, ngân hàng cam kết dành 1.850 tỷ đồng để cho vay ngắn hạn (dưới 12 tháng) đối với doanh nghiệp. Trong đó, 750 tỷ đồng được dành để sản xuất và dự trữ hàng hóa cung ứng thị trường trong năm với lãi suất 6%. 1.100 tỷ đồng còn lại sẽ được dành cho các dự án đầu tư sản xuất, chăn nuôi trung và dài hạn, với lãi suất 10% một năm.
![]() |
Rau củ quả là một trong những mặt hàng nằm trong diện bình ổn. Ảnh: Thi Hà |
Ngoài ra, TP HCM hỗ trợ các đơn vị mở rộng chuồng trại, chăn nuôi, đầu tư con giống, đổi mới công nghệ.
Bà Nguyễn Thị Hồng, Phó Chủ tịch UBND thành phố cho biết, các năm qua, giá cả biến động bất thường dù đã thực hiện bình ổn giá. Năm nay thành phố sẽ hỗ trợ đầu tư chuồng trại giúp doanh nghiệp tiếp cận mô hình khép kín từ con giống đến sản phẩm. Mục đích để giá cả ổn định, nguồn hàng dồi dào, các đơn vị chủ động xây dựng mạng lưới cây giống, con giống bền vững... Mục tiêu là đưa giá hàng bình ổn luôn thấp hơn thị trường 5-10%.
Gạo, đường, dầu ăn, thịt gia súc, gia cầm, trứng gia cầm, thực phẩm chế biến, rau củ quả, thủy hải sản vẫn thuộc diện bình ổn năm nay. Cùng với đó là dụng cụ học sinh (cặp, ba lô, túi xách, đồng phục học sinh) và 6 nhóm mặt hàng sữa…
Bà Lê Ngọc Đào - Phó giám đốc Sở Công thương TP HCM cho biết, năm 2012, thành phố giải ngân 265,98 tỷ đồng cho mục đích bình ổn, giảm 145,92 tỷ đồng so với 2011. Tính đến nay toàn thành phố phát triển 6.439 điểm bán, trong đó lương thực thực phẩm thiết yếu 2.784 điểm, tăng 2.536 điểm so với năm 2008.
Tuy nhiên, theo bà, chương trình bình ổn năm qua vẫn còn nhiều hạn chế. Việc đưa hàng bình ổn vào chợ truyền thống khó khăn do một số tiểu thương ngại bán vì lợi nhuận và chiết khấu thấp. Ngoài ra, hàng hóa chưa phong phú, trưng bày còn chưa đẹp mắt...
Thi Hà